Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình ra đời cách đây hơn một vạn năm. Nép mình sau những ngọn núi hùng vĩ trùng điệp ngôi làng Đồng Chờ thuộc xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình hiện ra đẹp thơ mộng và yên bình mang đậm bản sắc của những ngôi làng thuộc vùng núi Tây Bắc.
Theo chân chuyến tham quan của ông Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi có dịp được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, hùng vĩ của buổi sớm mai nơi núi rừng và gặp gỡ những người dân tộc Mường nhiệt tình đôn hậu. Nơi đây phải kể đến đó là Ông Bùi Hải Dính - Chủ tịch Hợp tác xã Sông Bôi - Đồng Chờ. Ngồi bên cạnh bờ Sông Bôi, thưởng thức những tách trà ngon do chính tay người Mường làm ra và nghe những câu chuyện từ xa xưa với làng nghề “Chuông Bải” của dân tộc Mường tại thôn Đồng Chờ. Chúng tôi đi từ sự bất ngờ đến việc phải suy ngẫm tiếc nuối vì một làng nghề thủ công truyền thống có nguy cơ bị mai một, bởi sự tàn khốc của thời gian và nền công nghiệp hóa của thời đại.
Dệt vải là phong tục lâu đời, họ thực hiện từng công đoạn một cách thủ công từ trồng bông, nuôi tằm, dệt lụa đến nhuộm và may quần áo. Từ tháng 5 âm lịch (đầu hè), người Mường sẽ bắt đầu thu hoạch bông, sau đó mang đi phơi khô, rồi cán bông, kéo sợi. Theo tục lệ của người Mường, trước khi về nhà chồng, con gái Mường phải tự tay mình dệt từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm của hồi môn cho gia đình nhà chồng và nhà mình. Những tấm chăn càng dày, màu sắc đẹp mắt, đường dệt thẳng và hài hòa càng thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái Mường, cũng như thể hiện lòng hiếu thảo của người con đối với các bậc tiền bối trong gia đình. Vì thế ở các xứ Mường nói chung, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, con gái Mường 13, 14 tuổi đã được dạy cho thành thạo nghề dệt, thậm chí những gia đình có nhiều con gái sẽ có đến 3-5 chiếc khung cửi để phục vụ cho gia đình và cũng như để dệt vải đem bán. Khung dệt của người Mường có cấu tạo khá đặc biệt có nhiều go, hoa văn càng phức tạp thì số go phải dùng càng lớn. Trong quá trình dệt vì hoa văn cầu kì mà phải dệt thành mảnh vải tương đối lớn. Do đó trong quá trình dệt tay quay phải thật đều, liên tục, có vậy sợi dệt mới mềm, mịn và đẹp được.
Nhưng đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, ngày nay rất khó để có thể nhìn thấy chiếc khung cửi tại thôn Đồng Chờ, duy chỉ có gia đình bà Bùi Thị Phin (78 tuổi) vẫn còn giữ guồng xe sợi và khung cửi dệt vải nguyên bản được phục dựng lại và lưu giữ tại Văn phòng của HTX du lịch Sông Bôi - Đồng Chờ để phục vụ cho khách du lịch đến tham quan. Bà Bùi Thị Phìn đã dành hơn 60 năm cần mẫn với nghề dệt vải “Chuông Bải” và cũng là một trong số ít những người có thể sử dụng khung cửi để dệt vải trong thôn. Mặc dù đã một thời gian không còn làm nghề, nhưng khi nghe được ý kiến của lãnh đạo HTX cũng như sự động viên của ông Bùi Hải Dính chủ tịch HTX mong muốn phục dựng lại nghề dệt vải tại địa phương. Do vậy dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn sẵn sàng cống hiến sức mình để cho ra đời những sản phẩm thổ cẩm vô cùng tinh xảo. Qua đó thể hiện sự khéo léo, cần mẫn của người con gái Mường xưa và hơn thế nữa là tình yêu của bà với làng nghề truyền thống của quê hương. Phụ nữ Mường tự hào với chiếc váy truyền thống của mình. Họ thường mặc trong các dịp lễ, hội, ngày Tết hay những ngày quan trọng của gia đình. Người dân ở Hòa Bình có câu “làm pái phải ba đăm” có nghĩa là làm vải phải mất ba năm. Đúng như vậy, phải mất ba năm từ lúc gieo hạt bông, thu hoạch, kéo sợi, nhuộm sợi. Sau đó dệt thành thổ cẩm hoa văn với nhiều hình hài. Bà Bùi Thị Hồng Luyến (63 tuổi) nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi xem những sản phẩm dệt thủ công vô cùng đẹp từng đường thẳng mềm mại, hài hòa, gói gọn bản sắc quê hương núi rừng Tây Bắc trong từng họa tiết, từng đường dệt.
Những sản phẩm dệt thủ công do bà Bùi Thị Phin làm ra thường xuyên được trưng bày trong các lễ hội tại địa phương do HTX tổ chức để giới thiệu đến khách du lịch biết đến những giá trị văn hóa đời sống của người Mường tại Hòa Bình. Với tâm nguyện phát huy gìn giữ những giá trị văn hóa cũng như khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương Ông Bùi Hải Dính - Chủ tịch HTX du lịch Sông Bôi - Đồng Chờ đã xin cấp phép tổ chức các hoạt động cắm trại, giới thiệu ẩm thực Tây Bắc bên bờ Sông Bôi. Camping Đồng Chờ là điểm dừng chân vô cùng thú vị với những người yêu thích không gian xanh, thích trải nghiệm các hoạt động ngoài trời và tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên. Hiện nay Camping Đồng Chờ đang phát triển các hoạt động cắm trại, vui chơi bên cạnh bờ Sông Bôi, luôn luôn có người túc trực để đảm bảo các công tác an toàn cho khách du lịch bên bờ sông và đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường quanh khu vực cắm trại. Đặc biệt hơn vào tối thứ 7 hàng tuần, HTX sẽ tổ chức nhưng buổi giao lưu văn nghệ “Âm hưởng miền sơn cước” do những người đồng bào dân tộc Mường biểu diễn với những điệu múa cồng chiêng, múa sạp, điệu xòe, múa sênh tiên,... Những phụ nữ dân tộc Mường vô cùng duyên dáng, uyển chuyển đã dày công tập luyện chắc chắn sẽ là món tráng miệng vô cùng thú vị để kết thúc một ngày khám phá vùng đất xinh đẹp này. Nơi đây vẫn còn mang vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính và yên bình mà bất cứ những người yêu thiên nhiên nào cũng không thể bỏ qua.
Nhìn thấy được cơ hội phát triển quê hương, khai thác tiềm năng du lịch và quảng bá văn hóa đời sống tinh thần của người dân tộc Mường tại Hòa Bình, ông Bùi Hải Dính cùng với 60 hộ dân trong thôn đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng trong công việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống cho người dân, bên cạnh đó là sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Ngày 29 tháng 9 năm 2023 vừa qua nhân dịp Tết Trung Thu, HTX cùng UBND xã Sào Báy, đã trao 20 suất học bổng và những phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ, các gia đình trong toàn xã. Ngày 1 tháng 10 năm 2023, Ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi HTX đã trao 85 suất quà cho các cụ cao tuổi trong thôn Đồng Chờ. Nhưng món quà tuy nhỏ nhưng là sự động viên hết sức ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của HTX đến việc chăm lo đời sống cho nhân dân địa phương.
Kết thúc buổi tham quan, đoàn chúng tôi cảm nhận được sự đón tiếp vô cùng nhiệt tình nồng hậu của người dân nơi đây, ông Vương Duy Biên thể hiện sự ủng hộ, động viên khích lệ với những việc làm của ông Bùi Hải Dính và HTX đã và đang thực hiện được. Ông đặt niềm tin vào những dự định phát triển của HTX trong tương lai.
Minh Hoàng - Thanh Giang