Từ thực trạng văn hóa du lịch ở Cửa Lò
Ngày 02/12/ 2022, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò ban hành Chỉ thị số 04 - CT/ThU về “đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò”. Trong đó mạnh dạn chỉ ra rằng: Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng, vẫn còn tính thời vụ; Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; Công tác quản lý nhà nước về du lịch có những bất cập; Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; Công tác xã hội hóa trong hoạt động du lịch còn khó khăn... Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch vẫn còn những hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa được siết chặt, đặc biệt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý đưa hoạt động xe điện 4 bánh, mô tô nước, hàng rong, ăn xin, tổ chức trò chơi giải trí và tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định trên địa bàn. Việc ngư dân dùng thuyền thúng chở du khách ngắm cảnh, câu mực đêm vẫn diễn ra. Nhận thức của một bộ phận người lái xe điện chưa cao, vẫn còn tình trạng nâng giá ăn chênh lệch,... Do quy hoạch hạ tầng du lịch biển Cửa Lò không quy hoạch bãi tập kết xử lý rác thải nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý rác thải xây dựng còn gặp nhiều khó khăn.
Để đánh giá khách quan mức độ thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Cửa Lò, tác giả thiết kế và phát 100 phiếu điều tra bằng bảng hỏi trực tiếp cho 100 khách khách du lịch đến Cửa Lò trong tháng 5/2023. Số phiếu thu về 100 phiếu. Nội dung gồm “5 Không” (Không nâng ép giá; Không chèo kéo đeo bám khách; Không tẩm quất, bán hàng rong; Không làm tổn hại môi trường; Không làm mất an ninh, trật tự) và “3 Có” (Hạ tầng du lịch hiện đại; Môi trường du lịch văn minh; Con người Du lịch mến khách), với 5 mức độ (1- rất tốt; 2- tốt; 3- trung bình; 4- kém; 5- rất kém). Thông tin từ phiếu điều tra được nhập và xử lý bằng phần mềm microsoft excel. Kết quả như sau:
Đến giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa du lịch ở Cửa Lò
Căn cứ vào kết quả khảo sát ở trên, tác giả đề xuất một số gải pháp như sau:
Thứ nhất, có 42% du khách cho rằng vẫn còn trình trạng nâng ép giá. Giá phòng nghỉ có thể ổn định nhưng ăn uống thường xuyên thay đổi. Mặc dù các nhà hàng đã có bảng niêm yết giá nhưng giá cả lại không giống nhau giữa các nhà hàng, thậm chí giữa các ngày trong tuần của cùng một nhà hàng. Lý do mà nhà hàng đưa ra là do giá đầu vào không ổn định, tức “cơm có bữa, chợ có phiên”. Đó là chưa kể việc kiểm soát cân của các nhà hàng. Các nhà hàng có thể hạ giá nhưng lại không đủ trọng lượng sản phẩm. Cân của nhà hàng có thể chính xác nhưng khai báo với khách hàng tăng trọng lượng, hoặc bớt số lượng, thay đổi sản phẩm trước và trong khi chế biến...
Thị xã cần yêu cầu cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước và pháp luật trong hoạt động kinh doanh, thực hiện đúng các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá. Tuyệt đối không được tùy tiện tăng giá ép khách mua, sử dụng dịch vụ combo (trừ các chương trình khuyến mãi, giảm giá theo quy định), bán theo định mức trái quy định của pháp luật, găm giữ dịch vụ, gây sốt giá bán với giá cao để trục lợi; không bắt tay, hoặc để cho các đối tượng đầu cơ găm phòng đẩy giá dịch vụ lên cao so với giá bán của cơ sở để thu lợi bất chính từ khách du lịch; không được quảng cáo sai sự thật đối với chất lượng dịch vụ hiện có của mình. Các cơ quan chức năng Thị xã cần xây dựng mức giá trần và giá sàn, đồng thời kiểm tra đột xuất các nhà hàng, khách sạn, có chế tài xử phạt nghiêm, nếu tái phạm lần thứ hai có thể tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông.
Thứ hai, 19% du khách cho rằng vẫn còn hiện tượng chèo kéo đeo bám khách. Các nhà hàng vẫn cho nhân viên đứng dưới lòng đường vẫy mời khách, rất nguy hiểm, tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà hàng và tạo sự khó chịu đối với du khách. Các xe điện chạy theo khách mời đi mua sắm, dịch vụ để vừa lấy tiền chở, vừa lấy hoa hồng của các cơ sở dịch vụ, bán hàng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, thậm chí đóng vai du khách để phát hiện, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Trên mỗi xe điện đều phải gắn số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh khi tài xế vi phạm.
Thứ ba, 14% du khách cho rằng vẫn còn tình trạng bán hàng rong dọc một số tuyến đường. Do vậy, các đội quy tắc trật tự của các phường có kinh doanh dịch vụ du lịch cần tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đưa họ vào các khu chợ tập trung để kinh doanh. Ngoài ra, cần có giải pháp “mạnh tay” xử lý tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách tại các địa điểm mua sắm.
Thứ tư, Bên cạnh 86% du khách đánh gia cao về môi trường sinh thái thì vẫn còn 14% du khách chưa hài lòng. Do quy hoạch hạ tầng du lịch biển Cửa Lò không có bãi tập kết xử lý rác thải nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý rác thải xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng, đổ rác thải xây dựng của các tổ chức cá nhân trong quá trình xây dựng công trình, xây dựng nhà ở chưa được kiểm soát triệt để và xử lý nghiêm nên vẫn còn tình trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Rác thải sinh hoạt trong khu dân cư tại các địa điểm chờ đôi lúc chưa được thu gom triệt để. Là đô thị du lịch biển, Thị xã Cửa Lò cần quan tâm đầu tư hơn cho việc bảo đảm vệ sinh môi trường xanh- sạch đẹp, trong đó nên đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng miễn phí tại các bãi tắm, tuyến đường trung tâm... Bố trí hợp lý các thùng rác công cộng ở những nơi phù hợp với các kiểu dáng đẹp, bắt mắt mang tính trang trí. Công tác vệ sinh môi trường bãi biển, khu vực công viên, lâm viên... phải được thực hiện thường xuyên. Đồng thời xử phạt những hành vi gây tổn hại đến môi trường sinh thái như đổ rác, nước thải sinh hoạt và xây dựng không đúng giờ, không đúng nơi quy định.
Thứ năm, với 95% du khách đánh giá tốt và rất tốt về an ninh, trật tự trên địa bàn du lịch. Tuy nhiên vẫn còn 4% chưa hài lòng. Để đem lại niềm tin cho du khách, Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, văn minh tại các điểm đến, chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, phòng chống trộm cắp tài sản, phòng chống cháy nổ... Nghiêm cấm mô tô nước chạy vào sát bờ để chèo kéo khách, gây nguy hiểm cho khách và ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, có 80% du khách đánh giá hạ tầng du lịch của Cửa Lò hiện đại. Ngay từ cuối năm 2022, toàn bộ 209 ki-ốt ở bãi biển phía Đông đường Bình Minh được giải tỏa, chuyển lên địa điểm mới ở phía Tây đường Bình Minh; mở rộng không gian du lịch về phía Nam, đặc biệt là phát triển dịch vụ ẩm thực đường ven sông Lam… tạo nên một không gian thoáng đãng, trong lành hơn. Cùng với đó là tất cả các cơ quan, công sở, các lâm viên, công viên… đều phủ vàng rực rỡ màu hoa cúc biển- loài hoa biểu tượng cho du lịch Cửa Lò. Hệ thống đèn Led, đèn trang trí tại các trục đường chính đã được chỉnh trang lại. Các cổng chào điện tử, hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường nội thị được tu sửa và nâng cấp. Hệ thống điện trang trí khu vực Quảng trường và lâm viên Quảng trường Bình Minh, Công viên Hoa Cúc Biển cũng được cải tạo và đầu tư thêm. Các trục đường chính vào trung tâm thị xã như đường Bình Minh, đường Sào Nam, đường số 10 và các trục đường nội thị được mở rộng, xanh- sạch- đẹp. Tuy nhiên vẫn còn 20% cho rằng hạ tầng du lịch vẫn chưa thực sự hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu du khách, Cửa Lò cần được đầu tư thêm những công trình du lịch phụ trợ, tuyến đường đi bộ dọc bờ biển, vui chơi giải trí hiện đại, khu siêu thị mua sắm với đa dạng hàng hóa, nhất là sản phẩm và đặc sản địa phương.
Thứ bày, đánh giá về môi trường du lịch văn minh, vẫn còn 25% du khách chưa hài lòng. Mặc dù Cửa Lò đã thay mới hơn 500 xe điện đẹp, đảm bảo an toàn có đăng ký, đăng kiểm để đưa đón du khách tham quan, mua sắm tại các điểm du lịch rất thuận tiện, nhưng hầu hết đội ngũ tài xế taxi, xe điện và nhân viên du lịch chưa có kiến thức về ngoại ngữ, nghiệp vụ làm du lịch, hiểu biết sâu sắc về văn hóa địa phương. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, khu dân cư kiểu mẫu... Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh"; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về văn hóa, văn minh, mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, trường học thân thiện, gương người tốt việc tốt… Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ các chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, nếp sống văn minh, hiện đại trong nhân dân. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các dịch vụ văn hóa phục vụ du khách như: Hoạt động giao lưu văn hóa ngoài trời, văn nghệ đường phố, ẩm thực đêm, chợ đêm... Qua đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh.
Thứ tám, điều đáng buồn là chỉ có tới 54% du khách hài lòng với con người du lịch mến khách. Có tới 46% chưa hài lòng với văn hóa ứng xử của đội ngũ nhân viên các nhà hàng, khách sạn. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thu nhập chính của doanh nghiệp và người dân thị xã. Do vậy trách nhiệm của mọi người là góp pần tích cực vào việc phát triển du lịch bền vững. Thị xã cần tổ chức các lớp tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật về du lịch, văn hóa ứng xử; cử cán bộ tham gia đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn để nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động văn hóa, du lịch. Lồng ghép, đưa nội dung về ứng xử văn minh du lịch vào một số chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các kỹ nghề du lịch đến các đối tượng tham gia tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn thị xã. Chỉ đạo các doanh nghiệp, các đơn vị tham gia kinh doanh du lịch quan tâm tuyển dụng nhân viên đã qua đào tạo chuyên ngành và thường xuyên quan tâm gửi nhân viên đi đào tạo nâng cao kiến thức văn hóa ứng xử và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu... Cùng với việc nâng cao nhận thức cho người làm du lịch cũng như người dân về thái độ thân thiện, mến khách thì phải có các hành động thiết thực. Chẳng hạn như xây dựng các các nhà tắm nước ngọt công cộng miễn phí cho du khách dọc tuyến bãi biển khu vực trung tâm thị xã. Thông qua đó giúp du khách cảm nhận được sự hiếu khách, góp phần hướng đến xây dựng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển văn minh hiện đại.
Lời kết
Kết quả khảo sát trên chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, tuy nhiên nó cũng phản ánh thực tế về các góc độ văn hóa du lịch ở Cửa Lò. Muốn phát triển du lịch bền vững, văn hóa du lịch là một yếu tố không thể thiếu được. Bởi vì các giá trị văn hóa tại các tour du lịch, điểm du lịch văn hóa đã làm tăng các giá trị thấm sâu vào môi trường sống, sinh hoạt, quan hệ cộng đồng, cá nhân của du khách. Để mỗi du khách thỏa mãn trong chuyến đi của họ, những yếu tố, những giá trị văn hóa làm cho họ cảm nhận một môi trường lành mạnh, bình yên, có sự độc đáo của nhân tố văn hóa trong đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, giúp định hướng hành vi, thái độ, cách ứng xử trong các hoạt động du lịch. Để triển khai có hiệu quả, Sở Du lịch Nghệ An cùng Thị xã Cửa Lò cần tăng cường tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch. Việc thực hiện tốt những quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ góp phần đáng kể vào phát triển du lịch Cửa Lò. Đồng thời, tạo hình ảnh đẹp về một Cửa Lò thân thiện, mến khách trong lòng du khách, thể hiện môi trường du lịch chuyên nghiệp, hiện đại nhằm thu hút, giữ chân du khách.
TS. Đinh Văn Tới - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-trien-van-hoa-du-lich-o-do-thi-bien-cua-lo-a25852.html