Chẳng giấu gì các bạn, tôi xuất thân từ nông dân thứ thiệt. Quê Ba Tri, tỉnh Bến Tre nơi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu yên nghỉ ấy. Nghèo lắm! Không biết trên dải đất này có nơi nào nghèo hơn quê tôi chăng? Nhưng lòng yêu nước, căm thù giặc thì ngùn ngụt bốc cao. Bởi vậy mà lớp chúng tôi nối gót các vị tiên hiền đi tham gia cứu nước khá sớm.
Tôi hăm hở vào đội thanh niên làm lực lượng công an xung phong từ tháng 8 năm 1946 lúc mới 19 tuổi - cái tuổi lửa trong tim rừng rực cháy. Nhiệm vụ là diệt ác, trừ gian, giữ yên xóm ấp. Khúc dạo đầu ấy thật ý nghĩa, bởi nó mở dần cánh cửa tâm hồn mình để nhìn ra thế giới bên ngoài. Chớ hồi đầu quanh quẩn quanh lũy tre làng đã biết gì đâu.
Sang năm 1947, gia nhập Vệ quốc đoàn. Khi thành lập Trung đoàn 99 do đồng chí Đồng Văn Cống chỉ huy. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển, đại đội chủ lực địa phương tỉnh ra đời, tôi được xung phong vào đây. Tuy hoạt động, đánh đấm chưa có gì nổi trội cho lắm. Song, sức mạnh tinh thần luôn luôn như bốc lửa. Trai nam nhi đất Việt thời nào cũng vậy - thật quý giá biết bao. Thấm thoát sáu - bảy năm đời lính đi qua thật chóng vánh.
Tháng 7 năm 1954, xuống tầu ra Bắc tập kết trên cương vị là Đại đội trưởng. Nghĩ thật tức cười, là Đại đội trưởng mà chưa có con chữ nào vào đầu cả, mặc dầu đánh giặc rất hăng hái. Lỗi này không phải tại mình, nhưng đã đến lúc cần suy nghĩ lắm rồi. Không khắc phục sớm sẽ trở thành có tội là điều thật khó tránh. Nhưng tổ chức còn lo hơn cả bản thân mình và tạo cho tôi tiến bộ cả trình độ văn hóa và năng lực chuyên môn.
Sau cải cách ruộng đất năm 1956, tôi được quân đội cho đi học văn hóa và đào tạo khóa 10 trường Sĩ quan lục quân. Tốt nghiệp, về nhận nhiệm vụ Cục Phòng vệ bờ biển (tiền thân của Quân chủng Hải quân sau này). Được trang bị thêm kiến thức, tôi thấy mình như chắp thêm đôi cánh đầy tự tin. Trên cương vị là Chính trị viên đại đội Bí thư chi bộ Đảng thực hiện nhiệm vụ vận tải biển. Ít lâu sau, chuyển sang làm trợ lý tổ chức của Cục Chính trị Hải Quân. Cuối năm 1965, đi học lớp tình báo vừa xong chương trình đại cương thì về Sư đoàn đặc công 305. Tôi đã từng tham gia tác chiến hình thức đặc công từ hồi chống Pháp, nhưng khi được trang bị thêm kiến thức mới, tôi thấy mình đã bị tụt hậu quá xa. Dù học tập chưa tới một năm mà có bước trưởng thành khá dài.
Tiếp đó về nhận nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đặc công 426 do đồng chí Nguyễn Cụ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân làm Trung đoàn trưởng. Nhớ lại thời kỳ tập huấn nghiệp vụ đặc công, tôi không thể nào quên được một sự kiện diễn ra đối với mình. Đó là khi thực hành huấn luyện, phía quân xanh (tượng trưng cho địch) có chó Béc giê đi tuần tra canh gác sục sạo. Còn quân đỏ là mình. Thế rồi một chú Béc giê to tướng xộc lại dùng chiếc mõm hít hít, dụi dụi khắp người tôi. Trước tình huống gay cấn ấy, vẫn nghiến răng nằm im coi như mình đã chết. Lúc ấy chỉ một cái rùng mình nhẹ là chúng xông vào bắt sống ngay và chấp nhận sự thất bại. Nhưng không! Tôi đã thấy trước sự chứng kiến của khách tham quan và càng tăng thêm niềm tin cho tất cả học viên mà trƣớc đó còn ngờ ngợ khi gặp tình huống tương tự. Thế là tư tưởng sợ chó nghiệp vụ của địch được giải tỏa phần nào. Sau thời gian huấn luyện, Đoàn 426 đổi phiên hiệu thành Đoàn 742 lên đường đi chiến đấu. Đó là vào năm 1966, khi Mỹ ồ ạt đưa không quân và hải quân ra đánh phá miền Bắc một cách quyết liệt.
Sau nhiều tháng hành quân vất vả, nhưng chiến trường thôi thúc giục giã, chúng tôi sớm tới đích với trang bị, vũ khí và quân số khá đông đủ. Điểm tập kết là suối Bà Chiêm, tỉnh Tây Ninh. Sau biên chế ổn định, chúng tôi về Z16 đơn vị hỗn hợp gồm đặc công và lính cơ giới trực thuộc Miền do anh Mai Văn Phúc Trưởng phòng, tôi làm Phó chính trị. Cuộc chiến tranh lan rộng, Mỹ ồ ạt đưa quân và tăng cường trang bị vũ khí, dồn dập vào miền Nam Việt Nam. Những chiến trường trọng điểm, trong đó địa bàn tỉnh Biên Hòa trở nên nóng bỏng.
Theo sự điều động của tổ chức, tôi dẫn đầu Tiểu đoàn 2 biên chế đầy đủ quân số, vũ khí xuống tăng cường cho đặc công Biên Hòa (U1). Đó là thời điểm năm 1966. Tiểu đoàn này do tôi trực tiếp làm Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy; anh Bảy Nguyệt Tiểu đoàn trưởng. Tới một chiến trường mới và trọng điểm, gần trung tâm cơ quan đầu não thủ phủ Sài Gòn nên địch bảo vệ hết sức cẩn mật. Tuy nhiên nhờ được huấn luyện bài bản trên miền Bắc, cán bộ chiến sĩ đã hiểu nhau. Khi đặt chân đến địa bàn mới lạ nhưng được số đặc công Biên Hòa bám trụ tại chỗ làm cơ sở, thông theo địa hình, địch tình nên rút ngắn được đáng kể thời gian tìm hiểu. Yếu tố ấy cực kỳ thuận lợi cần phải được khai thác, tận dụng.
Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 long trời, lở đất, Tiểu đoàn 2 chúng tôi tham gia tập kích vào sân bay Biên Hòa đã góp phần gây cho địch những tổn thất nặng nề. Điều quan trọng là mục tiêu xung yếu, canh chừng nghiêm ngặt tưởng chừng “bất khả xâm phạm”, vậy mà bị đối phương giáng trả đích đáng vào tận sào huyệt. Sau đợt 1 của chiến dịch, tôi được điều động làm Phó chính trị - kiêm Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội U1.
Vào giữa năm 1968 đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ U1, tôi được bầu vào Ban Chấp hành làm Tỉnh ủy viên. Thật may mắn và hạnh phúc không chỉ riêng đặc công, mà tất cả các quân binh chủng về hoạt động, chiến đấu trên quê hương Biên Hòa, đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo tỉnh và phối hợp hành động của lực lượng quân sự, chính trị địa phương. Năm 1970, Bộ Tư lệnh Miền điều động tôi làm Chủ nhiệm chính trị Đoàn đặc công 429 cho tới khi chiến dịch Nguyễn Huệ đầu tháng 4 năm 1972 thì tháng 6 năm ấy tôi trở lại chiến trường Biên Hòa trên cương vị Chính ủy Đoàn Đặc công 113. Nói đến bối cảnh ra đời, hoạt động chiến đấu, tình cảm gắn bó máu thịt với địa phƣơng thì các anh đã nói nhiều, xin phép không nhắc lại. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh để làm nổi bật ý nghĩa của các sự kiện. Khi Đoàn Đặc công 113 đặt chân lên chiến trường Biên Hòa, anh Trần Văn Trà lúc ấy là Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ đã điện cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn Đặc công 113 chúng tôi: “Dù trường hợp nào cũng phải đánh cho được tổng kho Long Bình! Không được dao động! Khi ta “cắt đứt được dạ dày” thì chúng nó nhất định sẽ phải ký Hiệp định Pa-ri”. Chúng tôi suy nghĩ rất sâu sắc từng chữ của bức điện. Nó không còn thuần túy con chữ đơn giản mà là chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, của Đảng. Cao hơn thế là yêu cầu của Tổ quốc, chúng tôi phải hành động rốt ráo, có hiệu quả dù bất kỳ trở ngại nào để góp phần chiến thắng với toàn dân tộc. Và kỳ diệu thay, chúng tôi đã làm được một cách rất xuất sắc.
Tôi xin nhắc lại đôi điều trước đó đồng chí Trần Văn Trà từng đánh giá về anh Nguyễn Thanh Tùng mà mình được chứng kiến. Ông nói: Anh chàng này đang làm cán bộ tiểu đoàn mà có những nhận định đánh giá về địch có khi còn sắc sảo hơn cả cán bộ trung đoàn. Nên đề bạt lên làm Phòng Đặc công là phải lắm.
Quả thật, từ Tiểu đoàn trưởng trinh sát 46 mặt trận, tổ chức đưa đón, bảo vệ cơ quan Bộ Chỉ huy chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn Miền, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì. Sau đó, được điều lên làm Phó phòng Đặc công Miền. Song tiếp đó, có những trận do anh trực tiếp chỉ huy như một cán bộ trung đoàn thực thụ đánh vào căn cứ Tếch Ních lần 1 và lần 2 diệt và làm bị thương hàng ngàn tên Mỹ, phá hủy rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của chúng. Sừng sỏ và thiện chiến như sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ, lần đầu tiên nếm trải thất bại trên chiến trường Việt Nam tại căn cứ Tếch Ních. Còn giai đoạn đầu trong cao trào chiến dịch Nguyễn Huệ anh đương là Phó tư lệnh Đoàn 429, sau khi chỉ huy tiểu đoàn đặc công đánh chiếm và tiêu diệt mấy trăm tên địch ở căn cứ Trảng Lớn. Tiếp đó, chỉ huy một lực lượng đặc công đánh chiếm căn cứ thông tin của Mỹ ở núi Bà Đen. Diệt nhiều tên, thu phương tiện,...
Giờ đây tôi lại được sát cánh với anh em để tổ chức đơn vị làm nên chiến công vang dội trên chiến trường Biên Hòa là điều mong muốn cháy bỏng của cấp trên, và sự nung nấu của chúng tôi và điều ấy đã tới. Đó là trận mở đầu bằng pháo ĐKB và H12 đêm mồng 8 tháng 8 năm 1972 vào phi trường Biên Hòa. Phá hủy 74 máy bay các loại của Mỹ, diệt nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Phá hủy hai đài điều không... Trong lúc chúng chưa hết bàng hoàng thì chỉ sau đó chưa tới một tuần, đêm 12 rạng 13 tháng 8 năm 1972, lực lượng đặc công trực tiếp đặt lượng nổ vào tổng kho Long Bình. Phá hủy trên 150.000 tấn bom, đạn, 200 tấn thuốc nổ, làm kinh hoàng lũ giặc, cả thầy lẫn tớ. Điều đặc biệt là không ở đâu an toàn đối với chúng. Chỉ sau đó ít lâu ngày 10 tháng 9 năm 1972 trận bão lửa lại diễn ra tại căn cứ không quân Biên Hòa, thiêu đốt 175 máy bay của chúng; phá hủy nghiêm trọng các thiết bị sân bay.
Hàng trăm nhân viên kỹ thuật và giặc lái phải đền tội. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ đi xâm lược nước ngoài. Những chiến thắng vang dội ấy nhƣ những đòn cân não đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ và sự ngoan cố của ngụy quyền Sài Gòn; Góp phần thúc đẩy chúng ký hiệp định Pa-ri, chịu thất bại cuốn cờ về nước sau 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lƣợc Việt Nam.
Sau khi có hiệp định Pa-ri, anh Chín Tùng lên nhận nhiệm vụ Sư đoàn phó đặc công 27, còn tôi - Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn này và cả hai chúng tôi xa Đoàn Đặc công 113 từ đó. Là một Chính ủy có mặt từ giai đoạn đầu thành lập. Tuy nhiên, khi tuyên bố thành lập đơn vị ở suối Bà Hào - Chiến khu Đ, tôi chưa về kịp. Lúc ấy anh Chín Tùng vừa là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Khi tôi có mặt đảm nhiệm Chính ủy và Bí thư Đảng ủy cho tới khi xa Trung đoàn. Để có những chiến công vang dội ấy, cùng với ý chí chiến đấu sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả của dân tộc của những người lính Trung đoàn. Đó còn là kết quả của sự gắn bó thủy chung giúp đỡ quý báu của Tỉnh ủy U1, cưu mang đùm bọc chí nghĩa chí tình của quân và dân tỉnh Biên Hòa, mà trực tiếp nhất là những nơi đơn vị đứng chân và hoạt động... Ghi lại những dòng này tôi không biết nói sao cho hết tấm lòng của mình đối với tình sâu, nghĩa nặng của nhân dân Biên Hòa đã dành cho tôi và đơn vị suốt chặng đường chiến đấu hôm qua, còn lưu giữ tới hôm nay và mãi mãi cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đặc công 113 anh hùng.
Đại tá Mai Văn Thoạn - Nguyên Chính ủy đầu tiên Đoàn Đặc công 113
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-cua-nguoi-chinh-uy-doan-dac-cong-113-voi-bien-hoa-dong-nai-a26321.html