Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình

Tượng đài Bác Hồ nằm trên đồi Ông Tượng, có độ cao 186m so với mực nước biển, được khởi công xây dựng vào năm 1996. Ðây là một công trình văn hóa hoành tráng, quy mô của tỉnh Hòa Bình và thủy điện Hòa Bình.

z4874116107381-f89b3e8d21a0a40e38ac2e0193630c63-1699940342.jpg
Tượng đài Bác Hồ tọa lạc trên đồi Ông Tượng được làm bằng vật liệu bê tông siêu cao cao 18m. Ảnh: Viết Hải

Ngày 08/01/1996 công trình tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng, sau hơn một năm thực hiện đã được chính thức khánh thành long trọng vào ngày 08/01/1997 nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ðây là một công trình văn hóa hoành tráng, quy mô của tỉnh Hòa Bình và thủy điện Hòa Bình. Tượng đài Bác Hồ hằng năm đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong nước và Quốc tế đến tham quan và chiêm ngưỡng. Ðây cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các đoàn thể dâng hương lên Bác mỗi khi về làm việc và thăm công trình thủy điện.

Tượng Bác Hồ cao 18m, nặng hơn 400 tấn, làm bằng chất liệu bê-tông siêu cao, bê tông granite không bị ố mốc, không bị phong hóa, mài mòn bởi thời gian. Móng của tượng đài được khoan trụ sâu xuống đỉnh núi mười mét, đường kính 2,5m, khi khoan gặp đá gốc mới dừng lại. Tượng Bác đặt trên đồi Ông Tượng hơn 186m so với mực nước biển và tại vị trí cao, đẹp nhất của công trình thủy điện Hòa Bình. Gọi là đồi ông Tượng bởi nhìn từ xa, quả đồi này trông giống như một ông voi khổng lồ đang nằm phủ phục, vươn vòi xuống uống nước bên dòng sông Đà.

z4879094168578-de83c688a5305f9df9cb2feb8fbaa3f4-1699940341.jpg
Từ dưới chân tượng đài lên khu vực tiền sảnh được thiết kế 79 bậc thang tương ứng với 79 mùa xuân trong suốt cuộc đời của Người. Ảnh: Viết Hải

Tượng Bác Hồ được sáng tác theo ý tưởng khi Bác Hồ về thăm Hòa Bình năm 1962 có chỉ tay xuống dòng sông Ðà và nói: Phải biến thủy tặc thành thủy lợi. Mục đích cuối cùng phải chinh phục dòng sông có lợi ích lâu dài cho toàn dân. Tượng Bác do nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, giảng viên Trường đại học Kiến Trúc Hà Nội thực hiện hình tượng Bác Hồ theo ý tưởng đó. Tác giả phần kết cấu công trình là kỹ sư Ngô Thanh Cẩn (Bộ Xây dựng), phần tổng kết kiến trúc xây dựng do kiến trúc sư trưởng người Nga V.M.Sê-rép-ri-an-ski đảm nhiệm. Từ chân tượng đài lên khu vực tiền sảnh được thiết kế 79 bậc thang, tương ứng với 79 mùa xuân trong suốt cuộc đời của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc suốt một đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, lo cho nước, cho dân được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Ngay trên bệ đứng dưới chân của Bác được ghi bốn câu thơ của Người: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

z4879094145013-07381dfe622af6839e8315c9201431bf-1699940341.jpg
Nằm ngay sát phía dưới khu vực tượng đài là khu vực Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Viết Hải

Phần dưới bài thơ là các hoa văn cách điệu tượng trưng cho sóng nước Ðà Giang. Phía sau chân Bác là hình tượng những đám mây bồng bềnh hòa quyện làm cho hình tượng Bác Hồ nổi lên hoành tráng, nên thơ giữa một vùng thiên nhiên không gian sông nước mây trời hùng vĩ. 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trên đồi cao, tại nơi đây Bác kính yêu của chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh công trình thế kỷ kỳ vĩ mà các thế hệ con, cháu của Người đã thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác xây dựng lên, mang dòng điện từ Hòa Bình tỏa đi khắp mọi miền tổ quốc. Nơi đây cũng để lại trong lòng mỗi du khách những cảm xúc lớn lao về Người lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuong-dai-bac-ho-tren-cong-trinh-thuy-dien-hoa-binh-a26941.html