Ban tổ chức hội thi đã trao: Vọng cổ: 03 Giải A, 04 Giải B, 07 Giải C. Ca ra bộ: 03 Giải A; 04 Giải B; 07 Giải C. Tự giới thiệu: 03 Giải A, 04 Giải B, 06 Giải C. Ban nhạc có 01 Giải A, 01 Giải B và 01 Giải C,… cho các đơn vị đạt giải.
Ông Lê Công Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, các đội đờn ca tài tử đã đem đến cho Hội thi những chương trình, tiết mục hay, hấp dẫn mang đậm nét sinh hoạt của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Hội thi có sự tham gia của gần 200 tài tử đờn, tài tử ca của 14 đội Đờn ca tài tử đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh đã truyền tải tốt các thông điệp về tầm quan trọng của “xây dựng nông thôn mới” cùng với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đồng thời, Hội thi cũng là dịp để các tài tử ca, tài tử đờn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, niềm đam mê mộ điệu tài tử. Hội thi đã xuất hiện những giọng ca trẻ hứa hẹn sự phát triển tốt đẹp trong việc lưu truyền, giữ gìn nghệ thuật Đờn ca tài tử và một lớp kế thừa đầy nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật Đờn ca tài tử - Một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Là người đam mê mộ điệu tài tử, soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang, Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, cho biết, Hội thi năm nay các đơn vị tham gia Hội thi có sự đầu tư, dàn dựng công phu, đúng chủ đề mà Hội thi đưa ra nên các tiết mục biểu diễn rất có hồn đã thu hút đông đảo người dự khán.
Hội thi đờn ca tài tử “Tuần lễ hoạt động văn hoá - Xây dựng nông thôn mới năm 2023” góp phần giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghệ thuật Đờn ca tài tử để tiếp tục trao truyền và phát hiện những tài năng mới để chăm bồi, bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đờn ca tài tử, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong quá trình hội nhập và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trương Anh Sáng