Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, được tổ chức 5 năm một lần, là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật (VHNT), về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Qua các lần trao giải, những giải thưởng cao quý này đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, những tên tuổi đã có nhiều cống hiến.
Báo cáo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết, công tác xét tặng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ. Căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của thành viên Hội đồng, có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đạt từ 80% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021. Tất cả các thông tin kiến nghị liên quan đến tác phẩm, cụm tác phẩm và tác giả có hồ sơ đề nghị xét tặng đều được kiểm tra, rà soát, xác minh kịp thời; công khai, minh bạch, không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ.
Trong lần trao giải lần này có 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này. Có 112 tác giả, đồng tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước.
Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Cùng đó Chủ tịch nước cũng nêu rõ: Trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.
Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình. Khám phá và phản ánh những chiều kích đa dạng của đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực. Đồng thời khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của con người, giải mã các tầng nấc phong phú của cảm xúc, giải quyết xung đột về nhận thức của cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và thấp hèn, giữa phụng sự nhân dân bằng tình yêu, trách nhiệm và những toan tính lợi ích cá nhân vị kỷ…
“Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Thông qua các hình thức văn học nghệ thuật đa dạng và phong phú, trực tiếp bồi đắp và nâng cao phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, lan tỏa, vun trồng các giá trị tốt đẹp, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến. “Đặc biệt quan tâm, khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá những vẻ đẹp con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ”- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý.
Theo hcmcpv.org.vn