Cựu binh thổi sáo đồng “sờ đầu thiên hạ”

Suốt 38 năm qua, ông Trần Đăng Lễ (82 tuổi), xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị vẫn một mình cần mẫn trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp đường thôn ngõ xóm trong huyện để cắt tóc cho những người dân nghèo. Chiếc xe đạp “cà tàng” dựng bên gốc cây, ông ngồi xuống rồi từ từ cất lên tiếng sáo mời gọi bà con đến cắt tóc.




Ông Lễ thổi sáo bên "thằng bạn đường" của mình

Từ máu nghệ sỹ…

Mặc dù tuổi cao nhưng sức khỏe của ông vẫn còn tốt lắm, vẫn dồi dào như thủa đôi mươi. Ánh mắt xa xăm, ông Lễ kể về quá khứ oanh liệt của mình và cơ duyên đến với cây kéo…

Năm 1954, sau hiệp định Giơ – Ne - Vơ, ông Lễ đi tập kết ra Bắc rồi trở lại miền Nam chiến đấu. Trong những năm kháng chiến, ông được những người đồng đội dạy thổi sáo, đánh đàn guitar và rồi trở thành một “cây văn nghệ” có tiếng trong đội văn hóa văn nghệ. Hoà bình lập lại, ông trở về và trở thành một người thợ cắt tóc “di động”. 

Suốt mấy chục năm hành nghề, ông Lễ luôn mang theo cây sáo ở bên người như một vật bất li thân tri kỷ. 

"Tui chơi được đàn ghi - ta, kèn tây, đàn nhị, sáo, tiêu... Nhưng suy đi tính lại thì món sáo tui vẫn kết hơn. Lúc mới vào quân ngũ, nó là thứ đầu tiên tui tập, với lại cũng thuận tiện khi đem đi xa. Sau này, khi đi cắt tóc cho bà con tui vẫn mang theo nó để thổi lúc chưa có khách, vắng nó một lúc là buồn", ông Lễ tâm sự.

Chị Trần Thu Thảo (34 tuổi, hàng xóm của ông Lễ) chia sẻ: "Người dân ở đây rất thích nghe ông Lễ thổi sáo. Ông đa tài lắm! đàn giỏi, hát hay, thổi sáo thì khỏi chê. Mỗi khi nghe tiếng sáo của ông là tụi tui quên hết mệt nhọc chú à".

… Đến nghề cắt tóc

Năm 1976, ông Lễ xuất ngũ trở về quê hương. Ông cưới vợ và xây một căn nhà cấp bốn ở thôn Nhĩ Trung. Ban đầu, hợp tác xã giao cho ông làm thủ kho. Một thời gian sau, ông được thôn cử làm vườn ươm cây để phủ xanh đất trống đồi trọc do bom đạn chiến tranh tàn phá. 

Trong thời buổi kinh tế nước nhà khó khăn, thấy cảnh bà con xóm làng tóc tai còn nhiều bối rối mà không có điều kiện cắt tỉa, ông Lễ đã nảy ra ý định trở thành một thợ cắt tóc “di động”. Và rồi, cái nghề "làm cha sờ nắm đầu thiên hạ" theo ông từ đó.

Ông rong ruổi “hành nghề” trên chiếc xe đạp đi lang thang đi qua các xã vùng biển nghèo khó Gio Hải, Trung Giang…  Mỗi “cái đầu” như vậy ông chỉ lấy vài đồng lẻ tiền uống nước, với những người nghèo quá thì ông miễn phí. 

Sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló rạng, người ta đã thấy ông đã đạp xe đi khắp các thôn - xã và đến tối khuya, khi ánh hoàng hôn đã tắt ông mới lọc cọc trở về nhà. Mỗi ngày như thế, ông đạp xe gần 25 đến 30km.

"Lúc còn trẻ ở trong quân ngũ, tui đã từng cắt tóc cho đồng đội. Rứa là trở về tui quyết định đi nhặt tông - đơ, kéo sắt của lính Pháp vứt lại để về mài dũa làm dụng cụ hành nghề". Nói đến đây, ông dừng lại và đưa hai bàn tay ra, trong ánh sáng mập mờ chập choạng của bóng tối hiện ra đôi bàn tay sần sùi chai sạn bởi suốt bao năm gắn liền với cây tông - đơ.

Bà Xuyên (vợ ông Lễ) tiếp chuyện: "Với tiền lương thương binh của ông cộng với sào ruộng sau nhà thì ông bà tui sống thoải mái nhưng ông cứ thích đi cắt tóc cho người nghèo ở vùng ven biển bãi ngang. Tui đồng ý để ông đi và cũng tự hào về ông lắm".

Tiếng lành đồn xa. Đi đến đâu người ta cũng biết đến “Ông Lễ cắt tóc – thổi sáo”. Suốt 38 năm hành nghề, ông đã cắt tóc cho không biết bao nhiêu người trong vùng, thậm chí có gia đình ông còn trực tiếp “xử lý” tóc cho từ người già đến trẻ nhỏ, từ đời ông đến đời cháu, rồi đời chắt. Ông đã tạo thương hiệu riêng cho mình. 

Sáo đồng - kéo sắt “song kiếm hợp bích”

Cùng với cây kéo, cây tông - đơ là cây sáo đồng. Cứ trên mỗi chặng đương, mỗi khi đến một làng nào để “hành nghề” là ông lại dừng xe ngay ngắn vào gốc cây bên đường rồi cất lên tiếng sáo. Vài phút sau, những người muốn cắt tóc sẽ tự tìm tới. 

“Mấy quán cắt tóc có tiện nghi đầy đủ thì người có điều kiện hay vô. Còn tui thì chỉ cần thổi sáo thôi là người ta tự tìm tới. Họ nghe quen tai rồi. Cái nghề này đến với tui như cái duyên cái số. Lúc đầu tui có nghĩ là mình sẽ làm nghề này lâu như vậy đâu, giờ một ngày không đi là tui không chịu được", ông Lễ chia sẻ.

Anh Bùi văn Hiến (40 tuổi) một người dân trong xã Gio Hải cho biết: "Mấy quán cắt tóc họ lấy tiền đắt lắm. Tui toàn chờ ông Lễ ra rồi cắt, nhiều khi không có tiền mà ông vẫn cắt miễn phí cho. Bà con ai cũng quý ông nên cứ muốn cắt tóc là đợi ông đến rồi cắt".

Tám mươi hai tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng khi được hỏi "khi nào thì ông chịu nghỉ ngơi?" - Ông Lễ cười sảng khoái: “Khi mô đạp xe không nổi nữa thì tui nghỉ. Còn giờ thì vẫn khỏe lắm, cứ cắt tóc cho bà con đã”. Về cái “nghiệp cầm kéo” của ông Lễ, người dân Gio Linh đã đúc kết rồi truyền tụng bằng bài thơ:
 
“Gặp ông Lễ chớ để tóc dài
Đợi mãi, đợi hoài hôm nay mới thấy
Tông - đơ một cái, kéo thời có hai
Nhác nhổ, nhác mài vừa cắt, vừa nhổ”
 
Tuyền Trần

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cuu-binh-thoi-sao-dong-so-dau-thien-ha-a257.html