Các trận mưa lớn trong tháng 11/2023 gây ngập lụt trên diện rộng tại Phố cổ Hội An nhiều ngày khiến nhiều người lo ngại về an toàn cho các khu phố cổ, nhà cổ, di tích được xếp hạng trước sự tác động của thiên tai và tác động của con người.
Nước sông Hoài dâng cao kết hợp với triều cường đã khiến vùng lõi của đô thị cổ Hội An và các khu vực trũng thấp thuộc các phường Minh An, Thanh Hà, Cẩm Kim bị ngập sâu.
Đối mặt với tác động của thiên tai và con người
Thành phố Hội An có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.
Trong số di tích được kiểm kê, phân loại, Khu Phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo. Nhiều di tích trong số này đã bị nước vây hãm nhiều ngày trong các trận mưa lũ vừa qua.
"Phố cổ Hội An là một phần không thể thiếu trong không gian bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử, kiến trúc, một bộ phận cốt lõi của thành phố di sản, điểm đến an toàn và thân thiện trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới. Những trận mưa lớn gây ngập lụt dài ngày trong mỗi mùa mưa lũ, nhất là các trận mưa lớn vừa qua. Điều này chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu nền móng, kiến trúc, mái lợp, tường xây, cột gỗ của các ngôi nhà cổ. Đây là nỗi lo ngại lớn nhất của người dân các khu phố cổ nói riêng, người dân thành phố Hội An nói chung," ông Trần Minh Bảo, cư dân phường Minh An, Phố cổ Hội An, lo lắng cho biết.
Không chỉ chịu tác động của thiên tai, trong quá trình khai thác sử dụng, Phố cổ Hội An còn đối mặt với những tác động của "nhân tai" vì sự khai thác di sản quá mức. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh chia sẻ, Hội An là thương hiệu lớn của du lịch Quảng Nam. Mỗi điểm đến phố cổ đều có những giá trị riêng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Tuy nhiên, một trong những thay đổi lớn nhất của "hồn phách phố cổ" là không gian truyền thống nhà cổ Hội An đã có nhiều thay đổi khi công năng sử dụng thay đổi.
Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, trong số hơn 100 ngôi nhà được khảo sát về công năng sử dụng, hầu hết đã ít nhiều làm mất không gian truyền thống của ngôi nhà cổ làm nên giá trị đặc sắc của Hội An như không gian sân trời, không gian giữa các phòng trong một ngôi nhà, không gian bếp, sân vườn, không gian mặt tiền nhiều ngôi nhà cổ bị thu hẹp lại để mở rộng diện tích quầy kinh doanh, buôn bán.
"Trước kia, nhà ở Hội An chủ yếu được sử dụng vào mục đích để ở. Ngày nay, ngoài nhu cầu sinh hoạt, nhà cổ Hội An còn được chủ sở hữu khai thác để phục vụ kinh doanh, buôn bán. Công năng sử dụng nhà cổ Hội An trong cuộc sống hiện đại thay đổi nên không gian truyền thống thay đổi từng ngày. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến không gian phố cổ," Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam lo ngại.
Tập trung đầu tư, nâng cấp nhà cổ
Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Quảng Nam) Phạm Phú Ngọc cho biết trước mùa mưa bão năm nay, Trung tâm đã vận động để các chủ sở hữu nhà cổ chèn chống, gia cố nhà, đối phó với mưa bão.
Hằng năm, để đối phó với mưa bão, những ngôi nhà cổ do Nhà nước quản lý và những ngôi nhà cổ do tư nhân sở hữu nhưng lại thuộc diện neo đơn hoặc già yếu đã được Trung tâm sửa chữa, đảm bảo an toàn.
Đối với số nhà cổ còn lại thuộc diện tư nhân quản lý, Trung tâm vận động các hộ tự chèn chống, hỗ trợ kỹ thuật và cho mượn một số vật tư thiết yếu để gia cố nhà.
Những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét để tham mưu với cấp có thẩm quyền cho phép sửa chữa cục bộ những chỗ nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Trong 10 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, Phố cổ Hội An đã được đầu tư và hỗ trợ tu bổ với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng để trùng tu nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng nhằm đối phó với sự tác động khắc nghiệt của thiên tai.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ Hội An là "Bảo tàng sống" về lịch sử, kiến trúc. Đây là Khu phố cổ - Di sản Văn hóa Thế giới gắn với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, làng quê, sông nước, làng nghề truyền thống phong phú, độc đáo.
Thiên nhiên ban tặng cho Hội An môi trường, hệ sinh thái sông nước, biển, đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn không phải nơi nào cũng có được. Tuy nhiên, trước diễn biến cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu, Phố cổ Hội An đứng trước những thử thách không nhỏ.
Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 3/1985; Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12/1999; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt vào đợt 1 tháng 8/2009.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, Hội An đã trở thành một trong những điển hình thành công ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa, thiên nhiên và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch bền vững.
Để Hội An mãi là "bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị," là thành phố của Di sản, điểm đến an toàn và thân thiện trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới, địa phương cần có sự gắn kết độc đáo trên một thể thống nhất không thể tách rời giữa lõi văn hóa, nhân văn và lõi sinh thái, tự nhiên trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa, hội nhập toàn cầu và phát triển du lịch.
Chung tay bảo vệ Hội An trước sự tác động của thiên nhiên và con người là việc làm thường xuyên, liên tục không chỉ của người dân và chính quyền địa phương mà còn là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành và người dân cả nước./.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-phap-bao-ve-pho-co-hoi-an-truoc-tac-dong-cua-thien-tai-va-con-nguoi-a27090.html