Dòng nhớ có bao giờ cạn?

Đây có thể là câu chuyện về bi kịch của một người đàn ông với 2 người đàn bà, cũng có thể là câu chuyện của những phận người dọc bờ sông, buồn mênh mang như từng cơn sóng nước. Ai cũng mang trong mình một nỗi đau nhưng họ không sống cuộc đời cho mình mà sống vì nhau, vì cái tình để rồi day dứt mãi, suốt 18 năm.

“Bao giờ sông cạn” (kịch bản do nghệ sĩ Hạnh Thúy cảm tác từ truyện ngắn “Dòng nhớ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Thái Thanh biên tập) công diễn vào tối 28-8 tại Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh. Chờ (Đoàn Thanh Tài) vì lời hứa của người xưa, nghe lời mẹ (Xuân Hương) cưới người vợ không yêu, lớn hơn mình 2 tuổi là Mai (Tuyết Thu). Sáng làm chú rể, tối đến Chờ lén bỏ ra bờ sông với Thà (Hoàng Vân Anh), một phụ nữ sống đời buôn bán trôi nổi trên ghe. Ngày cưới của Mai cũng là ngày con riêng của Chờ và Thà chào đời. Nhưng ngày giông tố nhất với họ chính là hôm Thà bị gia đình Chờ bắt cóc con trai. Mẹ Chờ chết trong uất ức, anh phải thực hiện lời hứa: Không bao giờ đặt chân xuống ghe.

Để rồi suốt 18 năm, ai cũng mang trong mình một dòng nhớ. Nó âm ỉ chảy trong hồn, nhớ mà ráng quên, không rứt ra được. Hễ đến ngày giỗ của mẹ Chờ, Thà lại trở về neo ghe ở bến sông cũ, mỏi mắt trông chồng ngóng con. Chờ ở trên bờ thẫn thờ nhìn ra bến, hút thuốc và thổi kèn. Anh sống với Mai, ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại nhưng lòng cứ hướng về sông. Còn Mai muôn thuở vẫn là người phụ nữ hy sinh âm thầm, mỗi lần nghe tiếng tát nước não nề là đau xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong lòng. Mai run rẩy: “Con không muốn có bão mà con muốn có hạn hán! Hạn hán cho dòng sông này khô cạn hết đi, để không còn ghe thuyền nào có thể về ghé bến này được nữa! Bao giờ bao giờ con sông này mới cạn, hả chú Út?”. Sông có bao giờ cạn, lòng người có bao giờ nguôi thương nhớ? Sông vẫn chảy tức là dòng nhớ vẫn chảy. Vở kết thúc bằng hình ảnh thằng Đợi (Hùng Thuận) nhận lại mẹ, quyết định đưa mẹ lên bờ nhưng ở một bến khác. Một cái kết làm đậm đà ý nghĩa mùa Vu lan năm nay.


Cảnh trong vở “Bao giờ sông cạn” Ảnh: PHẠM NHẬT HUY

Truyện ngắn “Dòng nhớ” từng được Hạnh Thúy dựng thành vở kịch cùng tên, làm vở diễn tốt nghiệp năm 2009 nhưng lần này, qua bàn tay của Hoàng Thái Thanh và đạo diễn Ái Như đã đong đầy cảm xúc hơn. Câu chuyện có nhiều tuyến nhân vật hơn, có nút thắt mở, có những đoạn sâu lắng và có cả cao trào. Từng phối cảnh, từng động tác, âm thanh được trau chuốt kỹ lưỡng và chân thật, như: cảnh lâm bồn trên ghe, cơn mưa thật, tiếng tát nước cọ vô xuồng xao xác. Khán giả cảm nhận rất rõ từng âm thanh, từng cảm xúc của nhân vật trên sân khấu.

Hoàng Thái Thanh lần này vẫn không thôi làm khán giả khóc cười với từng nhân vật qua tài diễn xuất của các diễn viên. Nếu Hoàng Vân Anh diễn rút ruột gan trong những trường đoạn đau đớn tột cùng thì Tuyết Thu lại tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm đau, âm ỉ. Làm sao quên được lúc Thà vượt cạn trên sông, từng tiếng thét, tiếng gào như đúng từng cơn co thắt trong bụng. Lúc bị mất con, Thà ngơ ngác, đau đớn: “Con của em mà! Trả con lại cho em”. Làm sao quên được cái dáng lấp ló, đáng thương đến tội nghiệp của Mai khi ngồi rình chồng âu yếm với người đàn bà khác. Mai bần thần, tê tái khi biết chồng mang chiếc áo cưới cắt ngang may áo cho con trai. Mỗi khi cày xới lên vết thương, ánh mắt Mai vô hồn, bờ vai run rẩy, lời nói nhẹ hều mà khắc khoải, buồn tủi vô phương.

Đoàn Thanh Tài đã hóa thân trọn vẹn người đàn ông từ già đến trẻ, yêu thương vợ nhưng hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy. Ở những đoạn tưởng khó diễn nhất như đỡ đẻ cho vợ, anh vẫn làm khán giả xúc động. Nghệ sĩ Ái Như và Hùng Thuận tạo nên những hình ảnh đẹp về tình mẫu tử. Nghệ sĩ Xuân Hương chân thật đến từng động tác nhai cơm. Vốn là câu chuyện của vùng quê miền Tây nên không thể không nhắc đến chất hóm hỉnh, bông đùa, những câu nói đậm phương ngữ của chú Út (Thành Hội) và cô Tư “mắm” (Tuyết Mai). Họ đã mang đến nụ cười hài hước để cân bằng cho một câu chuyện đầy bi kịch, ngang trái.

Theo Minh Nga (Người Lao Động)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dong-nho-co-bao-gio-can-a2697.html