24/10/2014 11:08
24/10/2014 11:08
Ly kỳ chuyện “báo ứng” phá mộ, bẻ cong xác ướp nhét cho vừa tiểu sành
Những người tham gia cuộc "chôn cất" ấy đã bẻ gập chân thi hài ướp xác, bẻ quặt tay, gập đầu xuống để cố nhét cho vừa tiểu sành. Họ đặt tiểu sành vào mộ, rồi lấp đất lại. Nhưng sau đó...
Chuyện từng xảy ra ở làng Thụy Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên), kể về một cuộc phá mộ cổ của doanh nghiệp tư nhân X. vừa ly kỳ, bí ẩn, vừa gai người vì hành động coi thường giá trị văn hóa, khảo cổ.
Lẽ ra, chuyện phá mộ của doanh nghiệp nọ không ai biết, nếu không có… giấc mơ của ông Tuyên.
Mộ xác ướp
Chuyện bắt đầu từ việc ông Tuyên, người trông đình làng đi kể khắp làng rằng, ông đang dựa lưng vào cột đình ngủ gà ngủ gật, bỗng nghe rõ mồn một tiếng kêu than: “Cứu tao với, có người bẻ cong tay chân tao rồi”.
Ông Tuyên giật mình tỉnh giấc. Tiếng nói ấy vừa như mơ, mà lại không phải mơ. Cứ hư hư thực thực. Ông chạy khắp đình mà không tìm thấy ai.
Chuyện ông Tuyên có giấc mơ lạ đến tai ông S. ở làng cạnh. Ông S. nghĩ có điềm báo, sợ quá, liền báo với dân làng Thụy Trang rằng, chính ông là người đã bẻ cong chân, tay, đầu của một xác ướp được cho là của ông Quận, để nhét cho vừa tiểu sành.
Người dân trong làng thường gọi ngôi mộ cổ của làng là mộ ông Quận. Ông là một quan võ, tước quận công, còn tên là gì thì không biết.
Sau khi làm cái việc khủng khiếp đó, ông S. không ngủ được. Đêm nào cũng vậy, cứ nhắm mắt vào là như có người dựng dậy.
Chiếc hài mà người nằm trong mộ sử dụng dài quá đầu gối một thanh niên cao 1,7m.
Ông S. là người chuyên đi bốc mộ thuê, nhưng đó là lần đầu tiên ông bị ám ảnh khủng khiếp như vậy, nên đã báo cáo với dân làng, mong được hối lỗi.
Ông S kể lại sự việc như sau: Cuối tháng 11.2007 (âm lịch), ông chủ doanh nghiệp X., tên là K. thuê ông S. cùng hàng chục người khác phá ngôi mộ cổ nằm giữa khu đất của doanh nghiệp.
Người cuốc, người xẻng, người búa chim, xà beng bổ liên tục, nhưng khối hợp chất gồm mật mía, vỏ ngao sò nghiền, vôi, bột đá vẫn không hề suy suyển, sứt mẻ.
Quần áo bó xác ướp mà người dân thu giữ
Thấy phá thủ công không được, người ta liền dùng máy khoan để phá. Những chiếc máy khoan nổ chói tai cả đêm mới bật tung được nắp mộ, làm lộ ra quan tài phủ sơn ta đỏ au.
Ngôi mộ tròn mà doanh nghiệp X. táng nhồi nhét xác ướp. Sau đó, doanh nghiệp này phải quật mộ chôn lại xác ướp cho đàng hoàng hơn.
Chiếc quan tài rất lớn nằm khít trong bể bê tông. Bể bê tông này là một bức tường dày đến nửa mét. Bể xây kín đến nỗi không khí cũng không thể ra vào được. Chiếc quan tài nằm khít trong bể, nên dùng xà beng không thể nạy lên. Người ta phải dùng máy khoan vài lỗ trên nắp quan tài, rồi luồn dây thép vào, máy cẩu nhấc quan tài lên.
Sau đó, vì sợ hãi, doanh nghiệp nọ đã cho người phá mộ tròn, chôn xác ướp bằng quan tài dưới ngôi mộ này
Khi quan tài bật nắp, mùi tinh dầu ngọc am lan tỏa khắp nơi, không hề có mùi thi thể người chết. Những ngày đó, dân mấy làng quanh vùng đều ngửi thấy mùi ngọc am. Thậm chí người tham gia giao thông trên quốc lộ 39 vẫn ngửi thấy mùi ngọc am thơm phức. Tuy nhiên, không ai biết rằng, mùi ngọc am đó bắt nguồn từ ngôi mộ cổ.
Hai chú chó gác cổng lăng mộ ông Quận nằm giữa cánh đồng.
Trong quan tài là thi hài một cụ ông, cao khoảng 1,60m. Mọi người đều giật mình khi thấy thi hài còn nguyên vẹn như mới được chôn. Râu, tóc, lông mày vẫn còn nguyên. Da dẻ vẫn mềm mại, hồng hào.
Thi hài được quấn bằng rất nhiều quần áo, chăn, gối và chân đi đôi hài cao đến đầu gối còn mới nguyên. Thi thể ngập trong bể tinh dầu màu nâu, đặc sánh.
Trông cảnh ấy ai cũng hoảng, nhưng ý nghĩ trong quan tài có nhiều vàng bạc, châu báu, đồ cổ, nên nỗi sợ tan biến đâu mất. Những người tham gia phá mộ mò mẫm khắp nơi, đùng dao, kéo cắt hết quần áo của thi hài để tìm châu báu. Tuy nhiên, họ chỉ kiếm được mấy món đồ lặt vặt.
Xác ông Quận được mang ra cánh đồng cách làng Thụy Trang 3 km và táng trong một ngôi mộ tròn đã được ông chủ doanh nghiệp này xây sẵn.
Tượng đá, ngựa đá ở mộ ông Quận bị cụt đầu.
Tuy nhiên, bể mộ xây để chứa xương cốt, mà thi hài vẫn còn nguyên vẹn, nên những người tham gia chôn cất đã bẻ gập chân thi hài ông Quận lên, bẻ quặt tay, gập đầu xuống để nhét cho vừa tiểu sành. Họ đặt tiểu sành vào mộ, rồi lấp đất lại.
Theo lời kể của ông S., sau hôm phá mộ, nhét xác ướp vào chiếc tiểu sành, ông và ông chủ doanh nghiệp cùng tất cả những người tham gia phá mộ, đem thi hài ông Quận ra cánh đồng chôn đều không ngủ được.
Đêm nào cũng vậy, cứ nhắm mắt vào là như có người dựng dậy. Hoảng quá, ông chủ doanh nghiệp X. phải thuê người phá ngôi mộ tròn, bới xác lên, rồi mua một chiếc quan tài trị giá 2 triệu đồng và mua một khoảnh ruộng của người dân trị giá 1 triệu đồng để chôn lại thi hài của ông Quận.
Khi bị nhân dân tố cáo, bị UBND xã gọi lên, ông chủ doanh nghiệp X. mới chỉ chỗ chôn ông Quận ở ngoài cánh đồng, cách làng hơn 3km. Lúc đó, dân làng mới biết người ta phá mộ ông Quận, rồi đêm hôm bí mật táng ông ra cách đồng làng khác với mục đích thủ tiêu chứng cứ.
Giữa cánh đồng mênh mông, mộ một vị quận công từng thét ra lửa, khi chết, có cả một khu lăng thờ rộng hàng chục mẫu, thi thể được ướp để giữ lại cho ngàn đời sau, nhưng sau cuộc phá mộ này bị nằm lè tè giữa ruộng ngập nước.
Ngay cạnh đó, có một ngôi mộ tròn mới bị đập. Điều này hoàn toàn khớp với lời kể của ông S. và ông Tr., những người tham gia đào bới ngôi mộ, chôn xác ướp ra cánh đồng.
Ông Tr., ở làng Trai Trang kể thêm: “Tôi là người chuyên bốc mả thuê và hủy đồ của người chết trong xã. Tôi được người ta thuê để làm việc này. Chính tay tôi cùng một số người khác dùng dao, kéo rạch quần áo, hài của ông Quận.
Tôi được giao nhiệm vụ mang đống quần áo, chăn, gối đi tiêu hủy. Thấy bộ áo quan đẹp, tôi xin nhưng họ không cho, họ đòi 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi trừ luôn tiền công mang quần áo đi tiêu hủy là 300 ngàn, nên tôi chỉ còn phải trả cho họ 700 ngàn đồng.
Nhưng tôi không đem quần áo, chăn gối của ông Quận đi đốt mà ném luôn xuống một cái mương cách làng vài trăm mét. Sau đó người dân làng Thụy Trang đã mang những bộ quần áo này về cất giữ”.
Theo Dân Việt
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ly-ky-chuyen-bao-ung-pha-mo-be-cong-xac-uop-nhet-cho-vua-tieu-sanh-a262.html