Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, để mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã ngày càng phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của Hợp tác xã kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp.
Vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình Hợp tác xã. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo môi trường thuận lợi cho Hợp tác xã phát triển.
Đồng thời thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho Hợp tác xã.
Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn đối với kiểm toán Hợp tác xã phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho Hợp tác xã đầu tư phát triển, nhất là các Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với Hợp tác xã gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp trong phát triển Hợp tác xã. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội các cấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động kinh tế tập thể, Hợp tác xã để nắm sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Xây dựng và nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên toàn tỉnh. Tăng cường công tác liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã. Theo dõi xuyên suốt quá trình hoạt động và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả để đánh giá, khen thưởng nhằm khích lệ các Hợp tác xã ngày càng phát triển.
Kiện toàn tổ chức thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành giữa Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển Hợp tác xã ở Trung ương và địa phương, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Hợp tác xã.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các Hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập Hợp tác xã mới. Thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các Hợp tác xã; thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại Hợp tác xã.
Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, chuyển dần thành Hợp tác xã. Phát triển Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các Liên hiệp Hợp tác xã làm đầu kéo cho Hợp tác xã thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu và đưa các chương trình đào tạo về kinh tế tập thể, Hợp tác xã vào các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục và quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, hiệu quả.
Trương Anh Sáng