Chứng minh buổi lễ có Hoà thượng Thích Tánh Nhiếp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam"; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình; Thượng tọa Thích Đạt Đức, Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cùng chư tôn đức trong Ban Trị sự tỉnh và chư tôn đức đại diện cho ban trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, thị xã và đông đảo Phật tử trên địa bàn huyện Lệ Thủy và nhiều địa phương trong tỉnh cũng về tham dự buổi lễ. Tham dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, một số Sở, ban, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và một số phòng, ban, ngành của huyện Lệ Thủy và xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy.
Tại buổi lễ, các vị đại biểu, chư tôn đức, hòa thượng, phật tử trong tỉnh đã cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông cả về đạo và đời. Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, người anh hùng của dân tộc. Ngài là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ Nhân dân, phật tử tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh vào ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258). Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Năm Mậu Dần (1278), khi vừa tròn 20 tuổi, ngài được vua Trần Thánh Tông truyền ngôi. Kế tục sự nghiệp của các tiên đế nhà Trần, đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan dân, chú trọng lấy đức trị nước, không ngừng chăm lo sức dân, xây dựng quốc gia Đại Việt hòa bình, thịnh trị.
Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng, xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ. Năm 1299, ngài lên núi Yên Tử (nay thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tu học, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài đã thành lập ra Thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất của một thiền phái lớn nhất thời bấy giờ, với chủ trương cư trần lạc đạo, vẫn sống trong đời sống bình thường nhưng vui với đạo. Dòng thiền này ra đời làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ.
Sau khi thành đạo, Trần Nhân Tông đã đi khắp nước thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo với mục đích chính là dùng Thiền phái Trúc Lâm để củng cố khối thống nhất dân tộc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt ngày càng hưng thịnh. Đặc biệt, tại mảnh đất Quảng Bình, năm 1301, ngài đã ghé thăm và cầu nguyện phước đức cho muôn dân lành tại am Tri Kiến (chùa Hoằng Phúc ngày nay).
Ngày 01/11 âm lịch năm 1308, ngài đã nhập cõi "niết bàn" thành một vị Phật hoàng có nhiều công đức, được các thế hệ Phật tử và muôn dân tôn kính và tri ân. Xá lị của ngài sau này được phát về nhiều nơi, trong đó có am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và tại tháp Huệ Quang (phương Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông tiếp tục được phát huy và là nhân tố quan trọng khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc và phát huy những giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo cũng như khẳng định phương châm đạo pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cũng tại buổi lễ, các nghi lễ dâng hương, tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã được Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam"; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Trương Văn Hà