Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển là một trong những cơ quan báo chí đó, được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động ngày 7/5/2021 trên cơ sở chuyển đổi từ Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam để thực hiện quy hoạch báo chí theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại văn bản số 128-CV/BTGTW ngày 12/3/2021.
Tôn chỉ, mục đích của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển là thông tin chuyên sâu, chuyên ngành về Văn hóa và Phát triển; Giới thiệu, đăng tải những kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và phát triển xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan báo chí theo Luật Báo chí năm 2016 và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, là cơ quan chủ quản của Tạp chí.
Trong dòng chảy báo chí đương đại, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển luôn đồng hành cùng dân tộc trong việc cung cấp những thông tin nhanh, phổ cập nhất, là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với bạn đọc và công chúng, góp phần giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Nội dung thông tin của tạp chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hấp dẫn, đi vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các nhân tố mới, người tốt, việc tốt; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Tạp chí tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, trở thành một trong những kênh thông tin giúp Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Xác định tạp chí không phải là báo, những bài viết phải hết sức chọn lọc, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển còn thường xuyên có bài tổng hợp, phân tích, bình luận về những vấn đề văn hoá - xã hội dưới góc nhìn văn hóa mà bạn đọc quan tâm. Điều quan trọng, thông tin bước đầu đã tạo ra bản sắc riêng, không ngừng nâng cao lượng bạn đọc truy cập, từng bước giải quyết những khó khăn đặt ra, bảo đảm cho Tạp chí hoạt động, thu hút sự chú ý, mến mộ của bạn đọc và công chúng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng không thể nằm ngoài cuộc khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp tạp chí gần gũi và phục vụ bạn đọc và công chúng tốt hơn.
Tạp chí xác định chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhân lực am hiểu về công nghệ và tư duy đột phá. Vì vậy, Tạp chí chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẽ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn.
Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển bước đầu đã đầu tư số hóa với trang bị hệ thống phần mềm quản lý xuất bản để quản lý tin, bài và quy trình xuất bản trực tuyến, cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm, các chuyên mục theo hướng đa phương tiện gồm các loại tin văn bản, Video, trực tiếp, photo, Emagazine, Infographic… Các loại hình thông tin này được chú trọng hàm lượng thông tin, hình ảnh sáng tạo, sắc nét, hấp dẫn để tiếp cận người đọc nhanh chóng hơn, là kênh thông tin hữu ích cho bạn đọc và công chúng trên nền tảng số… Đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên của Tạp chí liên tục được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa.
Thực tiễn ở Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển chỉ ra rằng thành bại trong chuyển đổi số vẫn là “vấn đề con người” chứ không phải là yếu tố kỹ thuật, tất nhiên yếu tố kỹ thuật rất quan trọng, không thể thiếu và không thể xem nhẹ. Chuyển đổi số thành công, trước hết là người quản lý và tiếp đến là người lao động đối với tạp chí là phóng viên, biên tập viên, hiệu đính, trong đó thái độ của người đứng đầu cơ quan mang tính chất quyết định, vì liên quan đến nhiều yếu tố trong công cuộc chuyển đổi số cần phải quyết đáp ngay. Biết sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại, cùng một sự kiện, cùng một lúc, phóng viên có thể làm ra nhiều loại ấn phẩm thông tin truyền về tòa soạn duyệt phát ngay trên nền tảng số một cách nhanh nhất để cạnh tranh thông tin; không đơn điệu, đủng đỉnh như trước.
Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển thực hiện phương châm “Bạn đọc ở đâu, Tạp chí ở đó; Tạp chí đem đến những gì bạn đọc cần, chứ không chỉ những gì đang có”, tổ chức tác nghiệp theo tiêu chí “Nhanh - Đúng - Trúng” thường xuyên có tin, bài đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Nội dung thông tin tích cực, trung thực, hình thức đa dạng, nắm bắt nhanh xu thế chuyển đổi số để có những bước phát triển vững chắc, phù hợp với xu thế “bùng nổ thông tin”, thị hiếu phong phú của bạn đọc và công chúng trong thời đại "Cách mạng công nghiệp 4.0".
Nghề nào cũng có đạo đức của nghề đó. “Thầy thuốc như mẹ hiền” là đạo đức của nghề y. “Kỹ sư tâm hồn” là đạo đức của nghề giáo. Đối với nghề báo, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn đạo đức “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”.
Trên cơ sở đó, Tổng Biên tập đã ban hành Quy định về hoạt động nghiệp vụ của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, trong đó, xác định rõ những hành vi được làm, hành vi bị cấm, hành vi giới hạn và chế tài xử lý. Cán bộ, phóng viên của Tạp chí chấp hành nghiêm quy định nói trên kết hợp với tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam để luôn gìn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”. Đó là kim chỉ nam hành động, là đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.
Vũ Xuân Bân