Nghề sản xuất gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai trong dòng chảy của văn hóa phương Nam

Nằm trong tuần lễ diễn ra các sự kiện chào mừng kỷ niệm 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, một loạt các sự kiện tọa đàm, hội thảo về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. UBND TP Biên Hòa đã phối hợp cùng Viên Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn gốm Biên Hòa – Đồng Nai. Đây được xem là một trong những ngành nghề có mặt lâu đời nhất ở vùng đất này. Và nghề gốm cũng là nét văn hóa đặc trưng, góp mặt vào trong dòng chảy văn hóa của vùng đất phương Nam.

1-1703242419-1703254944.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch TP Biên Hòa phát biểu khai mạc hội thảo

Sáng 22/12/2023 UBND thành phố Biên Hòa phối hợp cùng Viên Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch tổ chức buổi Hội thảo khoa học về công tác bảo tồn gốm Biên Hòa – Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Đây là một trong nhiều hoạt động của tuần lễ diễn ra các sự kiện chào mừng 325 Biên Hòa – Đồng Nai.

Mở đầu cho buổi hội thảo, trong phần phát biểu chào mừng Ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa bày tỏ “Biên Hòa là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của Đồng Nai từ xưa đến nay. Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của của Đồng Nai, Biên Hòa luôn có một vị trí quan trọng. Các cộng đồng cư dân qua các thời kỳ đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa và để lại những di sản văn hóa đa dạng. Có nhiều yếu tố tác động để thành phố Biên Hòa hướng đến phát triển bền vững, đô thị thông minh và đáng sống…”

Ngược dòng lịch sử cách đây 325 năm (1698), vùng đất Biên Hòa xa xưa có tên là Trấn Biên và được Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên sau khi vâng lệnh chúa Nguyễn đi kinh lý các vùng đất ở Phương Nam. Trải qua chiều dài của lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, để rồi sau cùng, cái tên Biên Hòa được giữ lại từ năm 1808 cho đến nay.

Cùng với việc hình thành nên vùng đất Biên Hòa, thì nghề gốm cũng theo bước chân của những lưu dân mang theo kỹ thuật của nghề sản xuất gốm bắt đầu xuất hiện tại đây. Việc xuất hiện nghề gốm và được phát triển cực thịnh ở vùng đất này là do Đồng Nai có trữ lượng rất lớn về cao lanh. Đây chính là loại đất sét trắng mịn nằm sâu dưới các tầng địa chất, được dùng làm nguyên liệu gốm sứ, cho ra các sản phẩm gốm sứ chất lượng cao.

Theo TS  khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu,Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo thì: “Quá trình khai phá vùng đất mới Nam Bộ từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay cũng là quá trình hình thành một loại gốm mới ở miền Đông Nam Bộ, so với vùng gốm Bắc Bộ như: gốm Chu Đậu, Bát Tràng…, và Trung Bộ là Gò Sành, Châu Ổ, Quảng Đức… thì gốm Nam Bộ có sự khác biệt về loại hình sản phẩm, kỹ thuật và quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Vùng phân bố của loại gốm này nằm trong địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh lân cận là Đồng Nai và Bình Dương. Từ khoảng đầu thế kỷ XX, khu lò gốm Cây Mai và xóm Lò Gốm Sài Gòn dần ngưng hoạt động. Do quá trình đô thị hóa khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, các lò gốm lần lượt chuyển ra các tỉnh lân cận, nhiều nhất là vùng Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương). Nửa sau thế kỷ XX, gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ Biên Hòa, Lái Thiêu đã dần thay thế vai trò của gốm Sài Gòn. Căn cứ vào quá trình phát triển của nghề làm gốm truyền thống ở khu vực miền Đông Nam Bộ, các loại gốm sản xuất ở đây thường được biết dưới tên gọi gốm Sài Gòn/gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa và gốm Lái Thiêu. Đây cũng là ba dòng gốm cổ có mối liên hệ cội nguồn và phát triển từ những đặc trưng chung độc đáo mang tính chất “văn hóa vùng”. Từ góc độ khoa học, để định danh và phân biệt các dòng gốm cổ sản xuất tại miền Đông Nam Bộ, có thể tiến tới việc xác định cụ thể tên gọi của ba vùng gốm cổ nhưng có quan hệ mật thiết với nhau đã xuất hiện và phát triển cho đến bây giờ.”

2-1703242547-1703254976.jpg
Các địa biểu tham dự hội thảo

Có thể nói, buổi Hội thảo là một kho tàng với nhiều công trình nghiên cứu, khảo cổ đặc sắc, mang đầy những giá trị của lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Bộ nói chung chứ không chỉ riêng vùng đất Biên Hòa. Bởi qua những công trình nghiên cứu mà các báo cáo tham luận được dẫn ra tại hội thảo, đã chứng minh sự liên kết có tính truyền thống giữa các làng nghề sản xuất gốm ở cả ba vùng đất là Sài Gòn xưa, Bình Dương và Biên Hòa – Đồng Nai.

Cũng tại buổi hội thảo, GS, TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Trường đại học KHXH-NV cũng bày tỏ mong muốn Biên Hòa nói riêng, và Đồng Nai nói chung cần có giải pháp để xây dựng một không gian văn hóa với sự chủ đạo của các sản phẩm có tính truyền thống về sản phẩm là gốm. GS, TS cũng dẫn chứng sự kết hợp về giá trị bảo tồn nghề gốm ở nhiều nước trên thế giới khi xây dựng những không gian kiến trúc, hội họa, thời trang mà sắc màu, hình ảnh chủ đạo đều hướng cái nhìn của người xem về ngành, nghề sản xuất gốm.

Có thể nói, không chỉ với vùng đất Phương Nam, vùng đất Biên Hòa mà ở bất cứ đâu đều có sự hiện diện của nghề sản xuất gốm. Từ thuở xa xưa, khi nền kỹ thuật luyện kim chưa ra đời, và ra đời nhưng chưa phát triển thì chính nghề gốm là một trong những ngành nghề sản xuất thịnh vượng nhất.

Sản phẩm gốm xuất hiện có mặt gần như hầu hết trong mọi sinh hoạt, đời sống của xã hộị, từ dụng cụ  sinh hoạt hàng ngày như: lu chứa đựng nước, đựng thực phẩm, đựng lúa gạo… và các đồ dụng để nấu nướng, ăn uống…

Ngoài ra, sản phẩm làm từ gốm còn góp mặt vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Gốm được bày biện trang trí tại các nơi linh thiêng và sang trọng, sản phẩm gốm ngoài giá trị về mặt vật chất, kỹ thuật còn mang theo cả những giá trị về mặt ý thức tâm linh và luôn được mọi tầng lớp đón nhận.

Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa – Đồng Nai là một công trình có tính vĩ mô, có giá trị khoa học và phù hợp với việc xây dựng cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa của lịch sử.

Ở một góc nhìn khác, rất nhiều đại biểu tham gia buổi hội thảo đều có sự đồng tình với phát biểu tham luận của GS, TS Phan Thị Thu Hiền, đó là việc cần xây dựng một không gian văn hóa về gốm. Cái không gian ấy là làm sao đưa được hình ảnh, sản phẩm gốm Biên Hòa đến với tất cả mọi tầng lớp tiêu dùng. Làm sao để hình ảnh về sản phẩm gốm, hình ảnh nghề gốm, làng gốm có mặt ở mọi góc nhìn của cuộc sống. Để cho gốm hóa thân vào hội họa, gốm đi vào nghệ thuật và các công trình được xây dựng từ gốm có mặt ở những nơi trang trọng như các công trình lịch sử, các khu du lịch, vui chơi giải trí.

4-1703242681-1703254920.jpg
Thiếu nữ và gốm

Khi có được những công trình như vậy, thì việc giáo dục trực quan bằng những hình ảnh sinh động từ gốm sẽ mang lại giá trị rất lớn cho việc giáo dục đối với các thể hệ trẻ là học sinh, sinh viên. Đó mới là mục tiêu có tính bền vững trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể!

Du lịch về các làng nghề truyền thống cũng là một trong nhiều hướng đi có tính đổi mới và hiệu quả, khi Đồng Nai có rất nhiều lợi thế về du lịch với những địa danh như: Hồ Trị An, Chiến khu Đ, làng bưởi Tân Triều, Núi Chứa Chan, hồ Đa Tôn, những khu vườn trái cây rộng lớn ở Long Khánh, Xuân Lộc…

Với những lợi thế trên, một khi được đầu tư một cách đúng đắn thì những giá trị về văn hóa, lịch sử qua những buổi hội thảo, tọa đàm sẽ được lan tỏa rộng rãi. Từ đó, cái tên gốm Biên Hòa sẽ bay xa để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ góp phần đưa Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung ngày càng phát triển mạnh hơn!.

NDHA

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-san-xuat-gom-o-bien-hoa-dong-nai-trong-dong-chay-cua-van-hoa-phuong-nam-a27265.html