Đồng chí Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ Kiên Giang, nêu rõ, năm 2024 Sở sẽ phối hợp quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ 20 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở và 08 đề tài, dự án bắt đầu thực hiện năm 2024, nghiệm thu các đề tài, dự án đến hạn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khoa học và công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời mở rộng chỉ tiêu vi sinh mẫu thực phẩm của hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025: 2017, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch cho sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, nước sinh hoạt quy mô vừa và nhỏ; lắp đặt hệ thống xử lý nước cho các điểm trường vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với nước sạch; sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao giá trị của hàng hoá, sản phẩm và dịch vụ trong Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang.
Cùng với đó, Sở cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cho chủ trương xây dựng Đề án thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang; tổ chức Hội thảo khoa học và ứng dụng nhân rộng kết quả khoa học của đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất công nghệ cấp nước sinh hoạt hiệu quả, bền vững ở một số đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang” cho các khu vực đảo khác có điều kiện tương tự.
Các sở, ngành hữu quan xây dựng chiến lược phát triển các vườn ươm giống, vườn nuôi trồng để lưu giữ, bảo tồn, phát triển các nguồn gen cũng như các vùng chuyên canh sản xuất các đối tượng nguồn gen có giá trị, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị phục vụ khai thác và phát triển bền vững các nguồn gen trên dịa bàn tỉnh.
Năm 2023, việc triển khai các đề tài, dự án của Sở, cơ quan, ban ngành đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào thực tiễn sản xuất; da dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng thời tạo thêm việc làm cho nông dân góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Các dự án hỗ trợ doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm mới, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, y dược được áp dụng vào thực tiễn đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và đời sống của người dân, cơ quan, doanh nghiệp, không còn đề tài, dự án mang tính lý thuyết, chung chung, xa rời thực tiễn, “nghiên cứu bỏ tủ”.
Trương Anh Sáng
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-khoa-hoc-va-cong-nghe-khong-con-de-tai-du-an-nghien-cuu-bo-tu-a27318.html