“Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” hướng về nguồn cội, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối 21/5, tại di tích đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và công bố Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.

b1-den-dong-co-1-1684682470-1684723444.jpg
Đền Đồng Cổ được ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện các sở, ban, ngành thành phố và đông đảo nhân dân địa phương tham dự lễ kỷ niệm.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu nêu rõ: Lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và lễ công bố Quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là dịp tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt; ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đền Đồng Cổ và lễ hội truyền thống Hội thề Trung hiếu, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản. Quận Tây Hồ cùng cộng đồng nhân dân tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị di sản để di sản tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Năm nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 21 và 22/5 (tức ngày 3 và 4/4 âm lịch) với các nghi lễ như: Rước Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ; nghi lễ rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ… đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương tái hiện lễ thề theo nghi thức truyền thống.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ và phường Bưởi.

Trong tối 21/5, nhân dân địa phương cũng được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.  Ngày 22/5 (tức mùng 4/4 năm Quý Mão) diễn ra lễ hội truyền thống và lễ thề Trung hiếu. Lễ thề có sự tham dự của lãnh đạo quận Tây Hồ, phường Bưởi, các đoàn thể và nhân dân địa phương.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ - Hà Nội và ở làng  Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc. Kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ cùng Lễ hội đèn Quảng Chiếu là hai lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long trong triều đại nhà Lý.

b2den-dong-co-3-1684682400-1684723485.jpg
Nghi thức tế, lễ đặc sắc Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ.  Ảnh: TTXVN

Lễ hội đền Đồng Cổ là lễ hội của triều đình, hướng về nguồn cội. Đây là hội thề quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, nên được Hoàng đế và triều đình dành nhiều sự quan tâm. Hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và người dân ở trong và ngoài Kinh thành Thăng Long đều về dự Hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong cho quốc thái dân an. Sang thời Trần, Hội thề còn đề cao sự trong sạch của người làm quan.

Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian. Đây là một lễ hội đặc biệt, bởi theo các nhà khoa học, toàn miền Bắc hiện chỉ có hai Hội thề: Lễ hội Minh thệ ở Hải Phòng và Hội thề Trung hiếu ở đền Ðồng Cổ, Hà Nội.

Hội thề đền Đồng Cổ là một hội thề Non nước, một đại lễ hội của Kinh thành Thăng Long. Trải qua các triều đại trong lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần, Lê và đến nay, lời thề này vẫn được duy trì, tiếp nối và còn nguyên giá trị. Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo người dân các vùng khác. Dù 995 năm đã trôi qua, cùng với bao biến thiên, bản sắc văn hóa trong lễ hội đền Đồng Cổ đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng nơi đây.

Hiện nay, hai nơi có đền Đồng Cổ là Thanh Hóa và Hà Nội. Trong đó, ngôi đền Đồng Cổ (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là khởi nguyên và đền Đồng Cổ tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001. Trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802 có ghi: “Núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.

Đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa linh thiêng, trầm mặc bên bờ sông Mã được lưu truyền cả ngàn năm bằng những câu chuyện huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng. Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua, cứu nước thoát cảnh lâm nguy. Năm 1020, thần hiển linh giúp Thái tử Lý Phật Mã thắng lớn, đánh tan giặc Chiêm Thành. Lúc khải hoàn về qua bến Trường Châu, Thái tử dừng chân vào đền Đồng Cổ lễ tạ thần và xin rước thần về Kinh Đô (Thăng Long) giữ nước hộ dân. Còn đang băn khoăn chưa biết chọn nơi nào để xây dựng đền thì được thần về báo mộng “xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử y lời cho xây dựng đền, nay là đền Đồng Cổ thuộc phố Thụy Khê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Thanh Hóa kỷ thắng”: Vua Lý Thái Tông được Đồng Cổ sơn thần báo mộng về việc tam vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Khánh sắp làm loạn để vua kịp đề phòng, từ đó mau chóng dẹp yên được loạn Tam vương. Sau vua phong cho thần là Thiên hạ Minh Chủ, lại gia phong là Đại Vương, phẩm trật thượng đẳng thần, cho dùng nhạc Thái Đường.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-the-trung-hieu-den-dong-co-huong-ve-nguon-coi-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a25560.html