Nghệ An: Dâng hương tưởng niệm 82 năm ngày đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh

Ngày 19/8, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhân lễ giỗ lần thứ 82 (4/7/1941 - 4/7/2023 âm lịch) của bà.

30-09-2021-dong-chi-nguyen-thi-minh-khai-khi-phach-anh-hung-cua-nguoi-nu-dang-vien-cong-san-e80211a7-details-1664546583-1692463186.jpg
Chân dung đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Thời cuộc đẩy đưa ngời chiến sĩ...

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910, trong một gia đình viên chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thừa hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương xứ Nghệ, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai đã nặng lòng với nỗi khổ đau của những người lao động lầm than, đặc biệt là của những người phụ nữ làm công nhân tại Nhà máy diêm Bến Thủy, nơi không xa ngôi trường Tiểu học Cao Xuân Dục mà đồng chí theo học lúc thiếu thời.

Nguyễn Thị Minh Khai tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi và được tổ chức phân công làm công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở Vinh. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp, trở thành thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.

Năm 1931, đồng chí bị thực dân Anh cấu kết với thực dân Pháp và chính quyền phản động ở Quảng Châu bắt giam. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập đồng chí không hề bị khuất phục. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Đỏ, năm 1933 đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước.

z3763580808389-401e9f6dcfb94e530849a3a4be70a268-1664546497-1692463149.jpg
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (TP Vinh, Nghệ An)

Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong được cử đi dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Lần đầu tiên, với tên là Phan Lan, đồng chí đã đọc tham luận dõng dạc lên án chính sách xâm lược của thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của chúng, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương và phụ nữ Việt Nam. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tại Trường Đại học Phương Đông.

Con đường cách mạng lắm chông gai

Mùa xuân năm 1940, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng và duy nhất, đồng chí Minh Khai đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Lúc này, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng nông thôn Nam Bộ. Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, cơ sở Đảng ở ngã sáu Bình Đông bị lộ. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp, giam tại bót Catinat. Chúng đưa đồng chí Lê Hồng Phong về nhận mặt chị để hòng có chứng cứ kết án xử tử hình cả hai người về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng chúng đã thất bại vì hai chiến sĩ dũng cảm của nhân dân ta không nhận một điều gì kể cả mối quan hệ vợ chồng với nhau. Tra khảo không được, giặc Pháp đưa đồng chí vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

Sau 8 tháng giam cầm, tra tấn và dụ dỗ, ngày 21 tháng 1 năm 1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Minh Khai ra tòa án và kết án 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ. Ngày 11 tháng 3 năm 1941, Tòa án thượng thẩm Sài Gòn của địch lại nâng án lên 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ, 20 năm mất quyền công dân và phạt 1.100 đồng bạc Đông Dương. Ngày 25 tháng 3 năm 1941 và ngày 3 tháng 4 năm 1941, chúng lại đưa đồng chí ra tòa án binh Sài Gòn, xử tử hình đồng chí Minh Khai cùng các đồng chí khác bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với cái tội mà chúng bịa ra là “xui giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ chính phủ”.

ubrawgscjcyz4ngzexfmkegjv8z8mh1b4eh52lcx-1692463457.jpg
Các đại biểu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Công Kiên

Trong bức thư gửi về cho cha mẹ ngày 29 tháng 5 năm 1941, đồng chí viết: “Con xin thày đẻ đừng tủi nhục đau khổ rằng con bị kết án xử tử là phạm điều gì sát nhân, tội ác, xấu xa, dữ tợn như bọn chúng nói. Không, con không phải vậy đâu! Con không phải là đứa con bất hiếu. Con khi nào cũng là đứa con trong sạch, chính đáng, không bao giờ làm điều gì bất nhân hung dữ. Con đầy một tấm lòng nhân ái, minh chính”.

Sáng ngày 28 tháng 8 năm 1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn địch hung bạo đâm lưỡi lê vào ngực đồng chí. Các đồng chí chung quanh thét lên phản đối, tiếng hô căm phẫn trút lên đầu quân thù. Chúng sợ hãi vội đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí ra trường bắn.

Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ, nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.

Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Thi Minh Khai và các chiến sỹ cách mạng luôn sáng ngời để cho chúng ta học tập. Tên tuổi của Nguyễn Thị Minh Khai sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-dang-huong-tuong-niem-82-nam-ngay-dong-chi-nguyen-thi-minh-khai-hy-sinh-a26242.html