Hệ thống Báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội Việt Nam, viết tắt là LHHVN) đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Đó là khẳng định của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Phan Xuân Dũng tại buổi gặp gỡ, chúc mừng các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí khoa học, công nghệ nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).
Đôi nét thực trạng Báo chí Liên hiệp Hội
Liên hiệp hội Việt Nam hiện có 70 cơ quan báo chí, trong đó do Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp quản lí một cơ quan báo chí (Báo Tri thức và Cuộc sống) và gián tiếp quản lý là 22 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức khoa học công nghệ (Viện), 47 cơ quan báo chí còn lại thuộc hội ngành toàn quốc quản lý.
Các cơ quan báo chí hiện nay của Liên hiệp hội Việt Nam đều phải thuê trụ sở, hoặc mượn của các cá nhân, tổ chức. Phần lớn các cơ quan báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam đều có văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố hoặc tại các khu vực mang tính vùng miền.
Đội ngũ cán bộ làm báo của Liên hiệp Hội Việt Nam, hầu hết phóng viên đạt trình độ đại học, nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS; nhiều cán bộ phóng viên được đào tạo ngành báo chí.
Do phải tự chủ tài chính trong bối cảnh kinh tế thị trường, báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam, nhất là tạp chí in, mà chưa có trang điện tử gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn thu từ tư vấn, tổ chức sự kiện, đặc biệt từ quảng cáo tiếp tục xu hướng bị suy giảm. Trong bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi không chỉ nâng cao trình độ cán bộ quản lý, tác nghiệp của phóng viên mà còn phải đầu tư trang thiết bị công nghệ 4.0, cạnh tranh thông tin theo hướng “nhanh, đúng, trúng, hấp dẫn” thì mới tồn tại và phát triển.
Vượt lên những khó khăn đó, báo chí trong hệ thống của Liên hiệp Hội Việt Nam đã được khẳng định, không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, giới thiệu các thành tựu khoa học, công nghệ mới của Việt Nam và thế giới, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN Việt Nam, thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu của công chúng cả nước. Báo chí của LHHVN luôn chấp hành các chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp Hội Việt Nam, hoạt động đúng tuân thủ tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Nhiều cơ quan báo chí có nhiều cố gắng bảo đảm được cân đối thu, chi tài chính, đảm bảo sự ổn định trong các hoạt động chuyên môn và đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Giải pháp xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả
Từ thực trang nêu trên, sự cần thiết phải có giải pháp xây dựng một chiến lược truyền thông tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam.
Giải pháp đầu tiên là phải xây dựng quy chế phối hợp giữa Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức thành viên trong chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí; Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí trong hệ thống, các cơ quan liên quan để ban hành và thực hiện...
Liên hiệp hội Việt Nam cần tổ chức việc đánh giá năng lực chủ quản của các Viện, của cơ quan báo chí thuộc Viện; nghiên cứu việc sắp xếp lại, chấn chỉnh hoạt động; rà soát tình trạng chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan báo chí và đề xuất hướng khắc phục...
Liên hiệp hội Việt Nam cần tổ chức hội nghị thông tin báo chí định kỳ và đột xuất khi cần thiết; tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề nâng cao hoạt động báo chí; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam.
Tăng cường vai trò cơ quan đầu mối của Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, xây dựng và định hướng hoạt động của câu lạc bộ báo chí của Liên hiệp hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam hoạt động.
Đặc trưng của nhiều cơ quan báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam là góp phần tham gia các hoạt động giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh này, tăng cường vai trò tự giác của đơn vị trong việc thông tin, báo cáo để Liên hiệp Hội Việt Nam có thể nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị, qua đó đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của Liên hiệp hội Việt Nam và của đất nước.
Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội Việt Nam cần từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về các tờ báo, kết nối thông tin, liên lạc, tăng cường mạng lưới trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị.
Kiến nghị
1/ Liên hiệp hội Việt Nam cần tiếp tục tổ chức gặp gỡ, thông tin về công tác báo chí định kỳ hàng quý một lần là rất cần thiết, giúp các cơ quan báo chí Liên hiệp hội Việt Nam có điều kiện để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình; Qua đó có những đề xuất, kiến nghị giúp hoạt động báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam diễn ra thuận lợi, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, nếu có những sự kiện “nóng” đột xuất đặc biệt quan trọng liên quan, Liên hiệp hội Việt Nam cần tổ chức gặp gỡ, định hướng thông tin cho báo chí trong hệ thống, nhất là trong bối cảnh “bùng nổ” thông tin, kịp thời đấu tranh với những thông tin sai trái, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
2/ Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức cần nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức Giải báo chí khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội tiêu biểu nhằm vinh danh cơ quan báo chí, tác giả, nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong hệ thống báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam.
3/ Liên hiệp hội Việt Nam hướng dẫn các cơ quan báo chí có thể tiếp cận các nguồn tài trợ, các dự án, doanh nghiệp... Hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, nguồn lực, tinh thần cho những đơn vị báo chí trọng điểm. Hỗ trợ các khóa tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nghề báo.
Vũ Xuân Bân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển