Vươn lên từ việc làm nhỏ
Ở ấp Trung Bắc Hưng, gia đình ông Lưu Minh Quân không đất sản xuất và không nghề nghiệp ổn định. Tuổi cao, ông phải dốc sức mua bán phế liệu làm kế sinh nhai, vừa chăm lo cho các con học hành. Mỗi ngày, thu nhập từ 50.000 – 60.000đồng, ông và vợ hết sức tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình. “Có con vào đại học, mình mừng lắm. Rồi, chi phí sinh hoạt cũng tăng cao, nhưng không nản lòng. Cố gắng lo cho con học hành đến nơi đến chốn” – ông Quân tâm sự. Hiện tại, hai người con lớn của ông đã ra trường, còn hai người con kế đang học đại học.
Di tích chùa Hòa Thạnh
Anh Hồ Văn Hài (ấp Đông Hưng) vui mừng thoát nghèo, nhờ xã xét đề nghị hỗ trợ vốn vay để nuôi bò theo kinh tế gia đình. “Từ số vốn đó, tôi có cơ sở mần ăn ổn định, nuôi dạy con học hành đến nơi đến chốn, gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo” – anh Hài cho biết. Qua nhiều năm tích lũy, giờ đây anh Hài cũng đã cất được ngôi nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và là cơ sở vững chắc để vươn lên trong cuộc sống.
Còn ông Chau Dal (ấp Tây Hưng) được đồng bào Khmer (sóc Hào Sển) tín nhiệm bầu là “Người có uy tín tiêu biểu” nhiều năm liền. Bởi, ông tích cực vận động đồng bào chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nêu gương sáng lao động sản xuất và xóa đói giảm nghèo, tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa… Với những việc làm thiết thực, ông Chau Dal góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Khởi sắc vùng đất anh hùng
Được đầu tư từ Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sản xuất và đời sống người dân Nhơn Hưng luôn khởi sắc. Ông Trần Văn Phến, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt được 10 tiêu chí (52,63%) và 38 chỉ tiêu (76%), tăng 6 tiêu chí và 16 chỉ tiêu so với năm 2011. “Đường sá liên ấp, liên xã bây giờ thông thoáng, tạo điều kiện cho việc đi lại, mua bán và vận chuyển hàng hóa” – ông Phến nói.
Di tích Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên
Hàng năm, diện tích gieo trồng của Nhơn Hưng trên 2.230 héc-ta (115 héc-ta lúa mùa ruộng trên và 13 héc-ta hoa màu), doanh thu lúa 2 vụ đạt 40 triệu đồng/héc-ta. Anh Nguyễn Bữu Phụng (ấp Trung Bắc Hưng) cho biết, gia đình canh tác 21 công lúa 2 vụ và 17 công lúa 3 vụ, nhờ áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. “Cùng với việc sản xuất cây lúa, gia đình tôi còn chăn nuôi gia súc, gia cầm phụ thêm nguồn thu nhập. Nhờ vậy, gia đình có cuộc sống ổn định hơn, vừa có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất” – anh Phụng chia sẻ.
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Nhơn Hưng đã bình xét và nâng chất được 1.684 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, 3 “Ấp văn hóa” (2 ấp Đông Hưng và Tây Hưng giữ vững 14 – 15 năm liền), 3 ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Đặc biệt, xã còn đầu tư nâng cấp Thư viện xã, với số lượng luân chuyển gần 1.000 đầu sách; hoạt động đờn ca tài tử được hình thành từ xã đến các ấp. Đài Truyền thanh xã trang bị 44 cụm loa hữu tuyến và vô tuyến, kịp thời thông tin hoạt động của hệ thống chính trị địa phương đến người dân.
“Nhơn Hưng giới thiệu và giải quyết việc làm hơn 4.000 lao động, tăng gấp 3 lần so dự kiến (5% lao động là đồng bào dân tộc Khmer), nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 35%. Hiện tại, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 5,7%”.
Trọng Ân (Tin Tức Miền Tây)