Ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long hội tụ nhiều nét văn hóa đa dạng, sống động được cộng đồng 44 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn hình thành và gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, làm nên sắc màu văn hóa độc đáo của toàn vùng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc sắc, có giá trị biểu tượng cho văn hóa vùng cũng như văn hóa quốc gia. Địa bàn có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay cấp tỉnh công nhận như nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương, múa bóng rỗi, các lễ hội cầu ngư, cúng biển Mỹ Long, lễ hội Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, di tích văn hóa lịch sử, công trình nghệ thuật kiến trúc như chùa Phật giáo Nam tông Khmer hay ngôi nhà cổ của người Việt, văn hóa chợ nổi…
Theo Phó Giáo sư Phạm Tiết Khánh (Trường Đại học Trà Vinh), Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn định cư của nhiều dân tộc khác nhau. Đây là vùng đất với đa văn hóa, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, gắn bó với nhau trong quá trình khai phá đất đai, xây dựng làng xã và cùng đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa. Những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy trong quá trình chung sống, lao động. Trong câu chuyện văn hóa, Tây Nam Bộ là cái nôi của vọng cổ và cải lương, của những điệu múa như điệu múa rom vong, nghệ thuật dù kê, quê hương của những câu hò, điệu lý trữ tình, câu chuyện cười sảng khoái, lạc quan của bác Ba Phi gắn với vùng đất trù phú “làm chơi ăn thiệt” nhưng cũng đầy trắc trở, hiểm nguy thời khẩn hoang “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”.
Chuyên gia Phạm Văn Luân (Hội Di sản Văn hóa Bến Tre) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ được biết đến là vùng đất mới mà còn là vùng đất có một nền văn hóa đa dạng, nơi hội tụ của các dòng lưu dân luôn gắn bó trong quá trình khai phá đất đai, xây dựng làng xã, cùng nhau thích nghi với thiên tai địch họa. Mỗi giai đoạn lịch sử có những nét văn hóa nổi trội, bước thăng trầm nhưng bản sắc văn hóa sông nước vẫn luôn được bảo tồn, phát huy, trở thành một trong những trụ cột của sự phát triển vùng đất đặc biệt này…
Dẫn chứng về bản sắc văn hóa, nhìn nhận từ những điệu hò dân gian ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Tăng Thị Nguyệt Nga (Trường Đại học Khánh Hòa) phân tích, các địa phương trong vùng có nhiều thể hò trên sông nước như, hò đối đáp trên sông, hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái trường, hò chèo thuyền đêm, hò chèo thuyền ngày… Các thể hò này có đặc điểm chung là chất hào sảng gợi lên từ mênh mông sông nước, từ tâm hồn hiền hậu thủy chung cũng như lối sống phóng khoáng, nồng hậu của con người miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, các thể hò này có nhiều điểm khác nhau khá rõ nét giữa các địa phương trong vùng, làm nên sự đa dạng, đó là hò Đồng Tháp, hò Bến Tre, hò Bạc Liêu, hò Long An.
Phát huy nguồn lực
Xác định văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển bền vững, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long khai thác tối ưu tiềm năng, phát triển đồng bộ văn hóa với kinh tế - xã hội.
Bến Tre là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong chiến lược phát triển, tỉnh xác định phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhanh và bền vững là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể luôn được quan tâm. Tỉnh hiện có hai di tích quốc gia đặc biệt là Di tích Đồng khởi Bến Tre, Di tích mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu cùng trên 70 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bến Tre có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như loại hình diễn xướng dân gian hát sắc bùa Phú Lễ, điệu lý, làn điệu dân ca, lễ hội, làng nghề mang đặc trưng vùng đất xứ Dừa được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tỉnh tập trung điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu; đồng thời kết hợp hài hòa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế, du lịch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục cân đối hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh coi trọng phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản, nghiên cứu phân quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đa dạng trong bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang tự hào là địa phương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với gần 90 di tích đã được xếp hạng từ quốc gia đặc biệt đến cấp tỉnh, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tỉnh còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc với trên 160 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Đua bò Bảy Núi.
Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, tỉnh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới. Các cấp, ngành, đoàn thể quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang. Tỉnh lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh qua từng giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu các di tích cấp quốc gia.
Đặc biệt, nhân dân trên địa bàn đóng góp kinh phí cùng Nhà nước trùng tu 69 đình làng, góp phần bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương. Một số lễ hội lớn như Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành, Ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer được tổ chức chu đáo, quy mô, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử như núi Sam, núi Cấm, Khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, đồi Tức Dụp, Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, An Giang đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch, góp phần quảng bá giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, giải quyết việc làm cho người dân.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum chia sẻ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của các dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa, hình thành một nền tảng văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống, nhiều nét văn hóa tiêu biểu. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, tạo thêm nhiều sản phẩm, hình thành tuyến, điểm du lịch sinh thái, văn hóa như Khu Du lịch biển Ba Động, danh thắng Ao Bà Om, cù lao Tân Quy, cồn Chim, chùa Cò…
Từ đặc thù vị trí nằm giữa hai nhánh sông Mê-kông và tiếp giáp Biển Đông, có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển, thế mạnh tài nguyên văn hóa, Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025 hình thành ba trung tâm du lịch lớn của tỉnh, gồm: Trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận (hai huyện Châu Thành và Càng Long); trung tâm du lịch sinh thái biển thị xã Duyên Hải, hai huyện Duyên Hải và Cầu Ngang; trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa gồm các huyện Cầu Kè, Trà Cú và Tiểu Cần, góp phần phát triển du lịch - một trong những ngành thế mạnh của toàn vùng.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-nguon-luc-van-hoa-cho-phat-trien-ben-vung-dong-bang-song-cuu-long-a25759.html