Ý kiến của PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa
Thành phố Cẩm Phả có điều kiện địa lý đặc biệt: Hẹp, bị kẹp giữa biển và núi, dư địa phát triển hạn chế, vừa có thuận lợi, vừa gặp khoa khăn, vì nằm trên ranh giới của Vịnh Bái Tử Long và một phần Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới.
Để xử lý vấn đề phát triển đô thị, cần có cách tiếp cận tinh tế, linh hoạt nhằm tạo lập được sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nước của hai vịnh nổi tiếng nói trên.
Mảnh đất mà chủ đầu tư trúng thầu từng là nơi chứa chất thải khu đô thị Cẩm Phả và khai thác mỏ. Hiện tại, nó đang ở trạng thái bị ô nhiễm nặng và cảnh quan sinh thái gây phản cảm. Mục tiêu dự án của chủ đầu tư là: Tạo ra quỹ đất để tái định cư; Phân lô bán nền (bất động sản sinh lợi cho chủ đầu tư); Tạo ra một khu du lịch sinh thái ven biển.
Để xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, điều đầu tiên phải làm là nghiên cứu đánh giá tác động môi trường ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực để phát huy mặt tích cực và khắc phục tối đa tác động tiêu cực đến môi trường biển và cảnh quan sinh thái. Tiếp theo, phải áp dụng quy trình công nghệ hiện đại nhất trong quá trình thi công dự án đô thị này nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể gây ô nhiễm môi trường nước biển, đồng thời góp phần tạo lập một cảnh quan sinh thái làm gia tăng giá trị thẩm mỹ vùng ven bờ của cả hai vịnh nổi tiếng nói trên. Cuối cùng, phải triển khai một tiểu dự án trồng rừng ngập mặn hoàn trả môi trường sinh thái của hai vùng vịnh đó vì chủ đầu tư muốn xây dựng lấn vào một phần vùng đệm của khu di sản thiên nhiên thế giới.
Những mục tiêu này không đối lập với mục tiêu phát triển của thành phố Cẩm Phả, đồng thời đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Nếu thực hiện các mục tiêu trên theo đúng triết lý môi trường/đạo đức môi trường, là tôn trọng môi trường thiên nhiên/sống “hòa điệu” với thiên nhiên, chắc chắn sẽ tạo được một khu vực tiểu sinh thái với hai góc nhìn từ biển vào đất liền, và từ đất liền nhìn ra biển đều đạt hiệu quả thẩm mỹ so với hiện trạng trước khi triển khai dự án.
Vùng đệm của khu di sản thế giới, theo quan niệm của UNESCO, là vùng góp phần bảo vệ cảnh quan của khu di sản mà không phải là “vùng đông cứng” không được xây dựng bất cứ công trình nào. Ngược lại, UNESCO còn khuyến khích lồng ghép phát triển vào quá trình thực hiện công ước về bảo vệ di sản thế giới (công ước 1972).
Một số nhà nghiên cứu đã khuyến nghị với UBND thành phố Cẩm Phả, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư những ý kiến tư vấn nêu trên, nhưng chưa rõ UBND thành phố Cẩm Phả và chủ đầu tư đã thực hiện thế nào trong quá trình triển khai dự án.
Trong xu thế phát triển ngành công nghiệp văn hóa, việc tạo ra những điểm check–in vệ tinh, có tác dụng làm giảm bớt áp lực du lịch trong vùng lõi của khu di sản thế giới, là rất cần thiết. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại chưa cung cấp thông tin một cách công khai, tường minh cho cộng đồng hiểu rõ mục tiêu và giải pháp thực hiện dự án để tạo ra sự đồng thuận, hoặc là chưa thực hiện những ý kiến tư vấn nêu trên, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.
Phản ánh của dư luận xã hội, xử lý vi phạm và hướng đi tương lai
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 6769/VPCP-CN ngày 8/11/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kiểm tra, xử lý việc dự án Khu đô thị đổ đất quây núi ở vùng đệm vịnh Hạ Long. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quảng Ninh kiểm tra, xử lý phản ánh về dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm hòn non bộ, báo cáo kết quả trước ngày 25/11.
Đó là dự án khu đô thị trị giá hơn 1.200 tỷ đồng được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận đầu tư tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Dự án này sẽ xây 451 căn nhà ở liền kề và biệt thự trên diện tích hơn 31,8ha, dân số hơn 2.000 người. Đơn vị trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất cho dự án là Công ty TNHH Đỗ Gia Capital, mới được thành lập hơn 40 ngày. UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án và giao Sở TN&MT tỉnh, UBND TP Cẩm Phả chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án đã đổ đất trực tiếp xuống khu vực biển thuộc vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái và ảnh hưởng đến cảnh quan của di sản. Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Sở Xây dựng tỉnh đã có văn bản yêu cầu chủ dự án tuân thủ quy định của pháp luật và hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng đã được cấp.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Đoàn liên ngành tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với chủ dự án và phát hiện chủ dự án chưa thực hiện đúng những nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Ngày 6/11, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả Nguyễn Mạnh Cường đã ký văn bản yêu cầu Công ty TNHH Đỗ Gia Capital dừng thi công dự án khu đô thị tại khu 10B. Ngày 7/11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital – chủ đầu tư Dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả vì vi phạm các quy định trong công tác thi công dự án. Tổng số tiền phạt cho các vi phạm là 125 triệu đồng.
Như vậy, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc phát triển và bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là ở những địa phương có đặc điểm địa lý như thành phố Cẩm Phả, là hết sức quan trọng. Hy vọng chính quyền thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư Dự án sớm thực hiện các giải pháp thích hợp để dự án được thực hiện, tạo thêm khu sinh thái, đô thị góp phần cho phát triển, đồng thời bảo tồn được di sản văn hóa, thiên nhiên theo những quy định của pháp luật.
Phạm Việt Long