Di tích Đền, chùa Hải Tĩnh xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tọa lạc trên khuôn viên rộng 2.980,0m2, mặt quay về hướng Nam. Công trình kiến trúc đền Hải Tĩnh có bố cục chữ “Đinh” gồm: Tiền đường 3 gian, Hậu cung 3 gian xây kiểu cuốn vòm.
Hiện nay, sau thời gian dài tồn tại, dưới tác động của môi trường tự nhiên, điều kiện thời tiết, khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến những công trình kiến trúc do 3 yếu tố chính: nhiệt độ, độ ẩm, mưa đã khiến công trình bị xuống cấp. Cụ thể, tường bao che nhiều chỗ bị rêu mốc xâm thực, lớp vữa trát bị bong lộ gạch xây bên trong. Đặc biệt là phần vòm cuốn của Hậu cung cũng đã bị xuống cấp, xuất hiện một số vết nứt. Các mảng tường gạch phần lớn bị rêu mốc bám phủ. Phần mái ngói của tòa Tiền đường nhiều vị trí bị thấm dột. Hiện tượng này làm cho bộ khung gỗ bị xô lệch thậm chí sụp đổ, kéo theo sự hư hỏng nặng của các cấu kiện gỗ cấu thành. Bên cạnh đó, các công trình phụ trợ khác cùng hệ thống sân, vườn, khuôn viên còn thiếu đồng bộ cần được tôn tạo, nâng cấp để hòa nhập với tổng thể công trình.
Báo cáo KTKT tu bổ, tôn tạo di tích đền - chùa Hải Tĩnh được xây dựng và phê duyệt hướng tới mục tiêu bảo vệ di tích trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Đồng thời đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc và các giá trị vốn có của di tích về các mặt: vị trí, cấu trúc, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật truyền thống, chức năng, nội thất, ngoại thất, cảnh quan liên quan và các yếu tố khác của di tích nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích.
Nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đó là tu bổ, tôn tạo di tích đền, chùa Hải Tĩnh với quy mô và hình dáng theo phong cách kiến trúc truyền thống để phù hợp thống nhất mô tuýp kiến trúc và không gian kiến trúc, cảnh quan chung của cả di tích. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng vật liệu truyền thống, địa phương, kỹ thuật và công nghệ đã áp dụng kết hợp có chừng mực tiến bộ công nghệ mới hỗ trợ, bổ sung công khai hoặc không bộc lộ.
Cũng theo Quyết định, các hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và xây dựng mới, gồm: Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ tại vị trí công trình cũ, theo quy mô kiến trúc truyền thống, có mặt hình chữ “Nhị”, bao gồm 5 gian Tiền đường và 5 gian Hậu cung (Bố cục và hình thức kết cấu, kiến trúc, trang trí mô phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn); Đền thờ có chiều dài 15,30m, chiều rộng 14,02m, chiều cao 7,05m (Không gian được bố trí theo lưới cột 1,50m x 1,80m; 1,50 x 3m; 3,10m x 1,80m; 3,10m x 3,0m); Nền nhà trên nền đất tự nhiên, trải một lớp cát đen tôn nền, tiếp đến là lớp bê tông đá 2 x 4 mác 150#, dày 100. Tiếp đến là lớp vữa xi măng mác 75# dày 3,0cm làm chất kết dính lát gạch. Gạch lát nền công trình là gạch bát 300 x 300 theo mạch chữ “Công”. Phần hiên trước cũng lát gạch bát 300 x 300. Khung kết cấu tiền đường có mặt bằng hình chữ “Nhất” gồm 5 gian, 3 gian giữa mỗi gian rộng 3,0m, hai gian hồi rộng 1,80m. Bộ khung kết cấu Tiền đường được kê trên 4 hàng chân cột gỗ lim, cột cái đường kính 0,33m, cột hiên đường kính 0,30m. Khoảng cách giữa 2 cột cái là 3,10m, từ cột cái đến cột quân là 1,50m. Bộ khung kết cấu Hậu cung được kê trên 3 hàng chân cột gỗ lim, cột cái đường kính 0,33m, cột hiên đường kính 0,30m. Bộ vì nóc được làm bằng gỗ lim, có kết cấu giá chiêng. - Trang trí chạm khắc trên cấu kiện: hoa văn đục chạm trên cấu kiện sử dụng mô tuýp hoa văn thời Nguyễn với các đề tài lá lật, lá hóa rồng, vân mây, tứ linh, tứ quý. Tiền đường được thiết kế kiểu chồng diêm hai mái phía trước và hai mái dốc phía sau. Hậu cung được thiết kế kiểu chồng diêm hai mái phía trước và một mái dốc phía sau, được lợp bằng 2 loại ngói: Ngói lót phía dưới hình chữ nhật, ngói lợp là loại ngói mũi hài. Một hệ thống rui bằng gỗ lim rộng bản được rải vuông góc trên cật hoành, xuôi theo chiều dốc mái, tạo mặt phẳng đỡ ngói. Bờ nóc xây gạch không nung. Hai đầu bờ nóc gắn hai kìm dạng thủy quái Makara, ở giữa bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt. - Bao che phía trước 3 gian giữa được là hệ cửa đi kiểu bức bàn, hai bên là tường xây gạch, trát hai mặt vữa xi măng mác 50#...
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền - chùa Hải Tĩnh, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10 tỷ đồng và được thực hiện trong thời gian 03 năm (từ 2023 – 2025) bằng nguồn kinh phí xã hội hóa./.
Di Sản Xanh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nam-dinh-phe-duyet-bao-cao-ktkt-tu-bo-ton-tao-di-tich-den-chua-hai-tinh-a27333.html