Công văn nêu rõ, thực hiện “Quy trình Tập trung - Upstream Process” quy định tại Đoạn 71 và Phụ lục số 15 của Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới (bản sửa đổi, bổ sung năm 2019); Công văn số 1374/BVHTTDL-DSVH ngày 27/04/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn quy trình xây dựng Hồ sơ đề cử di tích Hang Con Moong là Di sản thế giới, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Công văn số 19283/UBND-VX ngày 06/12/2021 về việc đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, gửi thư mời Trung tâm Di sản thế giới và cơ quan tư vấn của UNESCO cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đề cử di tích Hang Con Moong, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là Di sản thế giới. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 08/02/2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký Thư mời gửi Trung tâm Di sản thế giới và đề nghị xem xét cử chuyên gia đến khảo sát, đánh giá khả năng xây dựng hồ sơ khoa học di tích Hang Con Moong đề cử UNESCO. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Trung tâm Di sản thế giới.
Để sớm mời được Trung tâm Di sản Thế giới và cơ quan tư vấn của UNESCO cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đề cử di tích Hang Con Moong là di sản thế giới; kết quả nhận xét, đánh giá của chuyên gia là cơ sở cho tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai xây dựng hồ sơ đề cử di tích Hang Con Moong là di sản thế giới. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, tiếp tục gửi Thư mời Trung tâm Di sản thế giới và cơ quan tư vấn của UNESCO cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đề cử di tích Hang Con Moong là Di sản thế giới.
Nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1975, trong đợt điều tra khảo cổ học, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hang Con Moong. Từ năm 1976 đến năm 2014, qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã xác nhận con người thời tiền sử đã có mặt ở trong hang từ khoảng 60.000 năm đến 7.000 năm trước Công Nguyên. Đây cũng chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với 3 nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn; tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người, từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.
Cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Với những giá trị nổi bật đó, di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015.
Di Sản Xanh