Đọc “Những đứa trẻ nhặt mưa” của Trần Thị Hằng, NXB Hội Nhà văn 2023: Đời tri âm mấy người

Thơ Trần Thị Hằng khá xông xênh về mặt hình thức. Xông xênh ở cách ngắt câu, ngắt khổ. Xông xênh ở lối nói, lối viết. Xông xênh ở cách triển khai một bài thơ. Chính sự xông xênh này đã tạo ra tiết tấu, nhịp điệu riêng trong thơ và có lẽ chỉ riêng thuộc về Trần Thị Hằng.

b1a-tho1a-1690984085-1694838684-1694998805.jpg
Thơ “Những đứa trẻ nhặt mưa” của Trần Thị Hằng.

Ấy là nét đáng quý đầu tiên trong “Những đứa trẻ nhặt mưa” vừa xuất bản qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn vào tháng 8 năm 2023.

Nhưng điều ấy không có nghĩa gì, nếu như hình thức chỉ thuần tuý là hình thức, hình thức tách khỏi nội dung, hình thức không gắn với nội dung, chỉ còn là trò chơi của những con chữ. Và lúc ấy, mọi sự tìm tòi về mặt hình thức sẽ không có/còn giá trị gì.

May mắn thay, Trần Thị Hằng không lạm dụng hình thức để làm thơ hay làm thơ để trình diễn hình thức. Thơ của chị là một chỉnh thể, nhất quán và ở một chừng mực đáng kể, nó giống như nước nào thì sông ấy, cây nào thì rừng ấy vậy! Thơ ấy là thơ của cảm giác, kết nối của những cảm giác, gợi ra những khoảng trống đầy gợi mở, giúp người đọc buông bắt chỉ không buông bỏ.

“Hẹn” là ví dụ thứ nhất:

Sương bám đầy trên mái

Người về lợp lại chênh vênh

Tiếng thở ngày bụi bặm

Đêm thăm thẳm

Hẹn hò như bông lúa lép

Gốc rạ đồng chiều heo hút

Người bỏ quên.

“Thức” là ví dụthứ hai:

Không qua nổi một cơn đau


Mà tràn như sóng

Ta là cá ngày nước độc

Ta như cây ngày vỡ núi

Trời màu tím, đất màu hồng, nước tìm mây che mặt

Ai đã tin

Cành khô lửa nhập nhoà

Loài sen cuối, thức chờ tàn tạ.

“Lửa về cho em” là ví dụ thứ ba:

Sưởi căn phòng bằng nến

Sưởi tình yêu bằng hương

Không ấm được gió lùa khe cửa


Thắp

Sáng giọt sương đêm

Thở

Như gió vọng

Đừng cầm tay!

Phải bỏng

Đừng ôm!

Đau cả lúc cựa mình

Anh ngủ đi

Thì thầm

Ngày mai gió reo ngoài bãi

Mang lửa về cho em.

Nếu “Hẹn” là một lời trách cứ đáng yêu với những mong “Sương bám đầy trên mái/ Người về lợp lại chênh vênh”, “Thức” là một nỗi đau với nỗi dằn vặt không dứt “Loài sen cuối, thức chờ tàn tạ” thì “Lửa về cho em” lại thắp lên năng lượng mới nhờ “Sưởi căn phòng bằng nến/ Sưởi tình yêu bằng hương”.

Độc giả dễ nhận ra “ý tại ngôn ngoại” và “lời dừng nhưng ý chưa dừng” ở mấy bài thơ này. Đã thế, chữ nghĩa lại mới, ý tứ lại mới, cách nói lại tự nhiên.

Và còn nữa...

Tôi thích những chi tiết thơ rất khác và lạ, lại rất có tâm trạng của Trần Thị Hằng. Đó là “Cô độc nẩy mầm”, “Người đuối trên ao cạn” trong “Người đi qua”; “Người về lợp lại chênh vênh” trong “Hẹn”; “Nỗi buồn như lửa/ Nhen thôi cũng đã hết ngày” trong “Nỗi buồn như lửa”; “Như mầm cây một ngày ngán gió” trong “Thời gian”; “Rạc cả chiều đông” trong “Người về”; “Lật lại nỗi buồn” trong “Ai lật lại nỗi buồn”; “Cỏ cũng khát tự do”, “Đêm lạnh lưng người/ Ngày cằn lên mắt” trong “Mẹ”...

Bên cạnh đó, Trần Thị Hằng còn có những câu thơ rất đàn bà và phải là đàn bà mới có thể viết được. Nói cách khác thì đó là những trải nghiệm đàn bà. Đó là “Thấy mùi nước mắt/ Bước chân chạy khỏi bóng mình” trong “Xa lạ”.  Đó là “Em gom cánh hoa tình yêu anh tặng/ Để cành gai không vướng váy em” trong “Thương”...

Sau chót, không thể không nhắc đến “Người về” - một bài thơ đáng nhớ và cũng thật sâu sắc, cảm động mà Trần Thị Hằng viết để nhớ về nhà thơ Nguyễn Hồng Công. Bài thơ có một đoạn thật hay, đọc lên thấy thật thấm thía:

Người về nơi ấy

Có còn sen nở muộn

Hẹn hò

Rạc cả chiều đông

Tiễn nhau lần cuối

Đời tri âm mấy người.

Đặng Huy Giang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-nhung-dua-tre-nhat-mua-cua-tran-thi-hang-nxb-hoi-nha-van-2023-doi-tri-am-may-nguoi-a26446.html