Phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố ngày càng hiệu quả
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng cho hay, thực hiện Nghị quyết số 23, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 45 ngày 23/12/2008 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết phù hợp tình hình thực tiễn, đưa văn học, nghệ thuật của thành phố phát triển đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó, công tác phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua việc: Thành phố đã tạo được môi trường văn học, nghệ thuật năng động, sáng tạo và vô cùng phong phú, với hơn 5.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động tại thành phố; cùng với hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật và 9 hội chuyên ngành, các trường chuyên ngành văn học, nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, hệ thống rạp chiếu phim và công ty tổ chức các sự kiện, nghệ thuật...; nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng các danh hiệu, giải thưởng nhà nước cao quý, là nguồn tài nguyên văn học, nghệ thuật quý giá mà thành phố có được.
Thành phố đã tạo ra rất nhiều tác phẩm từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... với những đề tài đa dạng để lại ấn tượng; các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, văn nghệ ngày càng bắt kịp xu thế, đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, nhất là giới trẻ; phong trào văn nghệ quần chúng tại thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư; cổ vũ, động viên nhân dân sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Để công tác phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố ngày càng hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật; nâng cao trách nhiệm quản lý trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định, công bố, biểu diễn, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật; đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kinh phí cho phát triển văn học nghệ thuật; tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; rà soát, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng của các đơn vị nghệ thuật, các trường đào tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài đối với các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật để bổ sung nguồn giáo viên, giảng viên chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị cần xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới; khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ Thành phố thâm nhập thực tế, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân; quan tâm chăm lo, đầu tư hơn nữa đến văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố một cách toàn diện về số lượng, chất lượng, bảo đảm các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố và các Hội văn học nghệ thuật cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần yêu nước, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố; luôn lắng nghe, thấu hiểu, phản ánh kịp thời những sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, những tâm tư, mong ước của nhân dân, đem hết tâm huyết của mình sáng tạo những tác phẩm lớn, ngang tầm với sự phát triển của thành phố; tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật, các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tập trung giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Trước đó, phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một phương thức hữu hiệu để TPHCM góp phần hiện đại hóa lĩnh vực văn hóa, dẫn đến sự ra đời các mô hình kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, gắn với sự năng động, sáng tạo, đổi mới; kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Qua đó, nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt và khắc phục để tham mưu việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Theo hcmcpv.org.vn