Những ngôi nhà của người Ơ Đu
Nhà ở của người Ơ Đu ở Nghệ An đã thay đổi ít nhiều so với truyền thống trước đây, nhưng vẫn giữ được những nét khác biệt với các dân tộc xung quanh. Những ngôi nhà quay mặt vào núi, dựng theo chiều thẳng đứng. Ngay danh từ “nhà ở”, theo tiếng Ơ Đu là “dinh luồng tẳng”, đã phản ánh đặc trưng kiến trúc ngôi nhà truyền thống của dân tộc này. “Dinh” là nhà, “luồng” là chiều, “tẳng” là đứng.
Trước đây, nhà của người Ơ Đu không đặt ngang mà dọc lên đỉnh núi. Đặt dọc thì cột ở dưới bao giờ cũng phải dài hơn. “Dinh luồng tẳng”, là nhà dựng thẳng theo chiều dọc lên núi. Bà con thường dựng nhà rất nhỏ, theo kiểu nhà có 4 mái. Trong nhà có 2 bếp, một bếp gần cửa ra vào thường để nấu cơm cúng trong ngày lễ tết, bếp ở phía cuối nhà là nơi nấu ăn hàng ngày của gia đình. Bà con bảo, dù nhà gỗ hay bê tông cốt thép gì thì cũng phải theo phong tục của người Ơ Đu, vẫn phải theo lối kiến trúc “dinh luồng tẳng”.
Nhà sàn của người Ơ Đu thường lợp tranh, 4 mái.
Người Ơ Đu có những lễ nghi kiêng kị trong nhà như quan hệ giữa con dâu với những người nam giới trong gia đình nhà chồng khá kín kẽ, nghiêm ngặt. Điều này là một trong những khác biệt giữa người Ơ Đu với người Khơ Mú: - “Họ kiêng, tôi là bố chồng chẳng hạn, ít ngồi với con dâu. Khi có con cái, lâu lâu mới ngồi. Anh cả trong nhà cũng ít ngồi với em dâu”.
Nếu bạn vào nhà người Ơ Đu, hãy để ý bếp lửa và nơi thờ ma nhà của họ. Nhà người Ơ Đu, giống nhà người Khơ Mú, có 2 bếp. Người Ơ Đu, người Khơ Mú ở Nghệ An thường có 2 bếp, 1 bếp dành cho phụ nữ, 1 bếp dành cho đàn ông. Họ còn có 1 bếp nữa là bếp kiêng. Thường thì gian thờ ma nhà của người Khơ Mú là gian trong cùng, trong đấy có 1 bếp. Bếp ấy, lúc nào làm nhà lớn, còn gọi là làm nhà nhảy, người ta mổ trâu mổ bò đưa qua đầu hồi lên bếp ấy nấu, chứ không đưa lên cầu thang chính. Người Ơ Đu cũng vậy.
Nhưng nơi thờ tổ tiên của người Ơ Đu không phải là bếp thứ 3 như người Khơ Mú, mà là một gác nhỏ trên vách nhà sàn. Bàn thờ để trên vách như người Thái, nhưng hình thức bàn thờ thì khác. Người Ơ Đu không có bài vị, chỉ thờ một đời bố. Bố còn thì con không có bàn thờ. Bố mất đi thì con có bàn thờ. Nếu bố còn, đến Tết, cúng tổ tiên, con mang một mâm cỗ đến nhà bố để góp lễ.
Người Ơ Đu quan niệm, khi chết, linh hồn người chết, tức là ma nhà, vẫn quanh quẩn bên người thân, ảnh hưởng đến hoạt động của mọi người trong nhà. Vì vậy, phải thờ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ những điều tốt lành nhất cho con cháu.
Theo Dân Tộc Việt