Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất di tích, di sản

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ trình lần thứ 2 để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề quản lý, sử dụng đất di tích, di sản nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các đại biểu Quốc hội.

a1-2523463-1696384932.jpg
Đại biểu Nguyễn Thành Công (bìa trái) và đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (bìa phải)

Chưa thấy được những điểm đặc thù trong quản lý và sử dụng đối với loại đất di tích, di sản

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản, cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. 

Dự thảo Luật chỉ có 1 điều là Điều 204 quy định về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên nhưng nội dung Điều 204 về cơ bản kế thừa Điều 158 của Luật Đất đai hiện hành. Với quy định như vậy, dường như không có điểm đột phá về tư duy trong quản lý và sử dụng loại đất này, thiếu quy định chi tiết, cụ thể và đầy đủ về cơ chế quản lý mà chưa thấy được những điểm đặc thù trong quản lý và sử dụng đối với loại đất này. 

Để làm rõ những điểm đặc thù về việc quản lý, sử dụng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ khái niệm về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. 

Cùng với đó là có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp, lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. 

"Đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm, sử dụng đất sai mục đích, vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản" - đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu cũng cho rằng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản. Cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản. Cho phép đối với diện tích đất giao không đúng thẩm quyền từ trước ngày 1/7/2014 đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nằm trong khu vực được quy hoạch là khu dân cư tập trung được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ để giải quyết những bất cập nêu trên, cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong các khu dân cư tập trung. 

Cùng với đó, trong khu di sản có nhiều loại đất khác nhau như đất tôn giáo, đất dân cư, đất nông nghiệp, đất dịch vụ, du lịch, với đặc thù như vậy thì mỗi loại đất này cần phải có quy định riêng về cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm riêng của một di sản hỗn hợp văn hóa thiên nhiên.

Bài toán khó giữa cân đối giữa mục tiêu bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng di sản

Cùng nói về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho biết, trong Luật Đất đai đã có quy định phân loại đất di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh là một loại đất riêng trong nhóm đất phi nông nghiệp, đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 68 và quy định chế độ sử dụng đối với loại đất này tại Điều 212 trong dự thảo. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng loại đất này vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục.

Thứ nhất, về quy hoạch đất có di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Thực tế, hiện nay có tình trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xác định nhưng có xen lẫn các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích. Điều này một mặt ảnh hưởng tới giá trị và tính toàn vẹn của di tích. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực di tích.

"Trong dự thảo cần có quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa" - đại biểu nêu quan điểm.

Thứ hai, về phân bổ chỉ tiêu, quy hoạch sử dụng đất, nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, đại biểu Nguyễn Thành Công cho biết, các địa phương có di sản văn hóa luôn tự hào và xác định trách nhiệm phải bảo tồn, gìn giữ các di sản, góp phần làm giàu bản sắc dân tộc, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, khi diện tích cần bảo tồn quá lớn thì lại ảnh hưởng đến dư địa phát triển của địa phương.  

Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo cần làm rõ nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua, quyết định. Trong đó, cần có nguyên tắc phân bổ phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ ba, về cân đối giữa mục tiêu bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng di sản, đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng đây hiện là bài toán khó với nhiều địa phương, năm 2013 chúng ta đã chứng kiến câu chuyện hy hữu khi 78 hộ dân tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đồng loạt ký đơn gửi các cơ quan chức năng để xin trả lại di tích quốc gia.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản./.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-can-co-quy-dinh-rieng-ve-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat-di-tich-di-san-a26579.html