Ấn tượng ban đầu…
Chúng tôi có mặt tại không gian văn hoá của dân tộc Cơ Tu trong Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đúng vào lúc bà con đang trang trí nhà Gươl cũng như chuẩn bị các đồ dụng vật dụng cho các hoạt động lễ hội tổ chức tại đây. Kể từ khi không gian làng Cơ Tu được hoàn thành, đây là lần đầu tiên có đông đồng bào về “nhận đất, nhận nhà” mình tại Hà Nội.
Các chàng trai Cơ Tu được lựa chọn để trang trí cây nêu và không gian nhà Gươl để chuẩn bị cho Lễ mừng nhà Gươl mới. Ảnh: Hà Tuấn
Khi được hỏi cảm xúc ban đầu đặt chân đến Hà Nội, đến Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con ai cũng xúc động. Bởi từ các xã nghèo Tây Giang muốn ra được tới Thủ đô, bà con phải di chuyển bằng xe ô tô mất gần hai ngày đường. Chính vì vậy, khi ra tới Hà Nội, niềm xúc động như dâng trào, nhất là khi được biết người Cơ Tu mình cũng có một ngôi làng ở Thủ đô.
Cô gái trẻ ATrế hào hứng cho biết: “Em không biết nói gì hơn, chỉ gói gọn trong một chữ: Đẹp!” Hà Nội rất đẹp! Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng rất đẹp! Và làng của người Cơ Tu cũng vậy, rất đẹp! “Mặc dù đã được các anh lãnh đạo trong đoàn thông báo từ trước về việc ra Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhưng vẫn bất ngờ lắm, không thể tin là có một làng Cơ Tu “hoành tráng” như thế này ở Hà Nội”, ATrế cho biết thêm.
Già làng Bh’Riu Pố tuy đã 66 tuổi nhưng vẫn tham gia rất tích cực trong điệu múa tân tung ya yá. Ảnh: Hà Tuấn
Trước câu hỏi này, mắt già làng Bh’Riu Pố ánh lên niềm vui. Rồi già nói liền một mạch. Giọng nói đầy phấn chấn: “Nói chung là rất mừng. Thấy khung cảnh của làng Cơ Tu trong Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam rất rộng, lại có cả màu sắc của 54 dân tộc cùng ở đây thật là đẹp! Theo Đảng, theo Bác Hồ, theo Cách mạng đã lâu, nay nhờ có Đảng, có Bác Hồ mới có ngày hôm nay; đồng bào Cơ Tu mới có ngôi làng của mình ở Hà Nội. Kể cả Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam này, nếu không có sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ thì cũng không thể có được một công trình như thế, để 45 dân tộc anh em có thể hội tụ về đây. Điều này càng khẳng định câu nói của Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”
Những lễ hội truyền thống đặc sắc
Trong những ngày ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Cơ Tu sẽ tổ chức, tái hiện nhiều hoạt động lễ hội, ẩm thực phong phú, độc đáo để giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của người Cơ Tu, góp phần thiết thực kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và Ngày Truyền thông của Ngành Văn hoá (28/8).
Các chàng trai, cô gái Cơ Tu làm say lòng người trong điệu múa tân tung ya yá. Ảnh: Hà Tuấn
Anh Lăng A Rấy, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện Tây Giang (Trưởng đoàn) cho biết, là lần đầu tiên bà con Cơ Tu ra Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, do vậy sẽ không thể thiếu Lễ mừng nhà Gươi (Langtơrí) bởi nhà Gươl có vai trò rất lớn trong đời sống của đồng bào Cơ Tu; nếu chưa có nhà Gươl, đồng nghĩa với cả làng chưa có nhà. Bên cạnh đó, đồng bào Cơ Tu cũng sẽ tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc mình với những dấu ấn văn hoá riêng để giới thiệu tới du khách khi đến với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Cũng theo anh Lăng A Rấy, ngoài việc tái hiện lại những lễ hội đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng cũng như đời người, trong chuyến về “Ngôi nhà chung” lần này, đồng bào cũng sẽ giới thiệu văn hoá ẩm thực dân tộc Cơ Tu với những món ăn độc đáo như: cơm lam, bánh sườn trâu, thịt khô, măng rừng… hay như những đặc sản quý hiếm: sâm giang linh, đẳng sâm, ba kích, tr’đin, mật nhân, khúc khắc, lim xanh… Cùng với đó là nhiều hoạt động giới thiệu văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc của người Cơ Tu: dân ca dân vũ truyền thống, nghề thủ công truyền thống, giới thiệu nhạc cụ dân tộc Cơ Tu…
Du khách đến với Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam có dịp được thưởng lãm những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Hà Tuấn
Như để khẳng định điều anh Lăng A Rấy vừa nói, các chàng trai, cô gái Cơ Tu với những động tác uyển chuyển nhưng cũng rất dũng mãnh trong điệu múa mừng lúa mới (tân tung ya yá), làm say lòng người như muốn níu bước chân du khách. Những hoạt động của đồng bào Cơ Tu tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam hy vọng rằng sẽ như những đoá hoa thơm dâng lên Đảng, lên Bác Hồ và mừng “ngày sinh nhật” lần thứ 70 của đất nước!
Theo Làng Việt