Từ giới thiệu các sản phẩm thủ công đến năng lực số hóa: Cách Ấn Độ quảng bá hình ảnh tại G20 là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam

Tại nơi diễn ra thượng đỉnh G20, một khu chợ thủ công vừa giúp quảng bá giá trị truyền thống, vừa giúp tìm kiếm thêm thị trường mới cho các nghệ nhân. Gần khu chợ cũng có một không gian để Ấn Độ thể hiện năng lực công nghệ số nhằm tìm kiếm khách hàng mới, theo Nikkei Asia.

vn-36754748-1694485024.jpg
Nghệ nhân cao tuổi Avaz Mohammed tại Crafts Bazaar. Ảnh: Nikkei Asia.

Nhân dịp tổ chức thượng đỉnh G-20 vào cuối tuần qua, Ấn Độ đã giới thiệu nền ẩm thực phong phú, các nghệ nhân truyền thống và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến.

Đặc sắc giá trị truyền thống Ấn Độ

Tại trung tâm tổ chức thượng đỉnh G-20, nơi quy tụ các đại biểu và giới truyền thông, một khu chợ thủ công (Craft Bazaar) được dựng lên. Nơi đây trưng bày hàng dệt, thêu, tranh truyền thống và các sản phẩm khác từ khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ. Ngoài thời gian đưa tin, tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo, những người tới đây có thể khám phá một phần nền văn hóa Ấn Độ và dành một số tiền để mua quà lưu niệm.

Trước hội nghị thượng đỉnh, một tuyên bố chính thức từ đơn vị tổ chức cho biết Crafts Bazaar sẽ "không chỉ quảng bá các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ trên phạm vi toàn cầu mà còn mở ra các cơ hội kinh tế và thị trường mới cho các nghệ nhân địa phương".

Một nghệ nhân nổi tiếng tham dự sự kiện này là Avaz Mohammed, 76 tuổi, người làm đồ trang trí bằng "lac" - một loại hình nghệ thuật truyền thống cổ xưa của Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan phía tây bắc. Nhiều sản phẩm của ông, trong đó có những chiếc vòng tay và hoa tai lấp lánh đã thu hút rất nhiều đại biểu.

Tại Ấn Độ, các nghệ nhân thu thập "lac" - một hoạt chất tự nhiên do một loài côn trùng nhỏ cùng tên tiết ra trên cành cây, để chế biến làm đồ trang sức. "Lac" còn có một loạt các ứng dụng khác, chẳng hạn như làm lớp phủ bề mặt và cách điện.

Ông Mohammed thông tin với Nikkei Asia khi đang trình diễn trực tiếp cách làm một chiếc vòng tay: "Đây là công việc kinh doanh của gia đình chúng tôi". Ông cũng chia sẻ đã bắt đầu làm những món đồ từ "lac" khi còn là một thiếu niên: "Tôi đã có 60 năm làm nghề và tôi cũng dạy cho nhiều người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này".

Ông cho biết mình kiếm được tới 30.000 rupee (360 USD) mỗi tháng khi làm việc tại nhà.

Cecilia Silberberg, một đại biểu người Argentina, rất ấn tượng với công việc của ông Mohammed. "Tôi thực sự thích những chiếc vòng tay và đang mua một ít", bà nói khi chọn một bộ tám chiếc màu đỏ có giá hợp lý là 200 rupee.

Ngồi cách đó không xa là Lajwanti, 67 tuổi – người đã được trao tặng Padma Shri, một trong những danh hiệu dân sự cao quý nhất của Ấn Độ vào năm 2021. Bà trưng bày những chiếc khăn choàng và saree Phulkari thêu tay của mình. Phulkari là nghề thêu dân gian ở bang Punjab phía bắc. Bà học các kỹ thuật này từ bà ngoại khi mới 6 tuổi.

Bà Lajwanti cho biết: "Tôi cung cấp sản phẩm Phulkari của mình cho những người bán buôn, chủ yếu ở phía bắc Ấn Độ", đồng thời cho biết thêm rằng dù sức khỏe đã yếu nhiều nhưng bà vẫn giữ được niềm đam mê như thời thơ ấu. Những chiếc khăn choàng của bà được bán với giá tối thiểu là 1.000 rupee.

Một nghệ sĩ khác cũng giới thiệu tác phẩm của mình là Maji Khan Mutva, 34 tuổi, đến từ vùng Kutch phía tây bang Gujarat. Ông trưng bày những đồ trang trí trên tường bằng đất sét và gương. "Mỗi tác phẩm đều được tạo ra với rất nhiều kiên nhẫn và công sức," ông nói và giới thiệu nhiều thiết kế phức tạp được làm riêng cho thượng đỉnh G20.

Ông nói: "Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, không có nhiều đại biểu đến xem vì họ đều bận họp". Nhưng vào Chủ nhật, mọi người tới đông hơn hẳn.

Khu Craft Bazaar cũng giới thiệu nhiều quần áo, đồ dùng truyền thống và các hàng hóa khác từ Manipur, nơi bị xung đột tàn phá ở phía đông bắc.

Cho thế giới thấy diện mạo hiện đại mới

Ngoài việc cho thế giới thấy nghề thủ công truyền thống đa dạng của mình, Ấn Độ cũng tìm cách thể hiện họ là một nền kinh tế kỹ thuật số năng động và đang phát triển.

Một khu vực khác tại trung tâm hội nghị giới thiệu bảy sáng kiến triển khai cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Ấn Độ, đáng chú ý là việc hợp nhất các kênh thanh toán – một hệ thống chung sẽ được sử dụng để chuyển tiền trực tiếp giữa các tài khoản ngân hàng và DigiLocker, cho phép lưu giữ và truy cập vào giấy phép lái xe, chứng chỉ giáo dục và các tài liệu khác ở dạng số hóa. Nhiều đại biểu từ các quốc gia như Nhật Bản, Mexico và Australia đã đến thăm khu vực này vào thứ Bảy.

Muktesh K. Pardeshi, thư ký phụ trách hậu cần của Ban Thư ký G20 thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: "Trong nhiều năm, mọi người đã nghĩ về Ấn Độ là một quốc gia giàu truyền thống, một quốc gia tôn giáo, tâm linh. Chúng tôi muốn cho các đại biểu biết rằng Ấn Độ đang thay đổi. Trong khi vẫn giữ được di sản văn hóa của mình, chúng tôi cũng có diện mạo hiện đại và có công nghệ tiên tiến."

Một chi tiết đáng chú ý nữa trong hội nghị thượng đỉnh G-20 là rất nhiều món ăn Ấn Độ được cung cấp cho các đại biểu và nhà báo. Nhiều món cà ri và đặc sản khác được phục vụ theo kiểu tự chọn mỗi ngày. Khá nhiều trong số đó bao gồm kê, loại ngũ cốc được chính phủ Ấn Độ gọi là siêu thực phẩm chứa đầy chất dinh dưỡng. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2023 là "Năm quốc tế của hạt kê" theo đề xuất của Ấn Độ.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tu-gioi-thieu-cac-san-pham-thu-cong-den-nang-luc-so-hoa-cach-an-do-quang-ba-hinh-anh-tai-g20-la-kinh-nghiem-tot-cho-viet-nam-a26403.html