Bến Tre: Công tác quản lý, duy tu và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa

Bến Tre được biết đến là một trong những tỉnh có truyền thống cách mạng với những giá trị lịch sử được ghi nhận qua các tài liệu và hệ thống di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) hiện có của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 2 DTLSVH cấp quốc gia đặc biệt, 16 DT cấp quốc gia và 58 DT cấp tỉnh. Nhiều DT đã phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa phục vụ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và giáo dục cho các thế hệ. Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng và phát huy các giá trị DTLSVH trên địa bàn tỉnh đang được ngành chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm để nâng cao hơn hiệu quả của các DT.

nguyen-dinh-chieu-1701317547586-17013175484621137771812-1701328381.jpg
Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri). Ảnh: Trung Hiếu

Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa

Tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Trung thông tin tình hình quản lý hệ thống DTLSVH trên toàn tỉnh hiện nay. Theo đó, các DTLSVH được phân cấp quản lý theo quyết định của UBND tỉnh, trong đó, Sở VHTT&DL trực tiếp quản lý các khu DTLSVH đã được công nhận là các DT lịch sử cách mạng và đền thờ danh nhân; còn các DT còn lại (bao gồm đình, chùa, kể cả DT quốc gia mà không phải là DT lịch sử cách mạng, đền thờ danh nhân và DT lịch sử cấp tỉnh) thì do huyện quản lý.

Nhiều DTLSVH và đền thờ được khai thác thường xuyên, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, cũng như học sinh, sinh viên tổ chức về nguồn, làm điểm tổ chức lễ phát triển đảng viên và các sự kiện chính trị, văn hóa, như: DT Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, DT Đồng Khởi, DT Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, DT Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, Bảo tàng Bến Tre (Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo,… Tại các điểm DT trọng điểm, thường xuyên có du khách đến tham quan, ngành chức năng đã bố trí lực lượng hướng dẫn viên túc trực thường xuyên để phục vụ hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách.

Tính trong 9 tháng năm 2023, Bảo tàng Bến Tre và các DT mở cửa phục vụ hơn 126 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Trong đó, nhiều nhất là DT quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), đón hơn 49 ngàn lượt khách, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm) đón hơn 32 ngàn lượt khách, Bảo tàng Bến Tre (TP. Bến Tre) đón hơn 15 ngàn lượt khách, DT Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre (Mỏ Cày Nam) đón hơn 10 ngàn lượt khách đến viếng và thắp hương, tham quan tìm hiểu… Ngoài ra, nhiều DT LSVH khác cũng đã có nhiều lượt khách đến tham quan như: DT căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc), DT Đường Hồ Chí Minh trên biển (Thạnh Phú), DT Cây Da Đôi (Ba Tri)…

di-tich-dong-khoi-1701317549228-17013175493221130517897-1701328423.jpg
Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam). Ảnh: A. Nguyệt

Công tác trùng tu, tôn tạo

Hiện nay, một số DTLSVH có biểu hiện xuống cấp cần tu bổ, sửa chữa nhưng gặp khó khăn vì nguồn duy tu bảo dưỡng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. 2 DT được Trung ương đầu tư, nâng cấp, hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ lập quy hoạch là DT Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và DT Đồng Khởi, Sở VHTT&DL đang tham mưu UBND tỉnh để triển khai thực hiện 2 dự án này. Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai dự án Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, vì Trung ương đã ghi vốn (giai đoạn từ năm 2023 - 2025).

Đối với DT Đường Hồ Chí Minh trên biển, năm 2012, Sở VHTT&DL đã thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh để triển khai tôn tạo DT này, trong đó có Đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm được xây dựng và hoàn thành năm 2012, sau khi hoàn thành, Sở VHTT&DL đã phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú để bàn giao công trình này lại cho UBND huyện Thạnh Phú sử dụng và khai thác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, biên bản phối hợp bàn giao giữa Sở VHTT&DL và huyện Thạnh Phú chưa thể hiện rõ nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình này.

Sở VHTT&DL đang phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú để rà soát lại và sau khi 2 đơn vị thống nhất các nội dung sẽ đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương cụ thể. Trước mắt, xin chủ trương về kinh phí để sửa chữa trong tình trạng khẩn cấp, còn về sửa chữa lâu dài thì sẽ đề xuất trong các nguồn đầu tư công của giai đoạn tiếp theo.

Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTT&DL đã hoàn chỉnh và trình thông qua thành viên UBND tỉnh 2 đề án: Đề án trùng tu, tôn tạo các DT lịch sử trên địa bàn, từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Đề án về xây dựng các tượng, bia tượng, đài tưởng niệm trên địa bàn (2 đề án này đã được UBND tỉnh thông qua, khi có chủ trương phê duyệt, có nguồn đầu tư, Sở VHTT&DL sẽ tập trung để triển khai).

Để khai thác tốt các DT, trong thời gian tới, Sở VHTT&DL sẽ tổ chức gắn kết các tour tuyến du lịch với các DT lịch sử trên địa bàn để thu hút du khách; đồng thời, phân bổ các hướng dẫn viên phù hợp, cũng như hướng đến nâng cao trình độ chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên hiện nay.

“Các địa phương tiếp tục phối hợp tốt, quan tâm bảo tồn, tôn tạo các DT lịch sử theo phân cấp quản lý; phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng văn hóa du lịch tại địa phương. Sở VHTT&DL cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để có hướng dẫn về Đề án cho thuê và khai thác các DT theo Nghị định số 151/NĐ-CP của Chính phủ về cho thuê các tài sản công. Tiếp tục đeo bám các kiến nghị phân bổ kinh phí cũng như tranh thủ các nguồn lực để sửa chữa, trùng tu các DTLSVH cấp quốc gia. Rà soát lại phân cấp quản lý các khu DT này theo quyết định của UBND tỉnh để đảm bảo việc bảo quản và khai thác có hiệu quả nhất” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung.

Theo Báo Đồng Khởi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ben-tre-cong-tac-quan-ly-duy-tu-va-phat-huy-cac-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-a27072.html