Nghệ An: Kỷ niệm 124 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn

Ngày 29/6, tại Khu mộ và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn, huyện Nam Đàn đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn - Chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng (29/6/1899 - 29/6/2023).

20140430075633000000-lehongson-1656481595-1688049752.jpg
Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899 - 1933) - Chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng

Người chiến sỹ cộng sản kiên trung

Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan), sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa). 34 năm cuộc đời, Lê Hồng Sơn đã giành 13 năm cho cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi, kiên cường cho đến phút chót. 

Sinh ra trong thời khắc bi hùng của lịch sử dân tộc: thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Bắc Kỳ, Kinh thành Huế thất thủ, phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ “Cần Vương phục quốc” của Phan Đình Phùng vừa bị dập tắt trong máu và nước mắt. Quê hương Nam Đàn đã trở thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước và sục sôi với phong trào Đông Du.

Không khí của làn sóng yêu nước những năm đầu thế kỷ XX đã tác động vào tâm trí Lê Văn Phan, thôi thúc đồng chí sớm xác định cho mình một hướng đi đúng đắn. Năm 1920, theo tiếng gọi của Phong trào Đông Du và Hội Duy Tân do cụ Phan Bội Châu thành lập, Lê Văn Phan đã từ giã gia đình, bạn bè, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan (một cơ sở yêu nước của người Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng), Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn.

anh-1-mac-niem-lai638236341319582749-1688049859.jpg

anh-3-thap-huong-lai638236337128332787-1688049736.jpg
Lãnh đạo huyện Nam Đàn dâng hương tại đài tưởng niệm nhà cách mạng Lê Hồng Sơn

Năm 1921 Lê Hồng Sơn cùng Phan Bội Châu sang Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động. Năm 1922, được tổ chức phân công, Lê Hồng Sơn đã dùng súng ngắn trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc. Năm 1923, cùng với Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí khác như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lưu Quốc Long, Trương Vân Lĩnh... lập ra “Tâm Tâm xã” (một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước trong những năm 20 thế kỉ 20). Ngày 19/6/1924 đựơc Tâm Tâm xã giao trách nhiệm, Lê Hồng Sơn đã giúp sức cho Phạm Hồng Thái ném tạc đạn ám sát Méc - Lanh - tên Toàn quyền Đông Dương, khi tên này tới dự tiệc ở khách sạn Victoria tại Sa Diện (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc).

Tháng 3/1925, Lê Hồng Sơn được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học khóa đầu tiên tại trường Quân sự Hoàng Phố. Đồng chí còn là một trong những thành viên của nhóm Cộng sản Đoàn - hạt nhân của tổ chức Đảng Cộng sản sau này. Lê Hồng Sơn cùng Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ “Thanh niên”, tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ và là ủy viên “chưởng ấn” (người giữ con dấu) của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” -  một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập.

Năm 1927, khi lực lượng phản cách mạng làm đảo chính ở Quảng Châu, các thành viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đều bị liên lụy, Lê Hồng Sơn và một số đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuối năm 1927, trước sự phản đối của dư luận, chính quyền Tưởng Giới Thạch buộc phải thả Lê Hồng Sơn cùng các đồng chí. Sau đó, Lê Hồng Sơn đến Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đựơc Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ củng cố cơ quan Tổng bộ Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ.

anh-thai-dang-huong-lai638236339637615608-1688049907.jpg
anh-6-nha-tho-lai638236338555072565-1688049931.jpg
Các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với Cách mạng Việt Nam

Năm 1929, phong trào công nhân trong nước phát triển, ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lê Hồng Sơn thuộc tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí là một trong những người đã tích cực vận động hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản duy nhất. Sau khi Đảng được thành lập, Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông. Cuối năm 1931, Lê Hồng Sơn bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam lần thứ 2, nhờ sự can thiệp của cụ Hồ Ngọc Lãm, Lê Hồng Sơn được ra tù nhưng không được ở lại Trung Quốc. Rời Trung Quốc, Lê Hồng Sơn qua Miến Điện, Thái Lan, cuối cùng bí mật trở lại Thượng Hải để tiếp tục nhiệm vụ.

Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1932, Lê Hồng Sơn một lần nữa bị nhà chức trách Thượng Hải bắt giam, ngày 25/9/1932, đồng chí bị chuyển cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương quản thúc và xử lý, đưa về giam ở nhà lao Vinh. Biết Lê Hồng Sơn là người đã trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc, là người cùng nhóm Tâm Tâm xã với Phạm Hồng Thái (đã mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc - Lanh), nên đồng chí đã bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Ngày 20/2/1933, bọn Thực dân Phong kiến đã đưa đồng chí Lê Hồng Sơn về xử bắn tại Chợ Tro, làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). 

Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn; đồng thời tuyên truyền, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới sáng tạo, hy sinh, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-ky-niem-124-nam-ngay-sinh-dong-chi-le-hong-son-a25894.html