Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Quyết định số 1755/QĐ-TTg).
Xác định được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ban hành các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển.
Thông qua Hội nghị nhằm tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu Chính phủ ban hành "Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", theo đó tập trung xây dựng theo hướng lựa chọn hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, xác định được phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đại diện của các Bộ, ngành cơ bản đồng tình với dự thảo về kịch bản chương trình cũng như nội dung của báo cáo trung tâm tại Hội nghị.
Góp ý thêm một số vấn đề, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nội dung của dự thảo cơ bản được chuẩn bị kỹ lưỡng. Phía Bộ sẽ tiếp tục rà soát các số liệu và gửi văn bản đến Bộ VHTTDL trước 1/12.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, kết cấu các tham luận cần bố trí phù hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Ngoại giao nêu quan điểm, việc tổ chức Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa vào thời điểm này hết sức ý nghĩa và kịp thời, nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, để Hội nghị lần này được tổ chức thành công thì công tác chuẩn bị, rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến các bộ ngành là hết sức quan trọng. Phía Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để chuẩn bị kỹ lưỡng các phần việc liên quan đến hai Bộ.
Còn đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Bộ rất quan tâm đến Hội nghị lần này. Theo đại diện Bộ NNPTNT, dự thảo báo cáo trung tâm tại Hội nghị có thể được xem là phần tổng kết về Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn qua. Vì vậy, cần kết cấu bám sát nội dung và mục tiêu của Chiến lược.
"Mục tiêu trong chiến lược đã lượng hóa rất cụ thể, vì vậy chúng ta cần có đánh giá kỹ lưỡng kết quả và giải pháp đã thực hiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì còn nhiều các sản phẩm OCOP khác cũng rất tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, cần bổ sung thêm một mục mà trong Chiến lược chưa đề cập đến" - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho hay.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp. "Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ và mong muốn tiếp tục nhận thêm các ý kiến của các bộ ngành liên quan để hoàn thiện các báo cáo, sớm trình Văn phòng Chính phủ rà soát" - ông Trần Hoàng cho hay.
Ông Trần Hoàng nhấn mạnh, Hội nghị được kỳ vọng cú hích thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa, qua đó đóng góp nhiều hơn vào kinh tế xã hội đất nước. Vì vậy, Bộ VHTTDL rất mong muốn các bộ ngành cùng chung tay với Bộ VHTTDL để Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp./.
Theo bvhttdl.gov.vn