Chiều 8/12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Chương trình xúc tiến điểm đến "Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên".
Dự chương trình về phía tỉnh Cao Bằng có ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Về phía Bộ VHTTDL có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Du lịch - dịch vụ là một trong ba đột phá chiến lược của Cao Bằng
Phát biểu khai mạc Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, trong những năm vừa qua, ngành du lịch Cao Bằng bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 98% so với giai đoạn 2011-2015; doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh đã xác định du lịch - dịch vụ là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Cao Bằng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, thể thao và du lịch nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên thứ 2 ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích, trong đó 101 di tích đã được xếp ang các cấp; 2 Bảo vật quốc gia; hơn 2.000 di sản văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt Di sản thực hành then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có di sản Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng.
Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố để hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao như du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch đô thị, du lịch ban đêm như phố đi bộ Kim đồng. Đặc biệt là Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) kỳ vọng sẽ trở thành Khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các điểm, khu du lịch trọng điểm của Tỉnh; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng.
"Vì vậy, Chương trình xúc tiến điểm đến "Non nước Cao Bằng - Xử sở thần tiên" được tổ chức nhằm quảng bá, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác, xây dựng các tua tuyến, liên kết phát triển du lịch Cao Bằng với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp", ông Hoàng Xuân Ánh chia sẻ.
Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 82 ngày 18/5/2023, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết áp dụng từ 15/8/2023 cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả quốc gia, nâng thời gian lưu trú lên 90 ngày, kéo dài thời gian lưu trú cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 45 ngày.
Đến nay, sau 3 tháng kể từ khi Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi có hiệu lực, đã có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (tăng 1,8 lần so với năm 2022), trong đó 85% nhập cảnh với mục đích du lịch. Những thay đổi tích cực này, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực và thế giới, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.
Thời gian qua, với sự chủ động của các địa phương hoàn thiện chính sách, định hướng, dẫn dắt công tác xúc tiến thu hút khách du lịch, sự tích cực của các doanh nghiệp kết nối lại thị trường, tăng cường đầu tư xây dựng sản phẩm mới, ngành du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Hơn 1,23 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 11, tăng 11% so với tháng 10, lập kỷ lục là tháng đón nhiều khách nhất từ đầu năm đến nay. Tính chung trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế và 103,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đặt 628,3 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ, trong không khí nhộn nhịp mùa lễ hội du lịch cuối năm trên cả nước và những tín hiệu tích cực khi bắt đầu cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, Bộ VHTTDL tin tưởng tỉnh Cao Bằng sẽ tận dụng tốt Chương trình này để quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa, du lịch tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài nước.
Tại Chương trình xúc tiến, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã nêu một số ý kiến đề nghị tỉnh Cao Bằng, các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông, báo chí cùng quan tâm, nghiên cứu.
Thứ nhất, về sản phẩm du lịch: Phát huy các sản phẩm, chương trình, tuyến, điểm du lịch hiện có; Làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch ẩm thực; Chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên huyện, liên tỉnh mới, đặc trưng, hấp dẫn du khách; Sớm báo cáo kết quả thí điểm việc khai thác trao đổi khách giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc, từ đó tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch qua biên giới; Xây dựng các gói kích cầu du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác.
Thứ hai, về xúc tiến du lịch: Lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cùng các sản phẩm khác để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp và triển khai chuyên nghiệp, rộng rãi trong nước và quốc tế. Hợp tác chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến với Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng.
Thứ ba, về công tác chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở; Chủ động tích hợp dữ liệu vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, nền tảng số vietnam.travel và các mạng xã hội du lịch Việt Nam như Facebook, Instagram, Youtube… Địa phương cần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới.
Thứ tư, đề nghị tỉnh Cao Bằng quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và kết nối các điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Tuyến đường bộ cao tốc kết nối từ Lạng Sơn tới Cao Bằng sau khi hoàn thành sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thời gian di chuyển cho du khách, từ đó các doanh nghiệp du lịch có điều kiện xây dựng các sản phẩm kết nối Cao Bằng với các khu du lịch tại các địa phương khác.
Thứ năm, đề nghị các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí sát cánh, đồng hành trong xây dựng, giới thiệu sản phẩm du lịch Cao Bằng trên cơ sở phát huy những thế mạnh khác biệt; quảng bá, chào bán các chương trình du lịch cụ thể đưa khách đến Cao Bằng; góp ý, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp du lịch địa phương bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo bvhttdl.gov.vn