Đọc lại: "Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều" - trong "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ, nghĩ về hôm nay

Nguyễn Dữ không đồng tình với sự thái quá trong văn hóa tâm linh của người xưa khi mà họ sẵn sàng hi sinh không gian sinh tồn của mình để phục vụ cho việc thờ cúng Phật! Hơn thế nữa là những người "ăn bám" theo việc thờ cúng rồi quên đi trách nhiệm của họ với quốc gia, cũng tạo nên gánh nặng cho xã hội, cho cộng đồng.

chua-1695455727-1695561831.jpg
Ảnh minh họa

Nguyễn Dư (? -?) người ta quen gọi là Nguyễn Dữ - tác giả của "Truyền kỳ mạn lục", người xã Đỗ Tùng huyện Trường Tân (nay là xã Phạm Kha huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Tương truyền, ông là học trò của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), như vậy Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ XVI trải 4 triều vua: Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng (thời suy loạn của nhà Hậu Lê). Sau khi đỗ Hương tiến (cử nhân), ông làm quan dưới triều nhà Mạc, rồi về với triều Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc); nhưng chỉ được một năm vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ già cho tròn đạo hiếu Nguyễn Dữ xin về ở ẩn tại núi rừng Thanh Hóa. Từ đó "trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành" (lời Tựa của Hà Thiện Hán cho cuốn Truyền kỳ mạn lục năm 1547) và mất tại đây.

Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những chuyện kỳ lạ được lưu truyền) viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện theo thể loại tản văn xen lẫn biền văn và thơ ca. Ở cuối mỗi truyện đều có lời bình của chính tác giả hoặc của người cùng quan điểm (trừ truyện Kim hoa thu thoại ký). Cuốn sách được cụ Trạng Trình chỉnh sửa cho phù hợp, Hà Thiện Hán viết lời Tựa, Nguyễn Thế Nghi chuyển sang chữ Nôm năm 1547. Cuốn sách được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702 - ?) đánh giá là "Thiên cổ kỳ bút". Đọc 20 truyện, ta có thể nhận ra truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ đó là: mong muốn về một xã hội mà mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương giữa con người với con người...

Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói tới 1 trong 20 truyện của tập sách Truyền kỳ mạn lục: "Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều", truyện đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10 tập 1, phần đọc thêm cách đây hơn 20 năm; nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc qua lối viết nhẹ nhàng, thâm thúy, đầy những trăn trở về cuộc sống, tâm linh. Giữa mùa dịch, phải giãn cách xã hội theo CT16 của Chính phủ; đọc lại truyện càng thấm thía bởi giá trị trường tồn của tác phẩm.

Truyện mở đầu bằng tập tục tin thần quỷ, tôn sùng Phật của nhà Trần. Nguyễn Dữ không kiêng dè, e sợ mà hết sức khách quan khi viết những dòng này: "Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ phật tử chẳng đâu là không có, như chùa Hoàng Giang, chùa Đông Cổ, chùa An Sinh, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi, những người cắt tóc làm tăng, làm ni, hầu bằng nửa số dân thường". Chỉ mấy dòng thôi, tác giả vừa khái quát được tập quán tín ngưỡng Phật giáo của người Việt ở triều đại trước; nhưng đằng sau đó là sự phê phán nhẹ nhàng mà sâu cay của một bậc túc nho khi điểm tên các chùa chiền ông biết đến, số lượng người "trốn việc quan đi ở chùa" nhiều vô số: "Chùa chiền dựng lên nhan nhản, tăng ni hầu bằng nửa số dân thường". Nguyễn Dữ không đồng tình với sự thái quá trong văn hóa tâm linh của người xưa khi mà họ sẵn sàng hi sinh không gian sinh tồn của mình để phục vụ cho việc thờ cúng Phật! Hơn thế nữa là những người "ăn bám" theo việc thờ cúng rồi quên đi trách nhiệm của họ với quốc gia, cũng tạo nên gánh nặng cho xã hội, cho cộng đồng.

Người viết bài này, tự nhiên liên tưởng ngược dòng thời gian (không kể tới việc Phật giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ II sau Công nguyên) mà chỉ điểm thời gian từ khi Đinh Tiên Hoàng lập nên nước Đại Cồ Việt, tiếp đó là triều Tiền Lê, Lý. Thời đó, các sư sãi được trọng dụng vì họ có học vấn, có tư tưởng nhập thế giúp cho nhà vua của các triều đại xây dựng đất nước, gìn giữ thái bình thịnh trị; hoặc nếu chỉ một lòng thờ Phật thì vẫn hiến kế và can gián vua, nhắc nhở chúng sinh phải biết trân trọng những giá trị của cuộc sống hiện thực. Đến đầu thời Trần, vua Trần Thái Tông cũng từng bỏ về Yên Tử tu hành (việc làm này thể hiện sự phản đối khi Trần Thủ Độ định xử tử người anh ruột của ông - An Sinh Vương Trần Liễu...). Cháu nội Trần Thái Tông là Trần Nhân Tông (1258 - 1328) người được sử sách nhận định: là vị vua anh hùng, triết gia, thi sĩ; sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 thì năm 1293 (tức là lúc ông mới có 35 tuổi) đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (khi đó chưa tròn 17 tuổi) rồi xuống tóc đi tu, trở thành ông Tổ của phái Thiền tông Trúc Lâm! Mặc dù vậy, Trần Nhân Tông vẫn quan tâm đến việc nước, vẫn chỉ huy cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc khi giặc Ai Lao xâm lấn.

Tuy nhiên, nhân sinh quan của thượng tầng kiến trúc đã ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, khi mà sau này nhiều vị quan thanh liêm, tài ba cũng từ bỏ chức trách của mình cạo đầu xuất gia; quên đi vận mệnh đất nước. Phật giáo thành quốc giáo, chùa chiền mọc lên nhan nhản khắp nơi. Lời trần thuật của Nguyễn Dữ sao mà nhức nhối: "Nhất là vùng huyện Đông Trào (Triều), sự sùng thượng lại càng quá lắm. Chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn 10 nơi, làng nhỏ cũng chừng 5,6, bao ngoài bằng rào kỹ, tô trong bằng vàng son, phàm người đau ốm, chỉ tin ở sự hư vô, gặp các tuần tiết thì đàn tràng cúng vái rất là rộn rịp".

Từ cái nhìn khách quan về hiện thực, tác giả ngầm bàn luận, chê trách những người dân sẵn sàng biến "đất của Vua" thành "chùa của Bụt" với tốc độ chóng mặt. Hóa ra, thần quyền còn cao hơn cả luật lệ của triều đình phong kiến? Nguyễn Dữ hạ lời bình đầy trào phúng: "Thần Phật xem chừng cũng ứng giáng, nên cầu gì được nấy, linh ứng lạ thường". Phải chăng, những thế lực siêu nhiên kia, được sản sinh từ trí tưởng tượng của nhân dân đã trở thành tín ngưỡng, có thể giải quyết tất thảy, kể cả thay cho thầy thuốc; cầu gì được nấy? Chắc là tốt lễ, dễ kêu chăng?

Nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy của nhà văn được bộc lộ qua câu văn viết theo lối phục bút: "Bởi vậy, người dân càng kính tin, không dám ngạo mạn." Nghĩa là, ông đã đẩy sự sùng bái Phật lên mức cao nhất, thành đấng bất khả xâm phạm!

Mạch truyện tiếp tục bằng việc nói đến chiến tranh liên miên, khi giặc Minh xâm lược, khiến cho chùa chiền tan hoang "mười không được một" mà cái còn sót lại cũng "mưa bay gió chuyển, đổ ngả xiêu nghiêng, tiêu điều đứng giữa áng cỏ hoang bụi rậm". Hóa ra, các đấng siêu nhiên ấy, cũng chẳng thể tự bảo vệ được chính bản thân mình, nói gì đến bảo vệ nơi thờ phụng và hơn thế nữa là những người đã từng sùng tín họ?

Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, ông quan huyện Văn Tư Lập được điều về trị nhậm vùng ấy. Ngay lập tức, vị quan này cũng đã cho dân sửa sang lại chùa chiền bằng khả năng sẵn có của họ - nghĩa là vẫn một lòng hướng Phật!

Tình tiết truyện được đẩy lên bất ngờ bằng sự cố mất trộm: Người dân vừa qua cơn binh lửa chiến tranh, đang phải gồng mình lo cuộc sống đã phải đối mặt với nạn trộm cắp hoành hành ngang ngược: Họ mất "từ gà lợn ngỗng ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, phàm cái gì ăn được đều bị mất hết". Văn Tự Lập phải thốt lên: "Ta ở vào địa vị một viên ấp tể, không có cái minh để xét kẻ gian, cái cứng để chế phục kẻ ác, vì nhân nhu mà hỏng việc, chính là cái lỗi tự ta!"

Lời tự trách thể hiện thái độ, tình cảm của một vị quan phụ mẫu trước con dân; điều đó đã thúc đẩy ông hành động bằng việc sức cho dân canh gác cẩn mật, phòng ngừa trộm cắp. Nhưng, oái oăm thay; càng canh gác thì càng mất, mà trộm thì chẳng bao giờ thấy bóng! Tình tiết truyện đẩy đến mức khôi hài hơn, khi trộm không chỉ ăn cắp bên ngoài mà còn vào hẳn nhà dân uống rượu, thậm chí chòng ghẹo vợ con chủ nhà trong đêm khuya, khi phát hiện; kêu lên, trộm cũng bặt tăm từ lúc nào rồi!

Từ thái độ nghi kị những người dân đói kém sau chiến tranh ăn trộm: “đói ăn vụng, túng làm liều”; Văn Tư Lập chuyển hướng nghi ngờ của mình sang đối tượng ma quỷ, hung yêu tác quái. Đã là ma quỷ, hung yêu thì cần phải có thầy phù thủy cao tay giúp dân trừ hại! Một lần nữa, phù thủy cũng phải bất lực trước loại trộm này!

Nút thắt của truyện bắt đầu bằng tình tiết Văn Tư Lập bàn với dân trong huyện: “Các người khi trước vẫn thờ Phật rất kính cẩn, lâu nay vì việc binh hỏa mà đèn hương lễ bái không chăm, cho nên yêu nghiệt hoành hành mà Phật không cứu giúp. Nay sao chẳng đến kêu cầu với Phật, tưởng cũng là cách quyền nghi may có thể giúp cho mình”.

Tìm đến kêu với Phật – đối tượng được họ sùng tín, ngưỡng vọng bấy lâu với mong ước được cứu giúp; song kết quả thật bất ngờ: Càng cầu Phật, mất trộm càng nhiều hơn “đêm ấy, trộm còn hoành hành hơn trước”! Đối tượng trộm cắp ấy là kẻ nào? Quan huyện bất lực, dân tình hoang mang. Biết nghi ngờ cho ai nữa?

Không thể để dân sống trong cảnh ngộ như vậy, vị quan phụ mẫu ấy tìm đến cứu cánh cuối cùng: Bói Dịch! Cao trào truyện cũng là nút mở qua việc Vương tiên sinh chỉ bảo cho cách trừ trộm cắp bằng hành động mời người được miêu tả: “Cưỡi trên ngựa tốt/ Mặc áo vải săn/ Túi da tên thiếc/ Đích thị người thần”. Quan huyện theo lời, đúng ngày, đúng giờ đón được người như Vương tiên sinh chỉ bảo, mời về tiếp đãi rồi khẩn khoản trình bày ý định của mình. Trước sự nhiệt tình của quan huyện, chàng thợ săn ngại ngùng đang đêm trốn đi vì nghĩ mình không có tài trừ quỷ, không xứng đáng được hưởng sự tiếp đón nồng nhiệt ấy; bèn chờ đợi dân làng ngủ say, rón rén dắt ngựa trốn đi. Tình cờ và cũng là điều may của dân xứ này. Khi người thợ săn ấy ra đến cầu Tây của làng “trời còn tối lờ mờ, trăng khuya chưa mọc” anh ta phát hiện mấy người hình thể to lớn hớn hở đi từ phía đồng lên. Anh bèn ngồi rình, thấy họ thò tay khoắng xuống ao, bất cứ vớ được con cá to nhỏ nào đều đưa vào mồm nhai nuốt hết. Họ vừa khen về thức ăn trộm được: “Những con cá này ngon lắm (...) há chẳng hơn những thức hương hoa nhạt nhẽo họ thường dâng cúng chúng mình ư?” vừa than thở như sau: “Chúng mình thật to đầu mà dại, bấy lâu nay bị người đời chúng nó lừa dối, ai lại đem cái oản một vài lẻ gạo để lấp cái bụng nghìn cân mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ...”. Rồi lại rủ nhau đi ăn trộm mía vừa tước vừa hít... Người đi săn mới cài cung lắp tên, bắn trúng hai tên kẻ trộm!

Kết thúc truyện, là cảnh người dân lần theo dấu máu, phát hiện được đó chính là những pho tượng đất nung mà họ tin thờ bấy lâu nay, thổi vào đó niềm tin và tín ngưỡng... Nhưng, thành quả mà họ nhận được ấy lại là sự tham lam vô độ, bất chấp đói khổ của dân, miễn sao là chúng được hưởng thụ theo nhu cầu... Quá phẫn nộ, họ phá hủy tất cả các pho tượng.

Cuối cùng là lời bình của tác giả, xin không dẫn ra. Người viết bài này chỉ nêu suy ngẫm của mình khi đọc lại truyện: Nhân dân ta ngày xưa lấy đất bùn, gỗ tạo nên các pho tượng và thổi hồn vào đó bằng niềm sùng tín quá mức. Rồi từ sự ra đời của các pho tượng ấy là chùa chiền mọc lên nhan nhản lãng phí không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc, thậm chí làm mất đi cảnh đẹp sẵn có của thiên nhiên, đất nước. Kèm theo đó là biết bao nhiêu hệ lụy: “Đất của Vua” biến thành “chùa của Bụt” triều đình mất đi khoản tô thuế ruộng đồng, thanh niên trai tráng trốn việc quan đi ở chùa (trong truyện “hầu gần bằng nửa số dân”), nên họa mất nước của triều Trần mới xảy ra. Rồi, những chính những đối tượng mà họ đổ mồ hôi, nước mắt, tiền của để tạo nên và tôn thờ ấy lại là kẻ gây nên bao rắc rối, phiền nhiễu cho biết bao người!

Mặc dù được Nguyễn Dữ viết cách đây gần 500 năm, nhưng "Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều" vẫn còn mang hơi thở cuộc sống, là lời cảnh tỉnh cho bao thế hệ người Việt chúng ta hôm nay!

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-lai-chuyen-cai-chua-hoang-o-dong-trieu-trong-truyen-ky-man-luc-cua-nguyen-du-nghi-ve-hom-nay-a26485.html