Độc đáo Lễ Ting Pêng của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Lễ Ting Pêng xuất phát từ quan niệm của người Xơ Đăng “Trả nợ thần linh - Một khi có của ăn, của để” là lúc phải thực hiện lời hứa trước thần linh.


 
Ảnh minh họa

Cư trú tập trung ở tỉnh Kon Tum, một số ít ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam, người Xơ Đăng có phong tục tập quán phong phú và đa dạng. Trong số các lễ cúng, lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng phải kể đến lễ Ting Peeng.

Ting Pêng được tổ chức  từ hai đến bốn ngày. Vật hiến tế trong lễ hội gồm: Trâu, dê, lợn, trâu… thường là vật cúng của chủ gia đình khá giả và con cái thành đạt, riêng làng chuẩn bị một con trâu lớn, kèm hai con heo lớn để cúng thần nhà Rông. Tất cả các con vật đều phải là con đực và mạnh khoẻ.  Việc chuẩn bị vật hiến sinh được thực hiện trước đó rất lâu, bởi hầu hết là vật nuôi trong nhà. Ngoài việc thông thường của các phụ nữ là lo về củi đốt, nồi niêu, ống lồ ô để nướng, rau rừng để làm món ăn, thì công việc quan trọng của nam giới là lo về dao và nỏ, đặc biệt là nỏ và tên, vì đây là công cụ chủ đạo có trong lễ Ting Pêng.

Về việc làng, tại nhà Rông, giàn trống thiêng được huy động để đánh suốt đêm trước ngày lễ chính, cư dân được huy động rào kín khu vực cư trú trong thời gian hai ngày không cho người lạ vào làng trong thời điểm diễn ra lễ hội - đây là một trong những tập tục của người Xơ Đăng  nhằm giữ gìn sự trong sạch đối với vật hiến tế, cảnh quan, môi trường và đặc biệt là con người khỏi những sự chung đụng, va chạm trong ngoài làng, quan hệ nam nữ khiến thần linh nỗi giận,… Vật hiến sinh được giữ gìn cẩn thận, tránh không cho người ngoài sờ tay vào, người lạ nhìn vào; người Xơ Đăng thường chọn một bãi đất cao ráo, vắng vẻ để làm bãi bắn súc vật.

Vào phần lễ, thường từ 8 giờ sáng, vật hiến sinh được đưa vào bãi bắn. Trâu làng được bắn trước, tiếp theo là hai trâu khác của hai gia đình trong làng và sau nữa là dê của các gia đình trong làng. Sau khi cột trâu, dê vào dây, mỗi gia đình đều có tên, nỏ riêng của gia đình mình. Ông chủ gia đình bắt đầu lắp tên bắn thử, sau đó là bắn thật. Việc bắn là một nghi thức quan trọng. Đó là các kiêng kỵ không để phật lòng Yàng mà mang tai họa cho gia đình mình.

Tại lễ cúng, ngoài bãi, Già làng (đối với làng) và các ông chủ gia đình mang tất cả các ống lồ ô thịt, lòng con vật đã nấu chín ra bãi bắn, nơi đã treo sẵn ống lô ô máu và đầu con vật. Các món có nước được đổ vào các cây pe, các món thịt nướng cột chặt vào khung keang, gan đặt lên mảnh lá trên cao. Già làng và các ông chủ lễ dùng hai bàn tay huơ lên các thức ăn, rồi cầm lấy ống lồ ô có huyết bôi lên khắp nơi, gọi tên các Yàng, tổ tiên và khấn. Sau đó, mọi người tập trung tại cột keang của làng, nhà nào về vị trí nhà ấy tiến hành lễ cúng y như thế.

Sau nghi thức là phần hội, tính cộng cảm thể hiện rõ trong văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng. Buổi chiều là buổi ăn uống cộng đồng vui chơi. Hoạt động thú vị nhất trong phần hội là bắn lá và đây cũng là hoạt động cuối cùng trong lễ Ting Pêng trước khi nhường chỗ cho  phần hội tiếp tục diễn ra tại nhà Rông.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-le-ting-peng-cua-nguoi-xo-dang-o-kon-tum-a2625.html