Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật di sản văn hóa với 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; UNESCO cũng đã ghi danh 09 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu.
Năm 2019, riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó có 10.656.114 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, sau 05 năm được UNESCO ghi danh đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách/năm. Với Hội An, sau 20 năm qua (từ khi trở thành Di sản thế giới) ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn các di sản.
Cùng với đó, phát triển du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không chỉ tạo điều kiện để các hoạt động dịch vụ du lịch như: khu vui chơi giải trí, cáp treo, nhà hàng, khách sạn, xe điện, xích lô, ca nhạc, nhiếp ảnh, hướng dẫn du lịch... phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành giao thông (đường bộ, đường thủy, hàng không) hoạt động mạnh mẽ hơn. Sự gia tăng đáng kể cả về lượt khách thăm và các hoạt động du lịch, dịch vụ tại các điểm di sản tiêu biểu đã hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, thông qua việc giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.
Đối với di sản phi vật thể, tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội Đền Sóc, Chùa Hương ở Hà Nội, Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương, Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, Ca Huế, Đua Ghe ngo Sóc Trăng, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om bok Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận...).
Đồng bộ các giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa
Có thể khẳng định về hiệu quả xã hội, những di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
Về hiệu quả kinh tế, nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động tại địa phương có di sản, đóng góp vào phát triển bền vững.
Để tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần vào việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, theo Cục Di sản văn hóa, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa (xây dựng Luật di sản văn hóa, sửa đổi, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa, các Thông tư của Bộ VHTTDL) theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm tạo động lực cho sự phát triển, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Bộ với chính quyền địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh việc quảng bá di sản văn hóa; nghiên cứu gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch và kết nối vùng, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói riêng, để các di sản văn hóa thực sự trở thành điểm đến quan trọng, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương, qua đó góp phần nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trình cấp có thẩm quyền xếp hạng, công nhận trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí… Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích./.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-san-van-hoa-gop-phan-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-a27327.html