Huyện A Lưới, TT Huế: Dự án thì “treo", người dân thì mòn mỏi chờ nước sạch

Đến nay, gần 500 hộ dân vẫn phải sử dụng nước sông, suối nhiễm bẩn, nước rót về từ các khe đục cạn cho sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù, ai cũng ý thức nguồn nước đã vơi cạn và không còn sạch nữa...



“Có cái cột rồi mà nước không chịu “rỉ” ra nên hằng ngày tụi cháu vẫn phải gánh nước sông về để nấu ăn”, cháu Hồ Văn Hoàng (trong ảnh) 14 tuổi, nói.

Trong nhờ, đục chịu...

Vào những tháng mùa khô, sông Đá Kroong (chiều rộng 40m) chạy qua địa phận xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (TT - Huế) thường khô cạn sát đáy. Tận mắt chứng kiến người dân xã Hồng Thủy lấy nước sông đục ngầu để rửa ráy và nấu ăn cũng như tắm giặt trên dòng sông khiến tôi không khỏi “rung mình” và tin rằng đây chính là “nguồn” cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày của họ. 

Những rác rưởi, tro cám từ máy xát lúa, nước thải sinh hoạt... người ta đều tuôn xuống sông. Đoạn sông tại khu vực xã Hồng Thủy còn hứng thêm chất thải gia súc, gia cầm. Đó là còn chưa kể nước từ các bãi khai thác vàng, từ cánh đồng chạy xuống mang theo thủy ngân, chất độc tàn dư của các loại phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Quỳnh Va (làng Pi reh A net), nói: “Từ trước đến nay từ tắm giặt, nấu nướng bà con đều lấy nước sông dùng vì nước trong và mát lắm. Song mấy mùa rẫy đi qua, tắm sông tự dưng ngứa ngáy, cuối tháng 7 vừa rồi, nhiều người ra nhặt cá chết trôi sông thì có đoàn về kiểm tra kêu không được ăn, họ bảo chất độc  hại do công ty khai thác vàng ở Quảng Trị thải...”. Nói rồi ông cúi xuống múc nước vẩn đục hả hê dội vào người để “giải” cơn nóng oi ả.


Anh Hồ Văn Toàng, Trưởng thôn Pi reh thở dài, nói: “Hầu hết dân ở đây đều lấy nước sông ô nhiễm sử dụng. Bữa trước mình cũng hay ra sông tắm và bắn cá lắm. Nhưng gần đây mình không dám ra nữa. Mỗi lần tắm sông là từng cục thịt nổi lên khắp người, ngứa không chịu nổi à”. Có mặt tại suối Li Leng (làng La Ngà), những đứa trẻ tắm vội, hục mặt xuống dòng suối đỏ ngầu. Được biết, nước suối là nguồn cung cấp cho đồng ruộng và sinh hoạt của nhiều hộ dân sống dọc con suối này. Ông Hồ Văn Phanh, Trưởng thôn La Ngà lắc đầu ngán ngẩm: “Thôn gần 100 hộ dân thì trên 80 hộ không có nước sinh hoạt phải “cam chịu” dùng nước suối Li Leng để rửa ráy hay tắm giặt... nhiều lần ý kiến lên cấp trên về tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhưng mấy năm nay vẫn không có động tĩnh gì hết cả”.

Đã 4 giờ chiều, những người dân bản La Ngà vây quanh cái ống dẫn nước nhỏ xíu, đợi đến lượt mà hứng về nấu ăn. Chị Kăn Dế đang ngồi đợi, than phiền: “Nước suối hầu như ngày nào cũng đục đục tắm rửa xong là ngứa khắp người à. Bà con khó khăn lắm mới “bắt” con nước về để cả làng dùng chung nhưng nước khe bây giờ cũng cạn dần rồi. Nên cứ “xếp hàng”, ai tới trước được hứng trước, mà cũng chỉ đủ để nấu ăn thôi à”. Tôi hỏi: “Sao bà con không  làm giếng bơm để sử dụng cho tiện lợi?”. Ông Phanh, chép miệng: “Không phải nhà nào cũng làm được. Nghe nói, khoan giếng tốn hơn chục triệu đồng, tiền ăn chưa có đủ lấy đâu ra mà khoan giếng. Trước đây, cũng có nhà tự đào giếng nhưng mà đến mùa khô lại cạn, còn trời mưa thì vẩn đục nên bỏ không dùng giếng nữa”.

Bạc mặt chờ nước sạch

Ông Hoàng Văn Diệu, Chủ tịch MTTQVN xã Hồng Thủy cho biết: “Cả xã là hơn 700 hộ dân, trong đó có khoảng 500 hộ chưa được tiếp cận nước hợp vệ sinh dùng cho sinh hoạt. Muốn  mang nước sạch về cho người dân cần rất nhiều vốn, trong khi nguồn kinh phí của xã thì quá hạn hẹp nên để triển khai được không phải chuyện một sớm một chiều”. 

Theo người dân xã Hồng Thủy, năm 2009 có dự án mang nước sạch được triển khai nhưng sử dụng được một thời gian ngắn rồi “đắp chiếu”. Từ đó đến nay, ở đây luôn tồn tại tình trạng nước sạch không “chịu về”, chỉ trơ trơ những cái cột nước xây xong rồi... hoang phế, nhường lại cho cỏ dại mọc um tùm, vòi nước bị hoen ghỉ hoặc bị người dân đập phá, mà như họ bảo thì “phá cho dễ coi”?!.

Anh Quỳnh Tú, Trưởng thôn Pe Tru, nói: “Ở đây một thời gian cán bộ có đi coi con nước có “rỉ” ra không, rồi sau đó là ngừng và... hết. Chỉ những hộ ở vùng thấp mới có nước về”. Còn bà Kăn Hùng, làng Pe Kêr II thì than thở: “Từ ngày đầu họ xây chắc cái cột còn nước một giọt cũng không có “rỉ” ra. Cán bộ về bảo sẽ có sớm nước sạch cho bà con, song chờ mãi chả thấy đâu. Mấy mùa rồi, nhà tôi đều phải đi gánh nước nhà hàng xóm về nấu ăn. Còn tắm giặt, rứa ráy thì ra sông đục cạn hết à”. Chuyện dân bản tự mò tìm tới những dòng sông, suối ô nhiễm, vơi cạn để sử dụng nhiều năm nay ở Hồng Thủy không còn là chuyện lạ nữa. Trừ những hộ có điều kiện tự đầu tư “bắt” nước về. “Nhà mình đầu tư 30 triệu đồng tiền thuê họ khoan cái giếng nước, phải mất hơn 1 tuần mò khoan mới “bắt” con nước lên. Không có nước uống, nhiều hộ trong bản đều đến xin gánh nước nhà mình về dùng”, chị Kăn Ku Trí (La Ngà) cho biết.


Qua tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, trừ làng Pâr Ay (khu tái định cư) và 87 hộ làng Pi reh II có sử dụng nước của dự án ổn định, còn lại gần như toàn bộ xã Hồng Thủy hoặc là người dân tự “sản xuất” nước hoặc cam chịu sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Nhiều năm nay, những gương mặt phờ phạc của dân bản Pa Cô đói khát mòn mỏi chờ đợi nước sạch đến bạc mặt, song vẫn như trời hạn trông mưa. Ước mơ có nước sử dụng cho sinh hoạt của dân bản bấy lâu nay tưởng chừng như trong cái nắm tay ấy, xem ra lại xa vời và vơi cạn dần theo thời gian. Dân bản sẽ còn phải cam chịu sử dụng nước ô nhiễm thêm dài dài nếu như dự án vẫn... cứ bỏ, xếp một bên. 
 
Nguyễn Đức Nhơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-a-luoi-tt-hue-du-an-thi-treo-nguoi-dan-thi-mon-moi-cho-nuoc-sach-a2603.html