Ninh Bình bảo vệ môi trường Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long

Hiện nay đa dạng sinh học và môi trường Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tác động của cộng đồng.



 Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long - Nguồn: vietnamnet

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 90km về phía Nam. Nơi đây không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước mà nơi đây còn có các di tích văn hóa.

Vân Long là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nội địa đầu tiên ở Việt Nam với sự đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là loài Voọc Quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) - một loài đặc hữu của Việt Nam, là 1 trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Ngày 18/12/2010 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Vân Long là nơi có cá thể Voọc Quần đùi trắng sinh sống nhiều nhất. Ngoài ra phong cảnh tự nhiên ở Vân Long rất đẹp với những khối núi đá vôi đồ sộ được bao bọc xung quanh bởi vùng đất ngập nước là các con sông và một vùng hồ nông có thảm thực vật ngập nước.

Với diện tích gần 3000ha, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 32 hang động đẹp như: hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh, mỗi hang mang một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Hang dài 250m, cao 8m, rộng 10m, cấu tạo nửa chìm nửa nổi, trần hang là những vòm đá cao rủ xuống nhiều thạch nhũ lấp lánh, dáng hình kỳ lạ giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng, trong hang có rất nhiều cá trê, cá rô, cá chuối to….Trong số các hang động ở Vân Long, Thung Dơi có độ cao lớn nhất so với mặt đất (210m); hang có chiều rộng lớn nhất là hang Bóng (16m). Rồi các dãy núi với những cái tên nghe thật thú vị như: núi Nghiên, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào; hay núi Cô Tiên, núi Voi Dựng, núi Cánh Cổng, núi Mồ Côi...

Trong khu rừng Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam: kiềng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổi, sắng, bách bộ, mã tiền hoa tán. Động vật có 39 loài, có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng chiếm số lượng lớn nhất ở Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ... Trong các động vật bò sát có 9 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè... Ngoài ra, khu vực ngập nước Vân Long có loài cà cuống thuộc chân bơi, một loài côn trùng quý hiếm đã được đưa vào sách Đỏ.

Vào mùa khô, Vân Long là địa điểm trú đông của nhiều loài chim di cư từ phương bắc. Có tới hàng chục con gà lôi, diệc xám, hàng trăm con cò ngàng lớn, mồng két, và hàng nghìn con cò bợ, cò trắng, vạc tới kiếm ăn.

Đến đây, du khách sẽ được ngồi trên thuyền đi thăm non nước mây trời Vân Long. Hơn thế, du khách không thể không đến thăm cây thị 600 năm tuổi, thăm chùa Chi Lễ, đến chùa Mai Trung, đền thờ Lê Khả Lăng, đền Đức Thánh Nguyễn, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng, đền đức Thánh Ngọ, đền Thánh Mẫu thờ tứ vị Hồng Nương, thăm chùa Thanh Sơn Tự ở lưng chừng núi, chùa Tập Ninh, thăm bức tranh đá ở vách núi Mèo Cào...

Tuy nhiên, hiện nay đa dạng sinh học và môi trường nơi đây lại đang bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tác động của cộng đồng. Việc khai thác quá mức gỗ và củi là mối đe dọa chính đối với tính đa dạng sinh học và đã dẫn đến hầu hết rừng ở khu vực bị phá hủy. Khả năng tái sinh tự nhiên của thảm rừng cũng bị hạn chế nhiều do chăn thả dê trên các núi đá vôi, hoạt động khai thác đá cũng tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên nơi đây.

Nhận thức được nguy cơ cũng như những thuận lợi trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và để từng bước bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng triển khai thực hiện công tác xây dựng và quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Công tác điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH tại các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn cũng được các ngành chuyên môn quan tâm thực hiện. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã tiến hành điều tra thống kê danh mục các loài động, thực vật hệ trên cạn, lớp chim, lớp côn trùng, lớp cá. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long. Ninh Bình đã được các Tổ chức quốc tế như SIDA, SEMA, GEF... tạo điều kiện giúp đỡ thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn cộng đồng về nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ĐDSH như hỗ trợ nông dân xã Gia Vân xây dựng mô hình bảo vệ ĐDSH Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Dự án thí điểm xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 cấp địa phương tại Ninh Bình: tổ chức nhiều đợt hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cấp cộng đồng và nhiều chuyên đề về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước như “Xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long” với mục đích chính là xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên khu bảo tồn, đặc biệt là tài nguyên rừng, đất ngập nước; bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái và ĐDSH trong khu bảo tồn. Thông qua các chương trình hoạt động, tạo thêm việc làm, ổn định và phát triển kinh tế của nhân dân sống trong khu vực nhằm làm giảm sức ép vào khu bảo tồn thiên nhiên, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững khu bảo tồn...

Cùng với cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, rừng Cúc Phương..., Vân Long được mệnh danh là “vịnh Hạ Long cạn”. Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long nằm trong mục tiêu và định hướng của “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện công ước đa dạng sinh học và nghị định thư Cartagena về “An toàn sinh học” ban hành kèm Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg, nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngập nước; xây dựng năm khu đất ngập nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận khu Ramsar”.

Theo Di Sản Xanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ninh-binh-bao-ve-moi-truong-khu-bao-ton-thien-nhien-dat-ngap-nuoc-van-long-a2634.html