Cùng với tượng Phật A Di Đà thời Lý hiện vẫn được thờ tại Thượng điện chùa Phật Tích, tượng Quan Âm nghìn mắt nghin tay là bức tượng thứ 2 tại tỉnh Bắc Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tượng được thờ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Bút Tháp nổi tiếng là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp tại miền Đồng bằng Bắc Bộ. Theo sách Địa chí Hà Bắc thì Chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông ( 1258 – 1278). Đến thế kỷ thứ XVII, dưới sự trụ trì của hòa thượng Chuyết Chuyết, ngôi chùa ngày càng được biết đến nhiều hơn. Hiện nay, Chùa Bút Tháp là một trong số ít những ngôi chùa ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn lối kiến trúc sơ khai, đây cũng là địa chỉ hành hương mà các Phật tử từ khắp các tỉnh/thành trên cả nước tìm về mỗi dịp lễ hội đầu năm. Không chỉ có kiến trúc đẹp và cảnh quan yên bình, chùa Bút Tháp còn là địa điểm lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc phật giáo có giá trị, tiêu biểu trong số đó phải kể đến bức tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt.
Tìm hiểu nguồn gốc và tác giả của pho tượng cổ độc đáo này, được biết trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện kể rằng: Năm 1647, nghệ nhân họ Trương được Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc triệu vào cung, giao trọng trách tạo một tượng Phật Bà vừa thể hiện triết lý sâu xa nhà Phật vừa thể hiện tài trí của người phụ nữ. Tiếp nhận ý chỉ, người nghệ nhân đã xin Hoàng Thái hậu cho về nghiên cứu. Sau đúng chín tháng ẩn mình nơi rừng sâu, hang đá sau, nghệ nhân họ Trương trở về trong bộ dạng râu tóc bù xù, da bọc xương nhưng đôi mắt sáng quắc và dâng lên Hoàng Thái hậu bản phác thảo Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Cầm bản phác thảo, Hoàng Thái hậu đã như thấy Phật hiện trước mặt, vô cùng sung sướng ban lệnh làm ngay. Liêu tục trong 9 năm ròng lao động miệt mài, nghệ nhân họ Trương cùng với cộng sự là những thợ mộc tài hoa, thợ sơn lành nghề bậc nhất thời đó và những nhà giả thị dày kinh nghiệm đã hoàn thành tuyệt phẩm Phật Bà nghìn mắt nghìn tay.
Bảo vật quốc gia hiện đang được thờ tại chùa Bút Tháp tỉnh Bắc Ninh
Dựa vào những dòng chữ khắc trên bệ tượng: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” và “Nam Đông giao, thọ nam, Trương tiên sinh phụng khắc”, các nhà nghiên cứu đã dịch và đoán định: Pho tượng do nghệ nhân họ Trương Thọ sáng tạo và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Thân (1656). Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay được tạo tác và cấu thành bởi bốn bộ phận gồm: Tượng; Đài sen; Bệ tượng và vành tay phụ phía sau.
Tượng có chiều cao gồm cả phần bệ là 3,7 m, ngang 2,1m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm, tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 958 tay dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm.
Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội với dáng hành đạo, thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung. Tượng Quan Âm hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định; các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; những tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật). Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt mi dài, đen láy, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.
Đến nay, trong dân gian vẫn truyền miệng nhau câu chuyện: Ngày thiền sư Minh Hành cử hành nghi lễ hô thần nhập tượng, trời thu trong xanh, xuất hiện những vì sao lấp lánh ban ngày, hương thơm ngạt ngào, trong thinh không nghe như tiếng nhạc du dương. Và từ đó, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đã trở thành tuyệt phẩm của muôn đời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958. Và chính thức trở thành Bảo vật Quốc gia tháng 10 năm 2012.
Không chỉ là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo thông thường, bức tượng còn chứa đựng nhiều triết lý sâu xa của nhà Phật. Bên cạnh đó đây là tác phẩm điêu khắc đạt tới trình độ đỉnh cao về mặt mỹ thuật và là minh chứng rõ nét cho sự tài hoa của những người thợ thủ công Việt Nam.
Và phiên bản được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Theo Cinet