Đến tham dự có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Hồng Anh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương…; đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thân nhân các anh hùng, liệt sĩ và đông đảo người dân đến dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết; vùng căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng gắn liền với lịch sử hào hùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nơi đã diển ra những trận đánh oanh liệt, vang dội. Trong đó tiêu biểu trận đánh làm nên những chiến công hiển hách, như: Chiến thắng Cây Bàng (6/1946); Chiến thắng Bàu Môn (3/1954), giải phóng huyện An Biên - huyện đầu tiên của Nam bộ được giải phóng trong thời gian này; Chiến thắng Xẻo Rô (10/1959) - là trận diệt chi khu đầu tiên của miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ; Chiến thắng tiêu diệt chi khu Hiếu Lễ (1965); Chiến thắng U Minh (vào các năm 1969, 1970, 1971)… bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn, góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của địch.
Gắn liền với những chiến công hào hùng. Đây cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Miền Nam tạm thời dưới quyền kiểm soát của lực lượng Liên hiệp Pháp. Năm 1955, chính quyền Ngụy xác định vùng U Minh Thượng là căn cứ cách mạng vững chắc, là vùng kháng chiến mạnh mẽ của Tây Nam Bộ, dân chúng đều theo Việt Minh nên ngay từ đầu Ngụy quyền thực hiện chính sách “Dĩ cộng diệt cộng”.
Tháng 2 năm 1955, Ngô Đình Diệm thành lập Đặc khu An Phước và Quận An Phước, bổ nhiệm tên thiếu tá Lâm Quang Phòng làm đặc khu trưởng, kiêm quận trưởng. Đích thân Ngô Đình Diệm, tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Vĩ, Tổng trưởng An ninh Mai Hữu Xuân, Trung tướng Tư lệnh Dương Văn Minh và các thuộc hạ đã đến dự và cắt băng khánh thành đặc khu An Phước. Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, chúng thành lập trại giam An Phước trên nền nhà cũ của địa chủ Bang Biện Phú, phía sau trại giam có nhiều đìa lớn nhỏ, có đám tràm trên 100 ha, xung quanh đắp bờ thành cao, có rào dây chì gai nhiều lớp, với diện tích 20m2 chúng nhốt khoảng 100 người, nhà trại được đào sâu xuống 2m, nước lúc nào cũng ngập đến đầu gối. Trong thời gian khoảng 3 năm (từ tháng 4/1955 đến năm 1957), địch đã mở nhiều cuộc càn quét khủng bố, bắt giam cầm hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị giết hại tại đây.
Trong trại giam, địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man để hòng mua chuộc, chiêu hàng và làm lung lạc ý chí của những người cộng sản yêu nước như: cho uống nước xà bông, nước vôi, treo ngược lên nóc nhà, chạy điện, nướng cây sắt đỏ đâm vào người cho đến chết…Hàng đêm chúng đem vài chục người đi thủ tiêu với các hình thức giết người man rợ, tàn bạo nhất như: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, bỏ vào bao bố buộc đá tảng quăng xuống sông hoặc dí điện vào người cho đến chết rồi dập xuống hố, mỗi hố từ 3 đến 5 người cho khỏi tiếng gào thét, nguyền rủa kêu than đau đớn.
Có những cuộc chúng tổ chức giết tập thể từ 30 đến 60 người. Ngoài những cực hình tra tấn dã man trên, bọn Lâm Quang Phòng và Cái Văn Ngà còn áp dụng các hình thức tra tấn thời trung cổ để hành hạ các tù nhân; dã man hơn nữa, chúng còn dùng cái xi tẹc nước cũ (rộng khoảng 10 m2) của địa chủ Bang Biện Phú làm nơi giam, tra khảo, nhốt người.
Trong một báo cáo của Tổng Giám đốc an ninh Nguỵ quyền Sài Gòn ngày 14/8/1956 có đoạn viết “ Gần bộ chỉ huy ở Chắc Băng, trong một cái đìa lớn đã có tới 200 người bỏ thây”, xác người thối rã hòa vào nước tràm biến thành màu xanh đen, khi đìa cạn, mùi hôi tanh ghê tởm xông lên làm dân chúng nơi đây phải tản cư đi nơi khác.
Thế Hạnh