Tên Phượng, tự Thúc Loan
Sách Khâm định Việt sử không giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi, Mai Thúc Loan là “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc”. Làng Mai Phụ xưa nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Mai Phụ, bà mẹ họ Mai đã dời lên Ngọc Trừng, nay thuộc xã Nam Thái, huyện nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhiều truyền thuyết dân gian, gia phả, văn tế, hát chầu văn… đều xác nhận quê hương của họ Mai từ Mai Phụ dời lên Ngọc Trừng.
Mai Thúc Loan (sinh khoảng cuối thế kỷ 7, mất 722) ở động Cồn Chèm (làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, Nam Đàn) - nơi ông chấp nhận muôn nỗi đắng cay, tủi nhục của một cậu bé mồ côi cho đến khi ông thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Theo truyện Hương lãm Mai Đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh, thì Mai Thúc Loan có cha tên là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị. Khi sinh ra Mai Thúc Loan, ông bà Mai Sinh đã căn cứ vào một giấc mộng của bà lúc sắp sinh. Chồng bà bèn đặt tên con là Phượng, tên tự là Thúc Loan, để ghi lại cái điềm được thấy trong giấc mộng.
Và hầu hết các tư liệu đều cho rằng, năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ giết hại, chẳng bao lâu cha mất, vị vua tương lai rơi vào cảnh mồ côi. Điều may mắn là một người bạn của cha Mai Thúc Loan là Đinh Thế đã đem Mai Thúc Loan về nuôi, coi ông như con đẻ và sau đó gả con gái Ngọc Tô cho ông.
Mai Thúc Loan, sử nhà Đường còn gọi là Mai Huyền Thành, gốc người vùng ven biển Hà Tĩnh sau chuyển sang vùng Nam Đàn, Nghệ An; quê ở Mai Phụ ("gò họ Mai", tên nôm là Kẻ Mỏm), một làng chuyên làm muối ở miền ven biển Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, lúc bấy giờ giáp giới với đất Chăm ở bên kia dải núi Nam Giới. Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải làm nghề kiếm củi rồi đi làm thuê cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông rất khỏe và sáng dạ, người đen trũi, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng, thường bị bắt làm dân phu phục dịch chính quyền đô hộ nhà Đường.
Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế (Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình (theo Việt điện u linh) chứ không phải là do màu da đen mà nhiều người tưởng nhầm). Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp. Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (năm 713). Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An).
Năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân.
Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp. Quân quan nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất.
Từ thời điểm đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, Mai Thúc Loan đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713 - 722), không phải cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra và bị dập tắt ngay trong cùng một năm 722 như các tài liệu phổ biến hiện nay.
Đánh giá cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sách “Lịch sử Việt Nam” của Trần Bá Chi chép: “... trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử Nghệ Tĩnh, Mai Thúc Loan là nhân vật kiệt xuất, là tấm gương hi sinh, đấu tranh anh dũng, quả cảm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập tự chủ cho đất nước... Mai Hắc Đế và cái tên nước Vạn An đã đi vào lịch sử Việt Nam thành sự kiện rất đỗi tự hào, thành những thiên hùng ca bất hủ...”.
Theo truyền thuyết của nhân dân làng Phúc Xá, trong quá trình xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng chống lại quân nhà Đường, Mai Thúc Loan đã chọn vùng rú Đấng (nằm trong dãy Hùng Sơn chạy dài từ Thanh Chương xuống Nam Đàn) làm căn cứ luyện binh và nuôi nhốt voi, ngựa của nghĩa binh. Nghĩa quân của vua Mai được nhân dân nơi đây che chở và giúp đỡ về lương thực. Trước ngày xuất quân, dân trong vùng đã mang trâu, bò, rượu đến để vua Mai tổ chức khao quân. Chính vì vậy, sau khi Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế mất, dân chúng nơi đây đã lập đền thờ phụng. Thời Nguyễn, dân làng Phúc Xá xây dựng đình và đã tôn hai cha con vua Mai làm Thành hoàng làng.
Mai Thúc Huy
Theo lý lịch di tích Đình Phúc Xá, Mai Thúc Huy còn gọi là Mai Thiếu Đế hay Đức Chúa Ba, người con trai thứ 3 của Mai Thúc Loan. Theo truyền thuyết, từ nhỏ, Mai Thúc Huy theo cha đi khắp nơi, lớn hơn ông theo cha ra chiến trận, kề vai sát cánh với vua Cha. Cũng vì vậy ông được rèn luyện, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy. Và trước khi mất, vua Mai đã giao lại sự nghiệp đánh đuổi quân Đường cho Mai Thúc Huy.
Theo di huấn của vua Mai, tướng sỹ đã lập con út là Mai Thúc Huy (Vua Mai có 3 người con trai: Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn, Mai Thúc Huy. Hai người anh đã hi sinh trong trận chiến với quân nhà Đường) lên kế vị, hiệu Mai Thiếu Đế.
Trong một lần, Dương Tư Húc tập trung binh mã tấn công ồ ạt vào căn cứ địa Hùng Sơn, Mai Thiếu Đế đã anh dũng cầm quân ra trận. Trong lúc giao chiến với địch, ông trúng tên độc (theo “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722), sđd, trang 77 - 78) và hi sinh. Sau khi Mai Thiếu Đế mất, các nghĩa binh thương tiếc chôn cất Mai Thiếu Đế bên cạnh mộ vua cha. Tưởng nhớ công lao và tài năng của Mai Thiếu Đế, nhân dân thôn Phúc Xá đã tôn hai cha con ông làm Bản cảnh Thành hoàng của làng.
Ngoài thờ thần chủ Mai Hắc Đế và Mai Thiếu Đế, tại đình Phúc Xá còn phối thờ thần Cao Sơn, Cao Các, thần Lâm Sơn, thần Kim Sơn, thần Phúc Sơn, thần Nam Sơn và thần Bạch Sơn.
Còn tiếp...
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-phuc-xa-tho-than-chu-mai-hac-de-va-mai-thieu-de-ky-ii-a27137.html