Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10

Hôm nay (10/10) là Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 với chủ đề là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

nv-dh-36565-1686387731-1696950637.jpg
Một lớp học nghiệp vụ báo chí. Ảnh: Nguyễn Hồng

Các hoạt động được tổ chức trong ngày 10/10 và tháng 10 hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; góp phần nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu được xem như dạng tài nguyên, tài sản của không gian mới, là nhiên liệu và cũng là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu số.

Cả xã hội đang thực hiện chuyển đổi số. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng không thể nằm ngoài cuộc khi có sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ “bị động” sang “chủ động”, nhất là qua phương tiện điện thoại thông minh. Từ đó, đòi hỏi Tạp chí phải tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới tiện dụng (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và công chúng. 

Chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhân lực am hiểu về công nghệ và tư duy đột phá. Để thực hiện được yêu cầu chuyển đổi số, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên của Tạp chí liên tục được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa, tạo ra sản phẩm thông tin theo hướng “Nhanh - Đúng - Trúng - Hấp dẫn”.

Trên tinh thần đó, công tác sản xuất thông tin của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển bước đầu đã  được đầu tư số hóa với trang thiết bị hệ thống phần mềm quản lý xuất bản để quản lý tin, bài và quy trình xuất bản trực tuyến, cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm, các chuyên mục theo hướng đa phương tiện gồm các loại tin văn bản, video, trực tiếp, photo, Emagazine, Infographic… Các loại hình thông tin này được chú trọng hàm lượng thông tin, hình ảnh sáng tạo, sắc nét, hấp dẫn để tiếp cận người đọc nhanh chóng hơn, là kênh thông tin hữu ích cho bạn đọc và công chúng trên nền tảng số. Tạp chí từng bước làm tốt “kho” lưu trữ dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu trong mạng nội bộ cũng như trên các nền tảng số, nhất là trên google để tạo ra giá trị mới theo chủ đề của Chuyển đổi số năm nay.

a1-235234636-1674134948-1696950669.jpg

Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số tại Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển vẫn là vấn đề con người. Trước hết là người quản lý và tiếp đến là người lao động đối với tạp chí là phóng viên, biên tập viên, hiệu đính, trong đó thái độ của người đứng đầu cơ quan mang tính chất quyết định, vì liên quan đến nhiều yếu tố trong công cuộc chuyển đổi số cần phải quyết đáp ngay. Đồng thời, chính các phóng viên, biên tập viên của tạp chí phải chuẩn bị ba yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số là tâm lý, kiến thức, kỹ năng thể hiện.

Phóng viên phải đối diện với những thách thức, những thay đổi mang tính căn bản, chiến lược của quy trình tư duy, quy trình công việc khi thực hiện chuyển đổi số trên các thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, phức tạp. Cùng một sự kiện, cùng một lúc, phóng viên có thể làm ra nhiều loại sản phẩm thông tin truyền về tòa soạn duyệt phát ngay trên nền tảng số một cách nhanh nhất để canh tranh thông tin, đem đến những gì bạn đọc cần chứ không chỉ những gì đang có.

Tạp chí lấy bạn đọc làm trung tâm, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Nội dung thông tin tích cực là chính yếu, thông tin trung thực, hình thức đa dạng, nắm bắt nhanh xu thế chuyển đổi số để có những bước phát triển vững chắc, phù hợp với xu thế “bùng nổ thông tin”, thị hiếu phong phú của bạn đọc và công chúng trong thời đại "Cách mạng công nghiệp 4.0".

Trên tinh thần đó, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển rất cần được cơ quan quản lý báo chí, ngành Thông tin Truyền thông hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho hệ thống báo chí, truyền thông, trong đó có Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tap-chi-dien-tu-van-hoa-va-phat-trien-huong-ung-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-1010-a26646.html