Theo Chinatimes, hoàng tộc thời phong kiến cổ đại ở Trung Quốc thường có tuổi thọ ngắn do công nghệ y học lạc hậu cộng với việc có truyền thống hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, vào thời nhà Minh, một công chúa sống tới 82 tuổi được ghi nhận là một kỳ tích. Người này là Công chúa Hàm Sơn (hoặc Hàm San), con gái của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, sống qua 8 triều đại và 7 vị vua trong đời, cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn thời nhà Minh.
Hàm Sơn Công chúa sinh năm 1381, mất năm 1462, là hoàng nữ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và vợ là Hàn Phi - một phi tần do Triều Tiên tiến công. Hàn Phi sinh cho Minh Thái Tổ hai người con là Liêu Giản vương Chu Thực và Hàm Sơn Công chúa.
Theo báo cáo "Lịch sử và Nhân văn Quốc gia Trung Quốc", công chúa Hàm Sơn là con gái thứ 14 của Minh Thái Tổ. Theo "Tiểu sử công chúa lịch sử nhà Minh", Hàn Phi - mẹ ruột của Hàm Sơn công chúa qua đời khi công chúa còn nhỏ. Vì yêu thương Hàn Phi, Minh Thái Tổ dành phần lớn tình yêu thương cho Hàm Sơn công chúa và cưng chiều nàng hết mực.
Ngày 16 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ hai mươi bảy (11 tháng 9 năm 1394), công chúa Hàm Sơn mới được 15 tuổi đã được gả cho Doãn Thanh. Nàng sinh được hai người con là Doãn Huân và Doãn Ngọc. Những năm đầu Kiến Văn, phò mã Doãn Thanh nhậm chức Hậu quân Đô đốc phủ, cuộc sống hai vợ chồng rất hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống êm đềm của Hàm Sơn công chúa và chồng không kéo dài lâu khi phò mã Doãn Thanh qua đời vào thời Kiến Văn (1399-1402). Sau khi chồng qua đời, Hàm Sơn công chúa tuân thủ theo quy định của nhà Minh "công chúa mệnh phụ quả bất tái giá), tức là sau khi phò mã qua đời, công chúa không được gả đi mà phải chịu cảnh ở góa cho đến khi qua đời.
Ngoài việc đối mặt với cái chết đột ngột của chồng, công chúa Hàm Sơn còn phải đối mặt với tình hình chính trị hỗn loạn của nhà Minh vào lúc bấy giờ. Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, ông đã truyền ngôi cho cháu trai là Chu Doãn Văn tức Minh Huệ Đế. Đề đề phòng các phiên vương cướp ngôi vị của mình, Minh Huệ Đế đã giết hại nhiều người chú của mình. Trước Chính sách của Minh Huệ Đế, Yên vương Chu Đệ - con trai thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phát động cuộc nổi dậy Kinh Nam để cướp ngôi và lấy tên là Minh Thành Tổ, dùng niên hiệu Vĩnh Lạc. Trong trận chiến này, Hàm Sơn công chúa không bị ảnh hưởng. Do đó, vào năm Vĩnh Lạc thứ ba (1405), Hàm Sơn công chúa được phong làm Trưởng công chúa. Sau khi Minh Nhân Tông Chu Cao Sí lên ngôi, Hàm Sơn công chúa tiếp tục được phong làm Đại Trưởng công chúa.
Những năm sau này, vì chức vị Đại Trưởng công chúa đã là tước vị cao nhất được phong, Hàm Sơn công chúa không được phong thêm tước vị mà thay vào đó, các hoàng đế kế vị sẽ ban thưởng cho bà.
Sau khi Chu Trang Vương Chu Tiện và Hòa Vĩnh Gia Đại Trưởng công chúa qua đời, cho đến năm Thiên Thuận (1457 đến 1464), Hàm Sơn công chúa trở thành người con duy nhất của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương còn sống. Khi Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn lên ngôi lần thứ 2, để bày tỏ sự tôn kính với Đại Trưởng công chúa, Minh Anh Tông đã trao cho Hàm Sơn công chúa loại mũ gọi là "bác tấn quan" được làm từ ngọc quý giá. Thông thường, những loại mũ mão như "bác tấn quan" chỉ được trao cho hoàng hậu hay thái tử phi. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng sẽ được trao cho một số phụ nữ trong hoàng thất nhưng số lượng rất hiếm. Hàm Sơn công chúa qua đời hai tháng sau đó ở tuổi 82, tức năm Thiên Thuận thứ 6 (1462). Lúc này, Minh Anh Tông đã tổ chức tang lễ cho bà rất long trọng
Như vậy, Hàm Sơn công chúa sống qua 8 triều đại Hồng Vũ, Kiến Văn, Vĩnh Lạc, Hồng Hi, Tuyên Đức, Chánh Thống, Cảnh Thái, Thiên Thuận và trải qua những sự kiện chính trị lớn.
Hà My