Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Nếu không nhanh chóng rà soát và khẩn trương đầu tư thì các điểm di tích sẽ thành phế tích

Mặc dù nhiều di tích đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các di tích tháp Chăm, nhưng vận dụng bằng mọi nguồn lực tỉnh Bình Định đang quyết tâm, nỗ lực cũng như ban hành nhiều chương trình hành động để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tạo điều kiện cho nhiều di tích văn hoá, lịch sử được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và phát huy giá trị.

thap-duong-long-1686990484.jpg
Nhiều năm qua, di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Dương Long hút du khách tham quan

Nhận thức chưa đúng mức về giá trị di sản

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 143 di tích được xếp hạng, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 107 di tích cấp tỉnh với các loại hình: Kịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Những năm qua, nhiều công trình di tích đã và đang được đầu tư xây dựng, tu bổ, phục hồi và tôn tạo như: Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, Tháp Bánh Ít, Tháp Bình Lâm, Tháp Thủ Thiện, Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng...

Từ năm 2020 - 2022, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương bằng nhiều nguồn kinh phí. Bởi vậy, nhiều công trình di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo, với tổng kinh phí đầu tư trên gần 95 tỉ đồng.

Đề cập về công tác quản lý, phân cấp và phát huy giá trị các di tích trên địa tỉnh, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Hiện Sở đã trình UBND tỉnh quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cho các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan.

Theo ông Chánh, Sở VHTT Bình Định cũng giao Bảo tàng Quang Trung quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và các di tích về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn. Đồng thời, các di tích còn lại giao Bảo tàng tỉnh quản lý, riêng thắng cảnh Gành Ráng và di tích danh thắng Hầm Hô được giao cho các doanh nghiệp trực tiếp quản lý và khai thác”, ông Chánh nói.

Nói việc đầu tư, bảo vệ di tích, ông Chánh chia sẻ, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các di tích tháp Chăm nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hoặc đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ, thời gian đầu tư kéo dài. Một vài tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích đã tùy tiện tổ chức tu sửa một số hạng mục nhỏ trong di tích mà không báo cáo cơ quan chức năng. Công tác tu bổ, phục hồi di tích triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thời gian. “Một số tổ chức, cá nhân, cộng động dân cư tham gia quản lý di tích nhận thức chưa đúng mức về giá trị di sản văn hóa và quy định của pháp luật trong việc bảo vệ di sản văn hóa nên để xảy ra tình trạng vi phạm di tích. Công trình tu bổ, tôn tạo di tích là công trình có tính đặc thù nhưng năng lực của các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn và đơn vị thi công còn hạn chế”, ông Chánh thẳng thắn chỉ ra.

ghenh-rang-1686990529.jpg
Trong danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng, nhà đầu tư xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu xâm hại đến vùng bảo vệ di tích bãi tắm Hoàng Hậu Nam Phương.

Đẩy nhanh công tác tu bổ bảo tồn, quản lý di tích

Trong công tác phát huy giá trị di tích, Sở VHTT Bình Định đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Trong danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng, nhà đầu tư xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu xâm hại đến vùng bảo vệ di tích bãi tắm Hoàng Hậu Nam Phương.Hiện nay, tỉnh Bình Định đang lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, cũng như đề xuất cho chủ trương đầu tư và bổ sung kinh phí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với các di tích. Cụ thể như: Tháp Phú Lốc, tháp Bình Lâm, tháp Đôi, tháp Hòn Chuông; xây dựng Đền thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc và phục hồi Đàn Nam Giao tại khu di tích Thành Hoàng Đế; tu bổ, tôn tạo di tích Mộ Đào Tấn; nâng cấp chỉnh trang Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân; tu bổ, phục dựng, trưng bày di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ…

Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ, nâng cấp di tích đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian, chất lượng công trình.

Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ tăng cường đầu tư kinh phí cho Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, nhất là đối với công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích nhằm góp phần khôi phục, tôn vinh giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hơn hết, đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để tu bổ di tích; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Nếu không nhanh chóng rà soát và khẩn trương đầu tư thì các điểm di tích sẽ thành phế tích. Bởi thế, tỉnh đang tập trung để làm, trong đó ít nhất bảy cụm di tích tháp Chăm đã có phương án triển khai. “Đến hết năm 2025 phải định hình xong để xử lý. Chúng ta phải bảo tồn được các di tích và gắn với các hoạt động du lịch trên tinh thần trách nhiệm làm tốt nhất có thể để giúp hoạt động của tỉnh từng bước đi vào nề nếp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo disanxanh.cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ubnd-tinh-binh-dinh-neu-khong-nhanh-chong-ra-soat-va-khan-truong-dau-tu-thi-cac-diem-di-tich-se-thanh-phe-tich-a25807.html