Lào Cai: Độc Đáo Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tuyển ở huyện Bảo Yên

Lễ cấp sắc là tín ngưỡng dân gian có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân tộc Dao, chứa đựng nhiều yếu tố truyền thống, một hiện tượng văn hóa tổng hợp, bao gồm cả yếu tố tâm linh, văn hóa nghệ thuật thông qua nhiều loại hình dân ca, dân vũ, nhạc lễ... Sinh hoạt văn hóa độc đáo này đang được cộng đồng người Dao Tuyển ở huyện Bảo Yên – Lào Cai gìn giữ, bảo tồn phù hợp với đời sống mới.

1-1693527909-1693531825.jfif
Đây là hình ảnh cuối của buổi Lễ Cấp sắc - Có 2 nhân vật Kadoong cùng xuất hiện tiến hành thực hiện những nghi thức cuối cùng của buổi lễ, sau đó đón nhận những vật phẩm, tiền, gạo, muối… của những người đến tham dự lễ để về với cõi âm. Ảnh: Vũ Đạo

Bản sắc văn hóa đi cùng năm tháng

Có thể nói, dân tộc Dao là một trong những dân tộc có nhiều ngành, nhiều nhóm địa phương nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sự đa dạng đó đã làm nên tính phong phú trong văn hóa Dao cả về ngôn ngữ, trang phục và phong tục tập quán. Trong đó, cộng đồng Dao Tuyển ở Bảo Yên - Lào Cai là một nhóm địa phương thể hiện sự phong phú trong sắc thái văn hóa cộng đồng Dao Việt Nam nói chung và Dao Tuyển nói riêng.

Lễ cấp sắc (Lập tịch) của đồng bào người Dao mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo và hấp dẫn được lưu lại từ đời này sang đời khác đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Dao. Theo phong tục, người đàn ông dân tộc Dao nói chung và người Dao tuyển nói riêng phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Đàn ông người Dao sau thụ lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các hoạt động cúng lễ của tư gia cũng như cộng đồng.

2-1693527928-1693531898.jfif
Hai nhân vật Kadoong cùng xuất hiện diễn lại rất nhiều các tích trò mô tả lại các hoạt động lao động, sản xuất, săn bắt, hái lượm, cúng tế. Ảnh: Vũ Đạo

Trong cộng đồng người Dao đứa trẻ mới được sinh ra, cha mẹ dòng tộc đặt cho một cái tên, cái tên ấy gọi là tên dương (tên thường gọi). Từ 10 tuổi trở lên đến 16 tuổi, quãng thời gian này nếu là con trai thì phải làm lễ cấp sắc hay còn gọi là lấy thầy, đặt cho cái tên - tên đó gọi là tên âm. Tên đó được ghi vào gia phả tổ tiên dòng tộc mãi mãi. Để phân biệt lớp người nào? thế hệ nào? Người ta lấy tên đệm làm căn cứ. Ví dụ: đời ông có tên đệm là Kim, cha là đệm là Kinh, con đệm là Diệu, cháu đệm là Đạo, chắt đệm Nguyên,... được 6 đời thì quay lại từ đầu đệm là Kim. Bất kể người dòng họ ở đâu xa người ta có thể hỏi anh tên đệm gì là có thể phân biệt được anh, em, cha, chú,…

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 và tháng 1 âm lịch hằng năm. Gia đình có người được cấp sắc chọn ra 6 ông thầy có uy tín về văn nho, tượng trưng cho 2 đạo đó là đạo tam thanh và đạo tam nguyên.

3-1693530340-1693531945.jfif
Sau khi đứa bé rơi đài, những đệ tử của các thầy cúng đón xuống chiếc chăn, cuốn lại với ý nghĩa đứa bé như được sinh ra một lần nữa trong bào thai. Lúc này thầy cúng sẽ tiến hành đặt tên Âm, đóng dấu lên tờ sớ và gọi cha mẹ vào chứng kiến. Ảnh: Vũ Đạo

Theo như Thầy Hứa Văn Hẹc - Long Khánh - huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Lào Cai, lễ Cấp Sắc của người Dao Tuyển tuỳ vào từng đứa con, lợi vào tháng nào, năm nào thì làm vào thời điểm đó. Nếu giả sử cấp sắc cho cháu làm đám nhỏ thì không nhất thiết căn cứ theo cả bố mẹ năm lợi. Năm nay cháu 6 tuổi vẫn lợi, 7 tuổi vẫn lợi, chứ không cứ phải năm nào, thời gian nào tuỳ từng độ tuổi của con, lợi tháng nào mình cấp sắc tháng đấy.

“Dân tộc Dao thường cấp sắc chọn vào cuối năm, tháng 8 đến tháng 12, thậm chí sang năm tháng giêng, tháng hai, tầm đấy là phổ thông nhất. Ví dụ, cháu cấp sắc năm nay là năm lợi nếu tháng giêng, tháng hai mình không làm thì có thể làm tháng 8, 9, 10, 11 hoặc tháng 12 vẫn cúng bình thường. Giữa năm từ tháng 4, 5, 6, 7 người ta ít làm cấp sắc” - Thầy Hứa Văn Hẹc cho biết thêm.

03-1693527980-1693531989.jpg
Hình ảnh có đóng dấu trên tờ sớ mà thầy cúng đang cầm trên tay, là một trong những bằng chứng rất quan trọng chứng tỏ người được cấp sắc đã được các thầy làm lễ. Ảnh: Vũ Đạo

Đạo tam thanh có 3 thầy, thầy cả là Ngọc thanh, thầy 2 là Thượng thanh, thầy 3 là Thái thanh. Khi đứa con bái thầy Tam thanh làm sư phụ thì thầy có trách nhiệm dạy bảo đường đời, học chữ văn nho, học đường luật của thầy, nội quy của thầy. Đệ tử chỉ được học những điều tốt, điều hay của cuộc sống, có đạo đức, sống lương thiện, có ích cho cộng đồng, lên án những điều sai trái, những kẻ ác. Những điều cấm kỵ đối với đệ tử tam thanh là không được học điều ác, tà ma, lừa đảo, dâm phụ, bạc tình,…

Đệ tử phải theo thầy ăn chay niệm phật, tụng kinh ba buổi, tôi luyện bản thân, đền đáp công ơn cha mẹ đã sinh con ra, nuôi dạy con lớn khôn. Trong lễ cấp sắc người ta làm một buồng che kín bởi những tấm vải để tượng trưng cho “long hổ sơn” là nơi khổ luyện rèn đức, tài, đạo phật cho đệ tử. Bảy thầy trò nhảy vòng kim cương tám lần, tượng trưng cho đường đời đệ tử đi là gặp những gian nan, vất vả đệ tử đều phải vượt qua thì mới thành tài. Vượt qua mọi thử thách tại “long hổ sơn” thầy lập thông điệp “âm - dương” thông báo cho thiên hạ biết đệ tử đã rèn luyện trải qua bao khổ ải nay đã trưởng thành có đức, lương thiện. Thầy trao “dấu ấn’ cho đệ tử và đứa con đó trở thành đệ tử tam thanh được phép đi làm thầy cho người khác.

va-253463677-1693532103.jpg
Lúc này các thầy cúng sẽ gọi Cha - Mẹ đứa bé đến để chứng kiến là nghi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ảnh: Vũ Đạo

Một nghi lễ quan trọng ban đầu là cấp sắc Tam Nguyên - vị thần của người Dao. Các thầy thay y phục và đưa người được thụ lễ (gọi là trò) lên ngũ đài. Thầy chính thắp ba nén hương cầu cho trò được bình an, học hành thông minh, được trở thành thầy. Các thầy dẫn trò lên ngũ đài, mời các thần linh đến chứng kiến cấp sắc cho trò. Sau đó các thầy hạ trò từ trên ngũ đài xuống và từ lúc này học trò chính thức trở thành đệ tử của Tam Nguyên.

Sau khi báo cáo với các thần linh, tổ tiên rằng trò đã trở thành đệ tử của Tam Nguyên, các thầy thay y phục cho trò, đây là y phục của người đã được làm thầy và tiếp tục cấp sắc để trò thành đệ tử Tam Thanh.

va-2352346347347-1693532187.jpg
Những thầy cúng được chọn trong lễ cấp sắc là những người có uy tín trong cộng đồng, họ rất am hiểu và gìn giữ, phát triển văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: Vũ Đạo

Đạo tam nguyên gồm ba người: thầy cả là Thượng nguyên, thầy hai - Trung nguyên, thầy ba - Hạ nguyên. Khi đệ tử bái thầy làm sư phụ, ba thầy dẫn đệ tử đến bốn nơi khổ luyện. Nơi đó gọi là “Ngũ đài sơn”.

Trong lễ cấp sắc có một chiếc ghế cao khoảng 2m, đệ tử tam nguyên chèo và và ngồi lên. Thầy tam nguyên cho đệ tử rơi xuống từ chiếc ghế đó với ý nghĩa đệ tử rèn luyện trên “ngũ đài sơn”. Từ trên rơi xuống người ta gọi là khai sinh đệ tử đã khổ luyện thành tài, trở thành người lớn. Tại đây ba thầy viết thông điệp “hợp đồng” (âm - dương). Điệp âm thì đốt về quá khứ, điệp dương để lại đến khi qua đời thì chôn cất theo. Thông điệp có 10 điều lệ đệ tử luôn ghi nhớ trong lòng.

va-25234637-1693532280.jpg
Tham gia vào lễ cấp sắc của cộng đồng người Dao Tuyển tại khu vực này mới cảm nhận rõ nhất không khí linh thiêng trong những nghi thức mang ý nghĩa giáo dục của người Dao. Ngày nay rất nhiều thầy cúng trẻ đã tham gia vào việc bảo tồn, lưu giữ những phong tục tập quán của cha ông. Ảnh: Vũ Đạo

Với người Dao Tuyển lúc này khi đứa bé rơi đài là được khai sinh một lần nữa. Lúc này thầy cúng sẽ làm các nghi thức như đóng dấu lên một tờ giấy viết chữ Nôm Dao, Gọi cha mẹ đến chứng kiến, và đặc biệt là nhân vật Kadong lúc này có vai trò rất quan trọng khi đứa bé rơi đài.

Thầy Hứa Văn Hẹc - Long Khánh - huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Lào Cai cho biết: “Khi mình làm thủ tục rơi đài xuống, đứa cháu được cấp sắc, phải có dấu vuông, dấu của tập quán mình. Kể cả dân tộc Dao đỏ, Dao quần trắng, Dao tuyển này cũng phải dùng dấu như nhau. Dấu âm chứng kiến cho mình hợp đồng, có 2 sách, 4 quyển. Mình đốt hai quyển, ghép hai quyển với nhau đóng dấu. Sau đó đốt một cái về âm, một cái về dương để sau này đứa con về tuổi già, mất đi, đốt âm dương để chứng nhận, đóng dấu hợp đồng để chứng kiến âm với dương. Tên dương bình thường đứa trẻ sinh ra khoảng một tháng, một tuần hoặc có thể hai tuần đặt tên dương, khai sinh tên dương, tức là tên xã hội đấy. Tên âm thì sau này chết mới dùng đến”.

va-2523463467457478-1693532386.jpg
Lễ cấp sắc của người Dao áo dài ngày xưa diễn ra nhiều ngày liền, gây tốn kém cho gia chủ. Ngày nay việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, lễ cấp sắc của người Dao tuyển đã rút ngắn lại một nửa, nhưng vẫn giữ được toàn bộ ý nghĩa cũng như các nghi thức được cửa hành. Ảnh: Vũ Đạo

Riêng người Dao Tuyển, khi đứa bé rơi đài nhân vật Kaddong chỉ múa may xung quanh đó, xong rồi vào nhà.

Ngoài ra có những nhóm Dao như Dao Tuyển thuộc phương ngữ Mùn này thì lúc đứa bé ngã đài nhân vật Kaddong sẽ đến để cấp sắc cho đứa bé cùng với các ông thầy cúng đang làm lễ tại đó.

Thứ nhất thông báo với thiên địa biết mình chính thức là thành viên của đạo; Thứ hai ghi nhớ và làm theo quy luật của đạo; Thứ ba thách thức của Môn; Thứ tư những điều tối kỵ nhất đệ tử không được làm; Thứ năm ý thức của đệ tử; Thứ sáu kính phép - kính trên, nhường dưới; Thứ bảy trách nhiệm của người đệ tử; Thứ tám đệ tử phải sống lương thiện, luôn giúp đỡ cho người khác là người có ích cho xã hội xây dựng cộng đồng người Dao đoàn kết và gìn giữ bản sắc dân tộc; Thứ 9 giữ gìn kỷ cương phép môn; Thứ mười chặt hương, tắt đèn ăn thề với trời đất quyết không trái đạo.

Đến phần cuối lễ bảy thầy trò cùng nhảy vũ thuật với ý nghĩa trao đổi kiến thức cho đệ tử, kiểm tra xem đệ tử đã rèn luyện đạt chưa.

Mọi thách thức đã hoàn thành, sáu thầy trao thông điệp dương cho đệ tử: cẩm nang, chứng chỉ được phép làm thầy cho người khác. Dù khó khăn luôn nêu cao trách nhiệm giúp đỡ mọi người. Bảy thầy trò cùng bái tổ tông lưu tên mình vào trong gia phả. Từ đây, người con trai đó được công nhận đủ tuổi xây dựng gia đình, đủ tư cách và được phép lấy vợ.

Người Dao Tuyển, họ tự gọi mình là “Kìm Mùn” nghĩa là tộc người sống ở vùng rừng núi. Đối với người Dao Tuyển nếu một người đàn ông không được trải qua nghi lễ cấp sắc thì dù có cao tuổi đến mấy vẫn không được gọi là người đàn ông trưởng thành.

a1-256346367347-1693532465.jpg
Khác so với nhóm Dao Phương ngữ Miền, người Dao phương Mùn cấp sắc theo cấp Tam Thanh và Tam Nguyên. Ảnh: Vũ Đạo

Người Dao Tuyển Bảo Yên quan niệm rằng, con người khi trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái. Những chàng trai từ 10 tuổi trở lên được bố mẹ chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ.

Mỗi dòng họ lại chọn những ngày riêng để làm lễ, như họ Triệu chọn các ngày Dần, Mão; họ Đặng chọn ngày Dần... Lễ cấp sắc ở mỗi bậc cấp đều có những khác biệt nhất định trong trình tự hành lễ. Tuy nhiên, có 2 phần lễ chính là lễ Quá tăng (qua đèn) gồm các phần: trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu; lễ Thăng cấp gồm: lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình.

Sau khi chọn được ngày, gia đình phải chuẩn bị lợn, gà, giấy, hương, lương thực, rượu... để dùng trong ngày cấp sắc và nhờ đủ sáu thầy (bốn thầy chính, hai thầy phụ) để làm lễ.

a33-3675475478-1693532536.jpg
Thầy cúng dẫn theo đệ tử là người được cấp sắc cùng nhân vật Kadoong ra đài hành lễ. Ảnh: Vũ Đạo

Thầy Hứa Văn Hẹc - Long Khánh – huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Lào Cai cho biết: “Một lễ cấp sắc của người Dao Tuyển từ đám to, đám nhỏ, đám trung bình thì đều phải có sáu thầy, bốn thầy chính và hai thầy phụ, cấp sắc theo bậc thấp nhất. Giả sử đám to nhất, thầy và con thầy phải kiêng như nhau, gia đình chủ cũng phải kiêng ngủ với vợ, không được giao lưu với nhau, kể cả đưa bé được cấp sắc, có 6 thầy phải kiêng như nhau, gia đình bố mẹ kiêng như nhau. Có ba bậc, bậc thấp nhất là bảy ngày, bậc thứ hai là 14 ngày, bậc thứ ba là 21 ngày”.

Những thầy được chọn làm lễ đều là người biết chữ, có hiểu biết về trình tự buổi lễ và có uy tín trong làng. Đến giờ tốt, họ tiến hành lễ. Lễ cấp sắc của người Dao hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, đó là tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.

a-23523456346377-1693532598.jpg
Cậu bé khi được thầy dẫn ra sân hành lễ ngồi dưới trước đá chờ giờ đẹp. Bên cạnh đó là một mâm thầy cúng đã cử hành những nghi lễ xin âm dương, trong tiếng nhạc, tiếng xóc chuông liên hồi của nhân vật Kadoong. Ảnh: Vũ Đạo

Vào ngày lễ cấp sắc, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... mang nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày… được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên dòng họ thưởng thức. Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.

Ông Nguyễn Sĩ Hồng - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai, cho biết: “Thực hiện các Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, trong những năm qua Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã luôn tích cực, chủ động tham mưu cho UBND huyện tăng cường đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, nâng tầm các giá trị văn hóa trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thực hiện mục tiêu kép, gắn bảo tồn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

a-25234634673477-1693532670.jpg
Thầy cúng sẽ bước những bước đầu tiên đi lên đài hành lễ, rồi sau đó nhân vật được cấp sắc mới bước lên. Xung quanh dán những tờ sớ, lá bùa chữ Nôm dao mà các thầy cúng đã thực hiện. Ảnh: Vũ Đạo

“Trong kho tàng văn hóa các dân tộc ở Bảo Yên, nghi lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao được huyện xác định là một trong những nội dung quan trọng cần tập trung bảo tồn, phát huy. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, huyện Bảo Yên đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc” - Ông Nguyễn Sĩ Hồng chia sẻ.

14-1693528657-1693532732.jfif
Không khí xáo trộn bởi nhân vật Kadoong lúc này sẽ nhảy múa, tái hiện các hoạt động cuộc sống, lao động, tình yêu nam nữ, sinh con đẻ cái duy trì giống nòi, nhân vật Nam đóng giả nữ đội một chiếc ô và luôn được nhân vật đeo mặt nạ Kadoong bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Vũ Đạo

Sử dụng mặt nạ Kadoong trong khi hành lễ

Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển dùng sách trong buổi lễ là chủ đạo, còn người Dao Đỏ chủ yếu là dùng đèn. Mỗi vật dụng được sử dụng trong buổi lễ có khác nhau nhưng đều có một ý nghĩa tốt đẹp là soi sáng và hướng đến những điều may mắn cho người được thụ hưởng lễ cấp sắc.

Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, mặt nạ là vật thể không thể thiếu. Mặt nạ không đơn giản chỉ là một miếng gỗ được đục khoét tạo thành hình, mà còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị đặc biệt, đó là thể hiện sức mạnh của các vị thần.

Thầy Hứa Văn Hẹc - Long Khánh – huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Lào Cai cho biết: “Trong Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển có 3 bậc. Bậc to, bậc nhỏ và bậc trung bình. Mặt nạ Kadong chỉ đám to mới được dùng, bậc nhỏ nhất và bậc trung bình không phải dùng mặt nạ. Người Dao Tuyển, không phải cháu nào được cấp sắc là đều phải dùng mặt nạ Kadong, mà do gia đình tổ chức làm đám to mới dùng mặt nạ. Bậc to thì gia đình ngày xưa có truyền thống, từ đời các cụ, ông cha, tổ tiên của họ đã làm đám to thì bây giờ con cháu cấp sắc mới được làm to; còn những hộ gia đình từ các cụ hồi trước không được làm đám to thì bây giờ đời con cháu cũng không được làm đám to, phải tuân thủ theo dòng họ tổ tiên của mình từ xa xưa để lại, cho dù gia đình có điều kiện muốn làm đám to cũng không làm được”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường - Trưởng khoa Văn hoá và Dân tộc thiểu số - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì người Dao khi tiến hành lễ cấp sắc, thường có sự hiện diện của một nhân vật được hóa trang, đeo mặt nạ sừng - hay còn gọi là Ka đong. Đây là một nhân vật thần bí được cả cộng đồng người Dao tôn trọng. Sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt này được ví như sự hiện diện của thần thánh tham gia góp công sức vào sự thành bại của các nghi lễ.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường chia sẻ: “Theo bà con Dao Tuyển thì, nhân vật Ka đong được mời từ rừng về để tham gia lễ cấp sắc đến nghi thức ra đàn, ngã đàn, và chào đời đứa con mới của gia đình chủ lễ. Ka đong mặc bộ quần áo rách rưới, còn đeo theo một cái bị, một cái nỏ, đặc biệt có đeo một chiếc mặt nạ xấu xí. Trong quá trình di cư nhiều thú dữ, ác quỷ, ma quái và dịch bệnh làm hại người trong cộng đồng nên chiếc mặt nạ được làm như mặt của ma quỷ để ma quỷ không dám đến quấy rầy”.

15-1693528702-1693532784.jfif
Đây là những hình ảnh cuối cùng của buổi lễ sẽ có 2 nhân vật Kadoong ra làm lễ. Ảnh: Vũ Đạo

“Chiếc mặt nạ Ka đong được làm rất kỳ công, thậm chí hiện nay trong mỗi làng người Dao chỉ có một đến hai cái mặt nạ Ka đong với những điều kiêng kỵ, không phải ai cũng được tùy tiện động đến hoặc đeo vào mặt. Trước khi xuất hiện làm lễ thì người được lựa chọn để đeo mặt nạ Ka đong phải ở trong buồng và tuyệt đối không để ai nhìn thấy mặt. Tùy theo từng nhóm Dao mà người ta có thể sử dụng mặt nạ đẽo bằng gỗ, gồm nhiều bộ phận, như sừng, râu, tóc, giấy tre” - Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng Khoa Văn hoá và Dân tộc thiểu số - Trường  Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết thêm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao tại hội thảo về tết cổ truyền của một số dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức mới đây tại Lào Cai thì những chiếc mặt nạ của dân tộc Dao là một mảnh trong ký ức tập thể được truyền lại tự nhiên, từ thế hệ này qua thế khác. Mặt nạ được sử dụng chủ yếu trong nghi lễ cấp sắc, đây là nghi lễ vòng đời chính thức của cộng đồng dân tộc Dao, vì thế vật này rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Giáo sư Nguyễn Tri Ân, Đại học Bates, Mỹ chia sẻ: "Mặt nạ nghi lễ được tạo ra với nhiều hình thức khác nhau nhằm đại diện cho các vị thần linh, thần tôn giáo và dân tộc nên trở thành một phần di sản tinh thần của cả cộng đồng".

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những khúc gỗ được đục, đẽo, trạm khắc, tạo thành những chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống vị thánh, thần trong sách cổ người Dao. Mặt nạ khi được chế tác, tạo hình sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Các bộ phận trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng…, được cách điệu với đường nét hoang dã, phần nào thể hiện được tính cách, thần thái của nhân vật được tạo hình, thường có sự oai phong, tôn nghiêm như tính cách của các vị thần.

Mặt nạ nghi lễ của người Dao huyền bí, mê hoặc, chứa đựng nhiều ý nghĩa tôn giáo và bản sắc văn hóa. Nó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng nên cần phải được bảo tồn, trao truyền cho các thế hệ sau.

Ông Nguyễn Sĩ Hồng – Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai cho biết thêm, “Đối với nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, trước hết huyện đã tổ chức triển khai việc kiểm đếm, nghiên cứu và hệ thống hóa thành văn bản nhằm lưu giữ và làm tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng người Dao, nhất là thế hệ trẻ. Thứ hai, chỉ đạo xây dựng các đội văn nghệ dân gian đồng bào dân tộc Dao tại các xã có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã sân khấu hóa trích đoạn một số phần trong nghi lễ cấp sắc để biểu diện tại các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của huyện cũng như ở các xã. Thứ ba, đưa việc bảo tồn lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao vào kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bao dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến triển khai trong năm 2024)”.

Lễ Cấp sắc của người Dao Tuyển nói riêng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung là cái hồn riêng của mỗi dân tộc, cần phải được gìn giữ và phát huy. Đây được xem là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo cho một nền văn hóa phát triển lâu dài và bền vững không chỉ ở vùng dân tộc Bảo Yên mà của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

16-1-1693529171-1693532829.jfif
Lễ cấp sắc (Lập tịch) của đồng bào người Dao mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo và hấp dẫn được lưu lại từ đời này sang đời khác đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Dao

Đổi mới để thích ứng, nhưng phải bảo tồn và lưu giữ được bản sắc dân tộc

Lễ cấp sắc không chỉ là sự kết nối giữa không gian thiêng với không gian trần tục, giữa cõi thánh, thần với giới trần tục, mà quan trọng là sự kết nối giữa con người với con người, giữa người được cấp sắc với gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Họ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, cùng nhau góp sức chuẩn bị đủ lễ vật như gà, lợn, rượu, gạo nếp đến giúp nhau trong các khâu chuẩn bị đồ lễ.

Niềm vui được cộng đồng dân bản thể hiện qua ý thức và trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng tham gia vào khóa lễ. Mỗi người mỗi việc, tự giác chuẩn bị đồ lễ, giúp chủ nhà trong mọi việc mà không cần ai phải bảo ai. Tính cố kết cộng đồng bền chặt cũng được tỏ bày qua việc cùng nhau hướng tới việc giữ gìn đạo lý làm người, hướng tới việc thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Chính sự thay đổi về mặt đời sống kinh tế - xã hội đó đã kéo theo văn hóa của người Dao cũng có nhiều thay đổi. Làm thế nào để bảo tồn được các giá trị đích thực, khai thác thực hành các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc - đó là nỗi lo của nhiều người Dao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hoá và Dân tộc thiểu số - Trường  Đại học Văn hóa Hà Nội. Để bảo tồn được các giá trị đích thực, khai thác thực hành các giá trị văn hóa truyền thống chẳng hạn như: Lễ cấp sắc…vv và vv, trong đời sống văn hóa mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc - đó là nỗi lo của nhiều người Dao.

Đối với các cơ quan, chính quyền địa phương: Triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc biệt là tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”

Cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc về các giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống của các dân tộc thông qua các hoạt động cụ thể đối với các giá trị của di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc.

“Đối với người dân và cộng đồng: Cần được  sưu tầm, lưu truyền, trao đổi, giao lưu văn hóa với các bạn trong khu vực và trong cả nước

Cần hiểu và triển khai hoạt động hình thức bảo tồn động: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng người Dao, chú trọng khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, thông qua việc tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống, và tiếp tục thực hành các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện qua các: Lễ cấp sắc, đám cưới, đám tang trong cộng đồng.

Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, như: trưởng bản, trưởng họ, thầy cúng để tuyên truyền cho bà con hiểu và thấy được các giá trị văn hoá truyền thống của mình từ đó có ý thức trong vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá

Cần hình thành cho mỗi người dân trong cộng đồng Dao hiểu được các giá trị văn hoá tuyền thống của mình  để từ đó sẽ duy trì và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong bối cảnh biến đổi văn hoá hiện nay”. Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hoá và Dân tộc thiểu số - Trường  Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển ở Bảo Yên là một mỹ tục hướng con người đến chân - thiện - mỹ, là sinh hoạt gắn kết cộng đồng trong đời sống văn hóa truyền thống và hiện tại. Trải qua thời gian, lễ cấp sắc của người Dao Việt Nam nói chung và người Dao Tuyển ở Bảo Yên luôn biến đổi, thích ứng, phù hợp với đời sống hiện nay để tạo nên hơi thở mới, sức sống mới nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt sắc thái văn hóa dân tộc của cộng đồng người Dao.

Mộc Miên

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lao-cai-doc-dao-nghi-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-tuyen-o-huyen-bao-yen-a26318.html