Ứng nghiệm thành đạt - Tập truyện ký có giá trị quý về tư liệu nghiên cứu lịch sử

Tập truyện ký Ứng nghiệm thành đạt của tác giả Quân Yên (Vũ Xuân Bân) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8 năm 2023 là một tập truyện ký hay, với những dự báo chuẩn về “con nuôi” trong truyện ký “Thành đạt”(tr97), về trình độ thấp tè và sự lèo lá của “Quan mượn ”(tr191), những kẻ thất đức gây ra án oan sẽ “Khó thoát”(tr155) gắn với đương đại đều hấp dẫn. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng tập Truyện lý này có giá trị quý về mặt tư liệu nghiên cứu lịch sử.

bia-vxb-1702976523-1703035855.jpg

Tập truyện ký có tất cả 15 truyện, dày 255 trang. Trong số 15 truyện ký thì có 6 truyện đề cập đến lịch sử đều là những truyện hay và có giá trị để làm tư liệu nghiên cứu như Ứng nghiệm sấm Trạng Trình; Bài học lịch sử: Chết thảm vì con rể; Nghĩ về một thuở cha ông đi mở cõi; Khám phá đồi Diệm Xuân; Hương ước cổ làng Mỹ Lộc; Tưởng nhớ tri ân Thái sư Đào Cam Mộc.

Trong số đó, tôi ấn tượng nhất 3 truyện ký có giá trị  quý báu về mặt tư liệu nghiên cứu lịch sử.

Truyện thứ nhất: Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân truyện ký này dài 19 trang (từ trang 121 – 140), nội dung Khám phá đồi Diệm Xuân đề cập đến dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân, ngày nay thuộc xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nội dung Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân, tác giả khắc họa khá chi tiết về vương triều nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam từ khi thành lập và đến lúc suy vong. Nếu nội dung chỉ dừng ở đây thì không có gì đáng nói, vì sử sách đã có ghi chép, nhưng cái chính và có giá trị về mặt tư liệu nghiên cứu lịch sử  là tác giả đã đã đề cập đến vị vua cuối cùng của nhà Mạc (Mạc Kính Vũ) về ẩn cư viên tịch theo truyền ngôn có dấu tích mộ ở sau chùa Xuân Sơn (còn gọi là chùa Trống) trên đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong bài “Khánh thành đền thờ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc ngày 21/4/2017, Mạc Văn Trang viết: Nghiên cứu cho thấy khi thất thủ Cao Bằng (1677)  không phải vua Mạc Kính Vũ đã nhảy xuống sông tự vẫn như ‘báo cáo thành tích’ của quân sỹ do tướng Đinh Văn Tả chỉ huy, được ghi trong chính sử. Theo gia phả và truyền ngôn của 2 chi họ Nguyễn gốc Mạc ở Vĩnh Phúc, thì hàng chục năm, trước khi thất thủ Cao Bằng, Mạc Kính Vũ đã về đồi Xuân Sơn, nơi nhìn ra ngã ba sông Hồng và sông Lô, vị trí rất đẹp, xây ngôi chùa gọi là Xuân Sơn Tự và ông thường lui tới như một vị tu hành...

Tóm lại, sau năm 1677, vua Mạc Kính Vũ còn sống, sang Châu Long. Nhưng sau đó ông đi đâu vẫn còn là một khoảng trống, cần tìm hiểu và làm rõ”? (trang 127).

Trong truyền ngôn của một số con cháu Mạc tộc Việt Nam thì Mạc Kính Vũ vào một năm nào đó đã rút khỏi Cao Bằng bằng đường thủy, theo sông Lô về vùng Bạch Hạc ngã ba sông, rồi mai danh ẩn tích chờ thời tại vùng này. Ông đóng giả làm sư, vào tu ở chùa Xuân Sơn (tên Nôm là chùa Trống) hiện thuộc thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền sau khi mất, ông được mai táng ở khu vực vườn sau chùa, nay vẫn còn ngôi mộ cổ (trang 129).

Vấn đề hiện nay là ngôi mộ cổ ở đồi Diệm Xuân đang có sự tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc. Nhưng thật oái ăm, ngôi mộ cổ được coi là Mạc Kính Vũ thì ông Nguyễn Đình Nhuận không phải là gốc Mạc đã tu sửa trước năm 2012 coi đó là mộ của dòng họ Nguyễn Đình, dẫn đến tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc. Vì tranh chấp nên ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn, chờ quyết định phân xử của cấp có thẩm quyền (trang 135).

Nếu ngôi mộ đó thuộc dòng Nguyễn Đình thì phải chứng minh được ngôi mộ đó là ai, có từ bao giờ. Nếu dòng họ Nguyễn Đình không chứng minh được thì ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc mà truyền ngôn nơi đây coi đó là mộ Mạc Kính Vũ, sau khi Cao Bằng thất thủ đã xuôi dòng sông Lô về ẩn cư, tu hành ở Xuân Sơn Tự và qua đời an táng tại đây (trang 138).

Nếu ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Trống (Xuân Sơn Tự) thuộc dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc thì không có giá trị về lịch sử. Nhưng nếu ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc từng ẩn tích ở đây được xác định là Mạc Kính Vũ thì lại là di tích có  giá trị về lịch sử, cần được tôn tạo thành lăng tẩm cùng với hai ngôi mộ hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội MạcKính Vũ) và công chúa Mạc Chính Lan để du khách, nhất là con cháu Mạc tộc đến thắp hương, chiêm bái thì điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh nơi đây càng thêm ý nghĩa (trang 139).

Như vậy, qua Khám phá đồi Diệm Xuân, tác giả nêu giả thuyết nêu trên, và giả thuyết đó cần phải được chứng minh một cách khoa học, cần phải được các cấp có thẩm quyền ở Vĩnh Phúc vào cuộc phân xử. Và với việc Khám phá đồi Diệm Xuân – đây chính là một đề tài rất hay có giá trị tư liệu về lịch sử, có thể gợi mở làm đề tài nghiên cứu, đặc biệt là cho sinh viên ngành sử học.

Truyện thứ hai: Hương ước cổ làng Mỹ Lộc  truyện ký này dài 22 trang (trang 217 – 239). Đây chính là quê hương tác giả. Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, do dân làng đóng góp và soạn thảo, trong đó có đầy đủ những quy định về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị, phân bố thuế má, chia ruộng đất, nội quy tuần phòng, lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma, tương trợ người nghèo, khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt các loại vi phạm... (trang 217).

Nội dung của Hương ước cổ của xã Mỹ Lộc, tổng Yên Định, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nay là làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 7 tức là năm 1847, cách nay (2023) là 176 năm. Đây là bản Hương ước cổ dày 20 trang, viết bằng chữ Nho, trang cuối có ghi Hội đồng biên soạn Giáp nhất gồm 18 vị hương lão là những người có uy tín trong làng xã lúc bấy giờ, có liệt kê họ tên, chức sắc từng vị, trong đó tả văn (chép bút) do hai ông Nguyễn Văn Chân và Vũ Đình Chiến thực hiện (trang 218).

Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, được Phó giáo sư, Tiến sỹ Cung Khắc Lược, công tác tại viện nghiên cứu Hán Nôm dịch gồm có 2 phần: Văn khấn Thần Hoàng và Các tiết mục lễ nghi. Ngoài những nội dung trên, Hương ước cổ làng Mỹ Lộc còn nhấn mạnh về tiêu chuẩn, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu làng (Lý trưởng), đứng đầu các hội quần chúng (Trùm trưởng) là khâu quyết định nhất trong việc thực hiện các điều khoản trong Hương ước.

Hương ước cổ làng Mỹ Lộc đến nay đã trải qua 176 năm, nhưng nhiều nội dung trong Hương ước có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc vận dụng xây dựng quy ước làng văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới hiện nay như việc tổ chức thờ cúng, lễ hội, ma chay, việc cưới, khuyến học, trọng dụng người tài, người cao tuổi, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, nâng cao dân trí (trang 237).

Đọc Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, tác giả đã cho người đọc hiểu thêm về làng xã của người Việt từ xưa đến nay luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa của dân tộc. Làng xã mà nền nếp, thuần hậu thì thế nước vững vàng, góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của đảng, và Hương ước cổ làng Mỹ Lộc chính là một tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, sưu tầm cho sinh viên, nghiên cứu sinh, có thể làm đề tài luận văn, nghiên cứu khoa học.

Truyện thứ ba: Tưởng nhớ tri ân Thái sư Đào Cam Mộc truyện ký này dài 13 trang (241 -254), nội dung truyện ký này kể về việc phục dựng lại chùa Hưng Phúc – nơi thờ danh nhân Đào Cam Mộc xưa thuộc làng Tràng Lang, tổng Yên Định, nay gọi là làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Hưng Phúc được phục dụng theo kiến trúc truyền thống “Tiền Thần – Hậu Phật” tức là thờ thần (Thái sư Á vương Đào Cam Mộc) ở phía trước và khu thờ Phật ở phía sau. Mái chùa lợp ngói mũi hài. Các đầu đao đắp hình rồng, phượng và được uốn cong theo phong cách kiến trức, đình, đền, chùa thế kỷ XVII – XVIII. Các bức hoành phi trang trí trong nhà thờ được sơn son thếp vàng do các nghệ nhân đương đại chạm khác tinh xảo.

Công trình được phục dựng bảo tồn chùa Hưng Phúc – thờ danh nhân Á vương Đào Cam Mộc đáp ứng nguyện vọng thờ cúng văn hóa  tâm linh, biểu sự thành kính, biết ơn công đức của vị đệ nhất công thần triều nhà Lý; giúp các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn và tưởng nhớ công ơn của vị Thái sư Á vương Đào Cam Mộc tài đức xuất chúng trong lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.

Về Đào Cam Mộc, trong bài viết: Đào Cam Mộc – Công thần khai quốc thời lý, tác giả Nguyễn Vinh Phúc đăng trên Hà Nội Mới ngày 14/6/2010 “Đào Cam Mộc là một nhân vật có thật trong lịch sử, là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng. Thế nhưng hành trạng của vị khai quốc công thần đệ nhất này thì sử lại chép rất sơ sài, quê quán ở đâu, cha mẹ là ai, con cháu ra sao... đều không thấy... Và ở đoạn kết quê hương bản quán vị khai quốc công thần nhà Lý , như vậy còn quá nhiều vấn đề lớn chưa tường được. Mong các nhà sử học xác minh thêm, cũng như thập phương cung cấp được tư liệu... làm được điều này cũng là góp phần tìm ra diện mạo người có công với đất Thăng Long”.

Và rất may, sau đúng 13 năm 2 tháng, có nghĩa là từ lức bài viết của Nguyễn Vinh Phúc nêu trên, đến lúc cuốn sách Ứng nghiệm Thành đạt  được xuất bản tháng 8 năm 2023, tác giả cuốn sách (cử nhân Sử học) đã cho người đọc biết rõ về thân thế sự nghiệp, con người Đào Cam Mộc.  Vì vậy truyện ký này có thể coi là một nguồn tư liệu rất quý về lịch sử.  Có thể làm tư liệu tham khảo cho các nhà biên soạn sách sử, ví dụ như khi biên soạn về những nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Lý, thường thì các sách sử ở Việt Nam hiện nay chỉ đề cập đến Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Nguyên Phi Ỷ Lan, Tô Hiến Thành v.v... Trong khi đó Đào Cam Mộc là Á vương Thái sư, là công thần khai quốc nhà Lý lại chưa được biên soạn đề cập đến.

Như vậy thông qua tập truyện ký về Thái sư Á vương Đào Cam Mộc  này, tác giả đã có công đóng góp rất lớn trong việc cung cấp nguồn tư liệu quý hiếm về thân thế và sự nghiệp của vị khai quốc công thần nhà Lý.

Nhìn chung, qua ba truyện ký trên (Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân; Hương ước cổ làng Mỹ Lộc; Tưởng nhớ tri ân Á vương Thái sư Á vương Đào Cam Mộc) đậm chất sử học, tác giả đã có đóng góp cho việc sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, và đặc biệt là những truyện ký trên còn có thể làm tư liệu nghiên cứu cho sinh viên ngành sử học.

Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ung-nghiem-thanh-dat-tap-truyen-ky-co-gia-tri-quy-ve-tu-lieu-nghien-cuu-lich-su-a27218.html