Dưới bóng... đền Bàu Lối (Kỳ I)

Trong bức tranh tổng hòa về du lịch Cửa Lò, du khách đã quá quen với một thị xã biển nên thơ, hữu tình. Có nắng, có gió. Có cả những con người làm nên địa danh nơi này. Và còn, vẫn còn một Cửa Lò “trầm tích”, được đùm bọc bởi những di tích, ôm ấp bởi những truyền thuyết, đã, đang và sẽ là niềm nhớ của du khách mỗi lần đặt chân đến.

20230826-2236251-1693066751.jpg
Đền Bàu Lối (Phường Nghi Thu, TX Cửa Lò) được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố vào năm 2012. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cửa Lò - Được đắp bồi bởi phù sa văn hóa

Nói đến văn hoá là nói đến những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ quan điểm rằng: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thế, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

20230826-2237191-1693066858.jpg
Xưa, đền còn có tên gọi khác là đền Thu Lũng (thuộc làng Kén ngày xưa)... Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo đó, di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại. Đây còn là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa. Là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. 

Thoáng nét vẽ biển cả, đền Bàu Lối (Nghi Thu, TX Cửa Lò) hiện ra với hết thảy khi hừng đông, lúc chạng vạng. Mang trong mình văn hóa của 700 - 750 năm trước, đền Bàu Lối “cõng nắng, gánh mưa” linh thiêng không vì tòa ngang, dãy dọc... mà trong tâm niệm người dân Cửa Lò, đền lớn lao, là nếp sống, nếp nhớ, nếp nghĩ muôn đời. 

20230826-223931-1693067008.jpg
Phía trên, mặt trước hạ điện nổi bật với bức cuốn thư có "lưỡng long triều nguyệt" uy nghi. Ở giữa cuốn thư đắp nổi 3 chữ Hán lớn ghép bằng mảnh sành: “thu - thủy - trường” với ý nghĩa "nước mùa Thu chảy mãi" khẳng định sự trường tồn của di tích... Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Bàu Lối là một trong những di tích tồn tại lâu bền, song hành với tiến trình phát triển của Cửa Lò. Là phù sa văn hóa đắp bồi nên khí chất, diện mạo của một thị xã biển năng động. Còn là di sản sống cho ai đem lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích. 

Xưa, đền còn có tên gọi khác là đền Thu Lũng (thuộc làng Kén ngày xưa). Cách đây khoảng 700 - 750 năm về trước, trong bia đá của Đền ghi lại: Trên một dải đất sa hoàng thuộc vùng duyên hải, các vị thần tổ, tổ tiên của 12 dòng họ “... Phùng, Hoàng, Lê, Nguyễn, Trần, Đinh, Bùi, Chế...” đã đặt chân đến, nhóm họp lại và lập ra làng Kén thời sơ khai.

20230826-224757-1693067366.jpg
Hạ điện đền Bàu Lối gồm 2 phần. Toàn bộ hệ thống tay đỡ nâng hiên của hạ điện được thay bằng các đường xà dài nối với 6 cột trụ. Các trụ khắc câu đối tạo thành 3 cửa chính ở mặt tiền. Phía trên, các chi tiết được xây đắp, trang trí kỳ công. Ảnh: Nguyễn Diệu

Từ đó, các hoạt động văn hóa xã hội, văn hóa tín ngượng tâm linh cũng từ đó hình thành và phát triển. Với tiềm thức tâm linh của mỗi người thì: “Thiên có thiên thần - Địa có địa linh”, nhân sinh do tổ, con người sinh ra và lớn lên được tạo bởi sinh khí của trời đất… Bởi thế, dân làng đã lập Đền thờ Thần chủ Cao Sơn, Cao Các Đại vương và phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Hậu thần Hoàng Khắc Dòng - người đã có công trong việc xây dựng và tôn tạo đền làng. Và thờ các vị thần tổ, tổ tiên của các dòng họ đã về làng khai hoang lập ấp.

Trong bài văn cúng tế còn lưu lại: “Kính viết. Hậu thiên thượng đế ngọc bệ hạ. Địa lý ngọc bệ hạ. Tam giới chư ôn thiên phú đại đế ngọc bệ hạ. Kim niên hành khiển thái tuế chi đức tôn thần vị tiền. Bán cánh thành hoàng gia tăng tôn chư mỹ trị chính thần trị hạ. Bản thôn hậu thần chư tịch gia tiên liệt vị tiền…”.

20230826-2238541-1693067555.jpg
z4639200978617-0a2e21eb09779bce9266699e512bed6b1-1693067743.jpg
Cùng với kiến trúc cổ kính, tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu quý như văn cúng cổ bằng chữ Hán, bia đá, hoành phi, câu đối… Ảnh: Nguyễn Diệu

Vào cuối thế kỷ XII (Triều Trần), Thượng tướng Trần Quang Khải và công chúa (con gái) đi thị sát vùng duyên hải. Thấy đền được dựng trên một vùng đất địa linh có hồ bán nguyệt phía bắc (sau lưng đền), hai bên đông - tây có 2 dòng sông uốn lượn quanh bao bọc một cồn đất rộng lớn, tựa thế thân rồng uốn lượn. Được mô tả qua 2 bức câu đối: 

“Thu thủy chảy mãi, thần linh sáng cùng nhật nguyệt
Lùng thôn đắc địa, miếu mạo còn mãi với non sông...”

Bởi sự linh thiêng của đền, năm Nhâm Ngọ (đời vua Tự Đức năm 1882), dân làng đã tự nguyện đóng góp sức người và tiền để tu sửa thượng điện. Sau đó, xây dựng thêm trung điện và được gắn một bức hoành phi màu đỏ có nội dung “Tối linh tự” có nghĩa là “Đền rất thiêng".

z4639364655769-311c7190c9a6571a25277ea22bfd068c-1693068095.jpg
Đền thờ Thần chủ Cao Sơn, Cao Các Đại vương; phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Hậu thần Hoàng Khắc Dòng và thờ các vị thần tổ, tổ tiên của các dòng họ đã về làng khai hoang lập ấp... Ảnh: Nguyễn Diệu

Đến năm 1925 (đời vua Khải Định), xây dựng thêm hạ điện. Năm 1941 (đời vua Bảo Đại), làng Thu Lũng lúc bấy giờ phát động nhân dân đóng góp tiền và huy động ngày công (bằng việc bán các chức sắc như chức Hương và chức Phó được 15.470 quan tiền) để tôn tạo lại cả 3 nhà Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Đồng thời xây dựng thêm 2 nhà 8 gian để hóa vàng và đốt bội, tạo nên một quần thể uy nghi, hoành tráng.

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/duoi-bong-den-bau-loi-ky-i-a26292.html