Kho sách quý của ông lão nghèo
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Hiêng vẫn còn rất minh mẫn. Vừa uống ngụm trà cụ vừa từ từ kể, những cuốn sách đó có từ thời ông nội cụ là Trần khắc Trạch. Ông Trạch là người học rộng tài cao nổi tiếng khắp vùng. Thời điểm đất nước đang bị giặc Pháp xâm lược ông đã gác bút nghiên lên đường đi đánh giặc. Với những chiến tích lập được, ông được vua Thành Thái phong hai đạo sắc: Tòng Bát Phẩm và Chánh Bát Phẩm. Sau này ông cáo quan xin về quê dạy học và bốc thuốc cứu người sống cuộc sống thanh bần, đạm bạc nơi thôn quê. Cụ Trạch vốn là một người thích sách do đó cụ đã tìm mua khắp nơi những cuốn sách quý để đọc.
Sau khi cụ Trạch qua đời thì những pho sách quý đó được người con trai cũng chính là cha của ông Hiêng là ông Trần Khắc Hinh tiếp quản và lưu giữ. Ông Hinh vốn học giỏi nhưng lận đận trong thi cử. Sau nhiều lần đi thi không thành công ông quyết định nối nghiệp cha đi dạy học khắp nơi từ Thanh Hóa cho đến Hà Tĩnh. Ảnh hưởng từ người cha nên cụ Hinh cũng rất thích đọc sách do đó đi đến đâu gặp những cuốn sách hay cụ lại bỏ tiền ra mua về.
Cụ Hiêng chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được ông nội và cha dạy chữ Hán và truyền cho niềm đam mê đọc sách. Cha tôi luôn nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, mình không có điều kiện đi nhiều thì cần phải đọc sách. Đó là nơi chứa đựng những tinh hoa của nhân loại nó sẽ giúp con biết được nhiều điều và đến được nhiều vùng đất trên thế giới. Do đó con phải biết yêu quý sách. Mỗi ngày đọc một trang sách con sẽ tích lũy được nhiều tri thức và thấy tâm sáng hơn”.
Theo gương ông và cha, cụ Hiêng luôn chăm chỉ học hành và đọc nhiều sách. Từ nhỏ cụ Hiêng cũng nổi tiếng về thông minh và hiểu biết. Tuy nhiên cụ không thích thi cử mà muốn gắn bó với làng quê, đồng ruộng, đọc sách và sưu tầm sách.
Cụ cho biết, những pho sách cổ cụ lưu giữ được đến nay bao gồm hơn 100 cuốn. Trong đó có nhiều quyển quý hiếm 200 - 300 năm tuổi như Tứ thư, Ngũ kinh, Khang Hy từ điển, Hoàng Lê nhất thống chí… đặc biệt 49 tấm khắc gỗ về Kinh dịch, Kinh phật thuộc loại cổ nhất và có một không hai. Mỗi tấm ván đó đều làm bằng gỗ quý, to bằng quyển sách không hề bị mối mọt và được khắc những chứ Hán màu vàng rất đẹp. Ngoài ra cụ còn lưu giữ được giá sách, bút, nghiên mực, son… đều có tuổi đời trên 100 năm. Trong những pho sách cổ cụ lưu giữ được đến nay một phần do ông cha để lại còn một phần do cụ sưu tầm thêm.
“Ngày xưa cứ thấy người ta gánh sách đi bán tôi lại chạy đến xem. Có nhiều lúc gặp được những cuốn sách cực kỳ quý hiếm khiến tôi giật mình. Có thể do người bán không biết chứ Hán nên không hiểu được giá trị của nó. Lúc đó tuy nhà nghèo, ăn uống kham khổ nhưng tôi vẫn cố nhịn ăn nhịn mặc để mua bằng được những cuốn sách đó về đọc. Nhiều người thấy vậy còn bảo tôi dở hơi vì chết đói đến nơi mà còn mua sách”, cụ Hiêng nói.
Khi kể về việc những cuốn sách quý bị đốt thời cải cách, giọng cụ bỗng buồn hẳn: “Thời điểm ấy người ta gom sách ở các nhà địa chủ tập trung một chỗ rồi đốt hết. Nhìn những trang sách cổ bị thiêu rụi trong đống lửa tôi vừa tiếc vừa đau đớn. Tự nhiên nước mắt cứ giàn dụa trên khuôn mặt. Sau đó tôi rình họ sơ hở liền trộm mang về nhà cất. Lúc đó lửa cháy hừng hực nhưng không hiểu sao tôi vẫn liều mạng thò tay vào lôi sách ra. Tuy tay bị bỏng rát nhưng tôi không cảm thấy đau tý nào. Có lần tôi bị bắt trói vì tội “trộm sách” như vậy. May mắn sau khi biết mục đích của tôi chỉ là muốn lưu giữ sách cổ nên họ đã thả tôi đi”.
Nhà cụ Hiềng vốn rất nghèo, tất cả kinh tế chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng ít ỏi nhưng khi có người đến mua sách cụ vẫn cương quyết không bán. Thậm chí có người từng trả giá mỗi tấm gỗ khắc chữ Hán từ 3 - 5 triệu đồng. Nếu nhân số tiền đó với 49 tấm thì đó là cả một gia tài đối với gia đình nông dân nhưng cụ Hiêng không đồng ý. Cụ bảo tiền bạc dù có nhiều bao nhiêu cũng không quý bằng sách. Đây đều là bảo vật vô giá của gia đình không gì có thể đổi được. Ngoài ra một lí do khác khiến cụ không muốn bán là vì những người đến mua sách chỉ thích một số quyển trong kho sách mà cụ lại không muốn xé lẻ chúng ra.
Hiến cả kho sách cho nhà nước
Sau hàng chục năm gìn giữ đến năm 2007, cụ Hiêng đã hiến toàn bộ sách mà mình suốt đời nâng niu gìn giữ cho thư viện tỉnh Nghệ An. Quyết định của cụ khiến ai cũng bất ngờ, sửng sốt. Nhiều người còn bảo do cụ già lẩm cẩm nên mới làm vậy chứ ai lại cho không những thứ quý giá như thế.
Lí giải về quyết định khác người của mình cụ cười cho biết: “Tôi càng ngày càng cao tuổi, sức khỏe và trí tuệ không còn được như xưa, con cháu thì không ai biết chữ Hán, nếu tui có mệnh hệ gì thì ai sẽ gìn giữ số sách đó? Mà bán đi thì tiếc lắm. Do đó tôi mới quyết định hiến cho thư viện tỉnh. Một phần vì đó là nơi bảo quản tốt nhất cho những cuốn sách, phần khác những kiến thức trong số sách đó có thể giúp ích cho công tác nghiên cứu”.
Người nhà cụ Hiêng chia sẻ, cụ yêu sách hơn tất cả mọi thứ trên đời. Mỗi khi đọc cụ lật rất nhẹ nhàng vì sợ nó bị rách. Đọc xong cụ lại vuốt hai bên thật phẳng phiu rồi cất cẩn thận trong tủ. Ba tủ sách đó được cụ đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Những năm chiến tranh hay lụt lội cả nhà phải sơ tán không biết bao nhiêu lần nhưng những tủ sách đó vẫn luôn được cụ Hiêng bảo vệ an toàn cho đến ngày hôm nay. Do vậy thấy cụ hiến tặng cho nhà nước ai cũng ngạc nhiên. Thế nhưng khi biết được mục đích cao đẹp đằng sau quyết định lạ đó mọi người đều ủng hộ cụ.
Ngoài niềm đam mê với sách, cụ Hiêng còn mày mò dịch những quyển sách chữ Hán, chữ Nôm để giúp người đời sau hiểu về nội dung trong đó. Nhiều gia đình dòng tộc ở trong và ngoài huyện có các sắc phong hay gia phả bằng chữ Hán thường đến nhờ cụ dịch hộ. Mỗi lần như vậy cụ đều nhiệt tình giúp đỡ không bao giờ từ chối một ai.
Không những dịch sách, cụ còn là người giải mã những tấm bia đá cổ ở các đình chùa, dòng họ… Do đó hầu như lịch sử về các đền chùa nổi tiếng trong huyện cụ đều hiểu rõ. Nhiều thầy giáo, sinh viên và nhà nghiên cứu khi cần biết các thông tin về các ngôi chùa, ngôi đền cổ nào thường đến nhà gặp cụ để hỏi. Do hiểu cao biết rộng nên từ lâu cụ Hiêng được nhân dân trong xã mệnh danh là “Cuốn từ điển sống”.
Năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng hàng ngày cụ Hiêng vẫn đều đặn đọc sách báo, xem truyền hình theo dõi tin tức. Đặc biệt cụ không chỉ nhớ và đọc vanh vách tên tất cả kho sách mình lưu giữ mà còn nhớ được nội dung trong từng cuốn.
Với con cháu trong nhà cụ Hiêng cũng thường xuyên khuyên đọc nhiều sách để biết cách sống cách ứng xử và đặc biệt giúp ích cho xã hội. Nhờ vậy con cháu cụ đều học giỏi, thành đạt, hầu hết là những người có vị trí trong xã hội như bác sĩ, giáo viên…
Phương Nghệ