"Khám phá nét ẩm thực dân tộc" tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 01 - 31/10/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

v-3634673737-1695908894.jpg
Người M'Nông nấu cơm lam

Du khách có thể tham dự, hòa mình vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, từ đó thêm hiểu về những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống, đặc trưng, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào; Tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển. Qua đó, góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch, phát huy thế mạnh hoạt động hàng ngày của đồng bào theo vùng miền để tạo điểm nhấn của sản phẩm du lịch đặc thù, gắn kết với không gian và nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu của khách du lịch.

Chương trình tháng 10 "Khám phá nét ẩm thực dân tộc" với các hoạt động: Chương trình Kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 với chủ đề "Vẻ đẹp người phụ nữ đồng bào qua đôi bàn tay khéo léo".

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023), Ban Quản lý Khu các làng dân tộc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh phụ nữ trong đó có cán bộ công chức viên chức, người lao động Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi khích lệ tinh thần, động viên phụ nữ tiếp tục vượt qua khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao; Thể hiện tài năng, sự sáng tạo, gắn kết cùng quyết tâm xây dựng "Ngôi nhà chung" đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể.

Đồng bào các dân tộc tổ chức chương trình dân ca dân vũ đặc sắc của các nhóm cộng đồng dành tặng tất cả những người phụ nữ trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Giới thiệu sự khéo léo, đảm đang của phụ nữ qua việc mỗi nhóm cộng đồng giới thiệu một loại bánh đặc sắc và ấn tượng nhất của dân tộc; Giới thiệu nghệ thuật dệt vải độc đáo tới du khách của các dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Thái… Nghề đan lát truyền thống của các dân tộc.

Trong dịp này cũng diễn ra hoạt động tái hiện Lễ kết nghĩa buôn làng của dân tộc M'nông tỉnh Bình Phước: Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ "Bản hòa âm M'Nông".

Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống của đồng bào M'Nông: biểu diễn nghề truyền thống; giới thiệu những sản phẩm nghề thủ công truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của các nhóm đồng bào M'Nông như nghề dệt, đan lát…; Giới thiệu, thao tác các công đoạn chế tác trang phục, sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào M'Nông; Giới thiệu các sản phẩm trang sức, nghề dệt cổ truyền của đồng bào M'Nông nét văn hóa độc đáo gắn với các nghi lễ truyền thống của đồng bào như lễ kết nghĩa buôn làng, lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà lúa cúng lúa…Các nghệ nhân sẽ thực hành, chế tác thực hiện các công đoạn để hoàn thành sản phẩm cùng du khách trải nghiệm, tương tác; Trưng bày, triển lãm ảnh "Bình Phước - Hồn đất, tình người" với 100 hình ảnh đặc trưng của vùng đất, văn hoá, con người các dân tộc tỉnh Bình Phước; những tiềm năng thế mạnh về kinh tế, du lịch, những điểm đến, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Phước.

Đặc biệt, hoạt động giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực M'Nông - Tinh hoa hội tụ sẽ trình diễn, giới thiệu các công đoạn chế biển các món ăn truyền thống của dân tộc M'Nông tỉnh Bình Phước. Giới thiệu, tương tác, trải nghiệm cùng du khách tham quan việc thực hành chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào M'Nông với các món ăn độc đáo như bánh lá, cá khô, cơm lam, thịt nướng.

Các hoạt động cuối tuần ở Làng trong dịp này gồm Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình: Lễ SenDolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Ngoài ra, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng vẫn tiếp tục mang đến cho du khách những trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, leo cột, kéo co..; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường, Thái; gà nướng… của dân tộc Dao; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Tày; bánh tình yêu và các sản vật đặc trưng của dân tộc Tà Ôi; các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam.../.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-net-am-thuc-dan-toc-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-a26540.html