Phát biểu tại buổi lễ, bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM cho rằng, trong suốt 45 năm qua, Bảo tàng TPHCM không ngừng phát triển về quy mô cũng như phạm vi hoạt động mang tính tổng hợp về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của thành phố gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. Song song với việc chỉnh lý, thay đổi nội dung trưng bày, Bảo tàng tập trung đầu tư cho việc sưu tầm đặc biệt là những hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa minh chứng cho sự hình thành và phát triển của thành phố.
Đến nay, Bảo tàng TPHCM đã sưu tầm, lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 82.945 hiện vật gốc nghiên cứu và hình thành trên 113 bộ sưu tập hiện vật, trong đó có 20 bộ sưu tập hiện vật quý được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử, khoa học, kinh tế.
Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua tài liệu hiện vật, trong thời gian sắp tới, Bảo tàng TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới trong các mặt hoạt động, bổ sung trưng bày những vấn đề lịch sử văn hóa liên quan đến vùng đất Nam bộ, sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội gắn với đặc thù của TPHCM cũng như những vấn đề của cuộc sống đương đại; Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ trong bảo tàng, tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật,…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thuý, 45 năm qua, Bảo tàng TPHCM đã vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ”, một điểm đến ý nghĩa, nhân văn cho thế hệ trẻ tìm về, không chỉ với giá trị lịch sử và còn là những giá trị di sản văn hóa. Nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, cán bộ, viên chức của Bảo tàng luôn quan tâm giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với các cựu chiến binh, các cô chú lão thành cách mạng, các sở, ngành, các đơn vị để các hoạt động của bảo tàng đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của công chúng.
Trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố, Bảo tàng TPHCM sẽ ngày càng tạo được dấu ấn bản sắc riêng và hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành văn hóa, đáp lại niềm tin yêu và sự kỳ vọng mà lãnh đạo các cấp và nhân dân thành phố dành cho bảo tàng.
Tại chương trình, Bảo tàng TPHCM cũng tiếp nhận thêm nhiều hiện vật quý từ cá nhân và đơn vị. Dịp này, Bảo tàng TPHCM phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Dương khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ”. Chuyên đề với 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc giới thiệu đến công chúng về bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Pháp do Biệt động Sài Gòn đặt hàng,…
Đồng thời, chuyên đề góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam bộ. Chuyên đề mở cửa đón công chúng tại Bảo tàng TPHCM (số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1) đến hết tháng 12/2023.
Theo hcmcpv.org.vn